Nhà nước nên thực hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ như là nhà đầu tư thiên thần ban đầu, để ươm mầm, giúp các cá nhân, tổ chức hoàn thiện các ý tưởng khởi nghiệp. Sau đó, chính thị trường sẽ đánh giá tính hiệu quả và đầu tư vào.

Trao đổi với Khám phá ngay sau khi nội dung hỗ trợ dự án khởi nghiệp Speedup 2017 nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng khởi nghiệp, TS Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM khẳng định: “Việc hỗ trợ ban đầu là hết sức cần thiết để giúp cho các bạn trẻ, những người khởi nghiệp có thể mạnh dạn bước vào các hoạt động khởi nghiệp.”

Ông có thể cho biết Sở sẽ sử dụng phương pháp hay công cụ nào để làm thước đo thành công đối với các dự án khỏi nghiệp?

TS. Nguyễn Việt Dũng: Để đo được hiệu quả của việc hỗ trợ các cộng đồng khởi nghiệp, dự án khởi nghiệp thì có nhiều phương pháp khác nhau. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành một dự án để xây dựng các thước đo, các tiêu chí để đánh giá hiệu quả hỗ trợ của nhà nước.

Có nhiều phương pháp khác nhau, như đánh giá tiêu chí ‘hình thành doanh nghiệp sau khi ươm tạo và kêu gọi được vốn đầu tư’. Hay có những tiêu chí khác như số lượng doanh nghiệp hình thành được, tạo ra được bao nhiêu việc làm,…

Chúng tôi cũng đang hợp tác với các chuyên gia nước ngoài chuyên trong lĩnh vực đánh giá hiệu quả của khởi nghiệp sáng tạo. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, tỷ lệ thành công của dự án khởi nghiệp vào khoảng 4 – 5%, cao lắm là 10%, nên việc xét chọn tương đối khó.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải chấp nhận mạo hiểm. Có thể có những ý tưởng ban đầu nhìn chưa thấy tiềm năng, nhưng càng về sau càng phát huy hiệu quả. Việc hỗ trợ ban đầu là hết sức cần thiết để giúp cho các bạn trẻ, những người khởi nghiệp có thể mạnh dạn bước vào các hoạt động khởi nghiệp.

Theo quyết định của TPHCM, Sở sẽ hỗ trợ 2.000 dự án khởi nghiệp từ nay đến năm 2020. Vậy thì Sở sẽ làm gì, những hành động cụ thể nào để có thể hỗ trợ được những dự án này?

TS. Nguyễn Việt Dũng: Chúng tôi có nhiều công cụ khác nhau để hỗ trợ, như hỗ trợ gián tiếp thông qua các lớp đào tạo, huấn luyện kỹ năng, hợp tác với mạng lưới chuyên gia tư vấn để giúp các dự án khởi nghiệp trong giai đoạn đầu. Hoặc tổ chức các sự kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể chia sẻ, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các khách hàng tiềm năng, các nhà đầu tư.

Có những dự án nếu được tuyển chọn qua các cuộc thi có thể sẽ được hỗ trợ tài chính thông qua các vườn ươm, để giúp họ hoàn thiện các phương án kinh doanh của mình trước khi gọi vốn đầu tư. Sở sẽ xem xét và hỗ trợ thông qua sự tuyển chọn, tiến cử từ các vươn ươm.

Đặc biệt, chúng tôi hết sức quan tâm đến việc hợp tác cùng các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư mạo hiểm. Thường chúng tôi ưu tiên theo cơ chế đối ứng, có sự tham gia của cộng đồng và các nhà đầu tư, như vậy thì việc xét chọn các dự án sẽ hiệu quả hơn.

Vậy trách nhiệm và quyền lợi của vườn ươm trong trường hợp này là gì?

TS. Nguyễn Việt Dũng: Chúng tôi nghĩ, việc hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo là trách nhiệm, đồng thời cũng chính là quyền lợi của vườn ươm. Bởi vì vườn ươm lập ra thực chất là 1 doanh nghiệp, có nghĩa là ươm tạo được càng nhiều ý tưởng, càng nhiều dự án khởi nghiệp thành công, thì họ sẽ càng thu được lợi nhuận từ đấy.

