Không hô hào trên mạng xã hội, Nguyễn Bá Cảnh Sơn thể hiện mối quan tâm và trách nhiệm của mình với môi trường bằng hành động cụ thể. Anh từ bỏ Thung lũng Silicon để về Việt Nam đầu tư chuỗi dây chuyền sản xuất xe máy điện với Dự án Dat Bike.


Nguyễn Bá Cảnh Sơn (bên phải) thuyết phục được Shark Hưng đầu tư cho Dự án Dat Bike tại Chương trình Shark Tank Việt Nam.

Góp phần giảm ô nhiễm môi trường

Học lập trình từ lớp 6, đến năm lớp 12, Nguyễn Bá Cảnh Sơn (sinh năm 1990) giành Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic tin học quốc tế lần thứ 20 tổ chức tại Ai Cập. Anh đạt nhiều giải thưởng từ bậc trung học, tốt nghiệp thạc sỹ khoa học máy tính, làm việc tại Thung lũng Silicon (Mỹ) trước trở về quê hương – thành phố biển Đà Nẵng.

Cảm nhận được sự thay đổi rõ nét nhất ở Đà Nẵng, từ vùng biển thoáng đãng trước kia, nay trở nên vô cùng đông đúc và náo nhiệt, Sơn nghĩ, sự ồn ào, ô nhiễm chính là kẻ thù của một thành phố du lịch. Từ đây, anh hình thành ý tưởng về chiếc xe máy điện.

“Tình trạng ô nhiễm môi trường đã lên đến mức báo động tại các thành phố lớn ở Việt Nam, mà một phần là do khí thải từ các phương tiện cá nhân. Sử dụng xe điện đang là xu hướng mới trên thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế này”, Sơn chia sẻ.

Sơn tính toán, quy mô thị trường xe máy tài Việt Nam đạt khoảng 6 tỷ USD. Thời điểm Sơn cùng đội ngũ bắt đầu nghiên cứu, nhiều người cho rằng, thị trường xe máy tại Việt Nam đã có dấu hiệu bão hòa, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại, khi Việt Nam vẫn là thị trường xe máy lớn thứ 4 trên thế giới với 1,5 triệu chiếc xe máy bán ra trong nửa đầu năm 2019.

Tại Mỹ, Sơn bắt tay mày mò, học hỏi về cấu tạo từng bộ phận của một chiếc xe điện, cách sản xuất và vận hành một nhà máy sản xuất xe từ tháng 2/2018. Sơn còn cùng các cộng sự nghiên cứu chế tạo pin, học thiết kế và đến giữa tháng 4/2018 thì lắp ráp mẫu thử nghiệm đầu tiên.

“Sau khi hoàn thành bản thử nghiệm, tôi mời bạn bè và người quen tại Mỹ chạy thử, rồi tiếp tục chỉnh sửa. Tháng 11/2018, tôi chính thức về Việt Nam, gọi vốn và xây dựng kế hoạch lớn hơn với Dat Bike”, Sơn cho biết.

Từ khi nghiên cứu sản xuất, đến khi ra đời mẫu xe Weaver vào đầu năm 2019 là quãng thời gian đầy khó khăn và thử thách lòng kiên trì của chàng trai 9X, khi vừa tự mày mò, học hỏi từ con số 0, vừa thuyết phục các nhà đầu tư.

May mắn, Sơn có được người đồng hành sáng lập Dat Bike – một trong những kỹ sư đầu tiên phát triển ứng dụng Vurb, sau này là một trong những tác giả của ứng dụng Snapchat trên iOS, là người bạn học cùng đại học, phụ trách phát triển sản phẩm/sản xuất của Dat Bike.

Từ xưởng sản xuất nhỏ tới nhà máy công suất 1.000 xe/tháng

Mẫu xe thương mại đầu tiên của Dat Bike có tên Weaver, trọng lượng 80 kg – một trong những chiếc xe máy điện nhẹ nhất trên thị trường hiện nay. Chỉ với 3 giờ sạc pin, chiếc Weaver có thể chạy được 100 km, tốc độ tối đa 80 km/h, công suất tối đa 4.500 W, tải trọng tối đa 150 kg, chạy khoảng 100.000 km cần thay pin 1 lần. Sơn cho biết, xe của Dat Bike chỉ sử dụng lõi pin lithium-ion, có cùng thành phần hóa học với lõi pin sử dụng trong xe ô tô điện của Tesla.

“Không giống như ắc quy chì, pin lithium-ion của Dat Bike không độc hại và hoàn toàn có thể thải tại các bãi rác, nhưng người dùng có thể bán lại pin đã sử dụng cho các cơ sở tái chế, bởi vì pin của Dat Bike có thể tái chế đến 80%”, Sơn nói.

Từ xưởng sản xuất bên cạnh chợ Hàn (TP. Đà Nẵng), hiện Dat Bike có khoảng 50 công nhân cùng đội ngũ kỹ thuật và thiết kế, với một xưởng sản xuất mới đặt ở Bình Dương có công suất đạt hơn 1.000 xe mỗi tháng.

Mô hình hoạt động hiện tại của Dat Bike không thiên về sản xuất, mà tập trung phát triển sản phẩm và cho ra đời các mẫu xe tốt nhất. Xe được đội ngũ của Dat Bike tự thiết kế kỹ thuật và kiểu dáng công nghiệp, còn việc gia công sản xuất thì thuê ngoài (giống cách làm của Apple). Với quy mô hiện tại, Dự án Dat Bike chưa có lãi, nhưng theo tính toán của Sơn, nếu quy mô sản xuất và tiêu thụ tăng lên 1.000 chiếc, tỷ suất lợi nhuận gộp có thể đạt 30%.

Theo kế hoạch, Dat Bike sẽ ra mắt Weaver với số lượng giới hạn 200 chiếc vào tháng 1/2020. Phản hồi của thị trường đối với đợt ra mắt này rất quan trọng, vì sẽ giúp Dat Bike cải tiến sản phẩm trong đợt tiếp theo.

Khi giới thiệu xe máy điện Weaver ra thị trường, đội ngũ Dat Bike phải đối mặt trở ngại lớn nhất là tâm lý người dùng. “Ít người nghĩ xe điện có thể ngang bằng, thậm chí vượt trội so với xe máy về tốc độ và khả năng vận hành. Chính vì thế, khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là thuyết phục người dùng thông qua việc chứng minh chất lượng sản phẩm”, Sơn nói. CEO Dat Bike chia sẻ thêm, “Dat” là cách nói khác của “That”, “That bike” chính là câu cảm thán: “Ồ, chiếc xe đẹp”.

Mới đây, Dự án Datbike kêu gọi thành công 60.000 USD cho 2% cổ phần từ Shark Nguyễn Thanh Hưng, Phó chủ tịch CenGroup trong Chương trình Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ.

Hồng Phúc – Báo Đầu tư

Nguồn