Sự thật mất lòng: nhóm những người nghiệp dư nhưng làm việc hòa hợp với nhau có hiệu quả công việc cao hơn nhóm các “siêu nhân” quá tự tin vào bản thân mà bất chấp hợp tác.

Peter Skillman, Giám đốc Thiết kế cho ứng dụng Skype và Outlook của Microsoft, đã từng làm một thí nghiệm như sau: ông cho hai nhóm một nhiệm vụ xây tháp, với mì spaghetti chưa luộc, dây, băng dính, và một viên kẹo dẻo ở đỉnh tháp; nhóm thắng là nhóm xây tháp cao hơn.

Nhóm đầu gồm các học viên Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh – những bộ óc thông minh luôn phân tích, đặt câu hỏi khéo léo, đưa ra những ý tưởng sáng tạo để thúc đẩy tập thể. Kì lạ thay, họ lại bị đánh bại bởi nhóm còn lại – một đám trẻ mẫu giáo.

Thật ngạc nhiên phải không?

Bạn sẽ không còn nghi ngờ gì nữa khi biết được lí do thua cuộc của nhóm Thạc sĩ: từng người trong số họ quá bận tâm vào việc thể hiện bản thân, cũng như lo sợ làm phật lòng các thành viên còn lại nếu họ đặt câu hỏi ngớ ngẩn hay đưa ra đề xuất – suy nghĩ của đồng đội khiến họ ngại ngùng.

Việc bảo vệ vị thế, bảo vệ “cái tôi” khiến họ không còn đưa ra ý tưởng, quyết sách hay ý định nào nữa. Thay vì phối hợp với nhau, họ lại làm việc như những tài năng rời rạc cùng đóng góp vào một công việc.

Trong khi đó, những đứa trẻ không quan tâm đến vị thế của chúng: chúng phối hợp với nhau chứ không chỉ là một nhóm các cá nhân góp sức một cách độc lập – cách những đứa trẻ hợp tác với nhau quan trọng hơn khả năng của từng đứa trẻ đối với công việc.

Thí nghiệm tương tự cũng được tiến hành với nhóm Giám đốc Điều hành và nhóm Luật sư. Kết quả: nhóm Trẻ mẫu giáo toàn thắng.

Vậy bí quyết để có một nhóm làm việc hiệu quả là gì? “Đuổi” hết người lớn ra khỏi nhóm, hay mỗi thành viên đều phải suy nghĩ và giải quyết vấn đề như những cô cậu 5 tuổi? Không hề!

Rất nhiều “đội ngũ chuyên gia” vẫn thất bại như thường, và rất nhiều nhóm gồm lính mới và quản lí cấp trung đã vượt qua mọi trở ngại để thành công. Sự khác biệt nằm ở cách các thành viên hợp tác với nhau, và chúng ta hãy cùng tìm hiểu 3 tuyệt chiêu để giúp tập thể thực sự gắn kết nhịp nhàng khi làm việc sau đây:

1. Tạo môi trường làm việc gắn kết

Những người ở vị trí lãnh đạo thường đau đầu với câu hỏi “làm sao tạo động lực cho các thành viên?”.

Câu trả lời là “Không thể”, vì động lực là nội lực – nghĩa là nó tự bộc lộ từ chính các thành viên thay vì từ một nguồn nào đó ở bên ngoài.

Tuy nhiên, những người đứng đầu có thể thúc đẩy quá trình bộc lộ đó diễn ra nhanh và dễ dàng hơn bằng việc tạo môi trường làm việc có sự gắn kết, mà cụ thể là những việc nhỏ như: tin tưởng các thành viên, định hướng công việc nhóm rõ ràng và chắc chắn, xác định hậu quả nếu không hoàn thành công việc nhóm, và kêu gọi các thành viên chia sẻ trách nhiệm công việc.

2. Xác định mô hình tập thể

Với ý tưởng này, “trưởng nhóm” cần biết được bản chất tập thể của mình:

1) một tập thể gồm những người đóng góp một cách độc lập vào một công việc mà ảnh hưởng của kết quả đến từng người là khác nhau, hay

2) một tập thể cùng đóng góp vì kết quả sẽ tác động như nhau đến mỗi người?

Rõ ràng tập thể trong tình huống 2) có sự gắn kết cao hơn và hiệu quả công việc tích cực hơn.

3. Để sự tìm tòi dẫn hướng

Không nhiều bí quyết lãnh đạo có hiệu quả như “lấy sự tìm tòi làm kim chỉ nam”.

Trong một thí nghiệm, một nhóm được giao nhiệm vụ giải quyết một vấn đề phức tạp và hai quy tắc làm việc:

1) đặt câu hỏi trước khi bàn công việc.

2) hướng dẫn viên của nhóm có thể tạm dừng công việc bất kì lúc nào để nhấn mạnh những điểm mà các thành viên cần học hỏi.

Các thành viên đã hiểu được hai quy tắc làm việc này đã khiến họ suy nghĩ có hệ thống hơn và hạn chế quan điểm cá nhân, tạo sự tin tưởng và làm sáng tỏ những khúc mắc chưa rõ. Chỉ số tín nhiệm của nhóm tăng 6.5% sau 1 giờ làm việc.

Theo trang thông tin tư vấn doanh nghiệp CB Insights, “một tập thể thiếu gắn kết” là nguyên nhân thứ 3 sau “thiếu vốn” (số 2) và “nhu cầu thị trường thấp” (số 1) khiến các công ty/nhóm khởi nghiệp thất bại.

Với các bí quyết ở trên, các “trưởng nhóm” lẫn thành viên có thể có cho mình phương hướng để giúp tập thể phối hợp chặt chẽ và thành công trong công việc – không thể không nhắc đến bài học từ đám trẻ mẫu giáo!

Quốc Huy (Theo Entrepreneur)