Điều kiện tài chính trong giai đoạn đầu khởi nghiệp thường hạn chế, nhất là khu vực công, nên Nhà nước có sự hỗ trợ thông qua các vườn ươm, bằng những hình thức như cung cấp các không gian làm việc, internet, tra cứu thông tin, mạng lưới tư vấn, công tác quản lý,… hay thậm chí các phòng thí nghiệm mở, các xưởng để hoàn thiện các sản phẩm.

Nếu vườn ươm tư vấn tốt, hỗ trợ tốt, các dự án khởi nghiệp mà thành công, họ cũng sẽ có nguồn thu.

Với các dự án khởi nghiệp được hỗ trợ thành công thì trách nhiệm của họ đối với nhà nước là gì?

TS. Nguyễn Việt Dũng: Dự án khi được hỗ trợ thành công, thì họ sẽ phải hoàn trả lại một phần kinh phí theo quy định hiện hành của nhà nước. Phần đó không lớn, vì chủ yếu nhà nước hỗ trợ ban đầu để họ có nguồn lực để phát triển. Đến khi dự án đủ vững thì họ có thể chủ động mà không cần nhiều đến nguồn lực của nhà nước.

Đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp thực chất cũng giống đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, đều là giúp đưa ra được thị trường những sản phẩm công nghệ mới. Đến khi bắt đầu kinh doanh thì sẽ có nguồn vốn của các nhà đầu tư, của xã hội đầu tư cho họ. Cho nên nguồn kinh phí ban đầu của nhà nước giống như kinh phí hỗ trợ và không hoàn lại.

Hiện nay có một số đề xuất việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm cho các dự án khởi nghiệp. Theo ông nhà nước có nên đầu tư quỹ này hay không?

Quỹ đầu tư mạo hiểm là hoạt động kinh doanh của xã hội, của những nhà đầu tư chuyên nghiệp, chấp nhận mạo hiểm nhưng có thể kiếm được lợi nhuận rất cao. Việc này nên để xã hội làm.

Nhà nước nên thực hiện vai trò kiến tạo, không tham gia vào việc của doanh nghiệp, không đầu tư mạo hiểm.

Nhà nước chỉ nên hỗ trợ như đầu tư thiên thần ban đầu, ươm mầm, giúp họ có thể hoàn thiện các ý tưởng của họ. Sau đó chính thị trường sẽ đánh giá sự hiệu quả và sẽ có đầu tư.

Tuy nhiên, ở Việt Nam các quỹ đầu tư mạo hiểm của khu vực tư nhân chưa phát triển nhiều, nên Nhà nước cũng có thể giúp một phần trong những lĩnh vực đặc thù cần thúc đẩy nhưng xã hội ít quan tâm, ví dụ như nông nghiệp.

Nếu nhà nước có chính sách đối ứng, có thể đối ứng một phần kinh phí để giúp các quỹ đầu tư mạo hiểm của xã hội hình thành. Đấy có thể là một phương án khả thi, nhưng vẫn còn cần chờ hướng dẫn của nhà nước.

Xin cảm ơn ông.

Sở KH&CN TP.HCM đang xây dựng các đề án chi tiết để hỗ trợ hình thành khoảng 40.000m2 cho các cộng đồng khởi nghiệp hoạt động. Có nhiều chính sách thiết kế sẽ được một phần nào đó hỗ trợ của nhà nước, một phần nào đó sẽ là các dự án hợp tác công tư với doanh nghiệp và xã hội.

Hiện nay Sở cũng đang xây dựng các đề án để huy động các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp của từng ngành, đặc biệt là 4 ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố để giúp các mối liên kết này ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn và có nội dung hiệu quả và sau lưng nó là sự hỗ trợ của nhà nước để thúc đẩy thực hiện các vấn đề của doanh nghiệp, trường viện, của các startup quan tâm trong hoạt động ĐMST và khởi nghiệp.

Ngoài ra Sở cũng thiết kế các chương trình để đào tạo cho đội ngũ giảng viên, theo dự kiến là khoảng 200 giảng viên ở các trường đại học về các phương pháp ĐMST cũng như là khởi nghiệp. Hỗ trợ các hoạt động ĐMST trong các trường phổ thông, cũng như thực hiện các cơ chế tài chính hỗ trợ trực tiếp cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo thông qua sự hợp tác giữa Sở với các vườn ươm, kể cả khu vực công và khu vực tư nhân.

Vân Ly – Khampha