Nếu như tại Singapore, Trung Quốc, giới chức loay hoay vì xu hướng xe đạp chia sẻ vứt bừa bãi gây mất thẩm mỹ và ATGT thì tại Mỹ, điển hình là khu vực New England, giới chức đang phải rốt ráo các biện pháp quản lý xe điện hai bánh cũng với lý do tương tự.

Tiện cho người dùng, bất tiện cho nhà quản lý

Xe máy điện xuất hiện hàng loạt tại các thành phố như: Los Angeles, San Francisco và Washington, trong đó các công ty khai thác đua nhau cung cấp các phương tiện chạy bằng điện, có thể sạc và trả xe tự do.

Dẫn đầu xu hướng này là công ty khởi nghiệp Bird Rides do ông Travis VanderZanden làm giám đốc điều hành. Ngoài ra, còn có một số đối thủ khác như Spin, LimeBike.

Các công ty khởi nghiệp này đều sở hữu hơn 250 triệu USD vốn đầu tư và tin rằng, xe điện hai bánh sẽ trở thành tương lai của giao thông. Họ hoạt động theo cơ chế rất đơn giản: Khách thuê xe điện với giá 1 USD cộng thêm 10 – 15 cent mỗi phút sử dụng. Khi hết điện, công ty tự sạc xe hoặc khách tìm kiếm một điểm sạc có sẵn trên đường để sạc xe qua đêm với giá 5 – 20 USD/chiếc.

Song, dịch vụ tưởng chừng rất thuận tiện và hữu ích này lại đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có việc vứt xe vô tội vạ. Không ít thành phố đã sốc khi phát hiện ra hàng nghìn xe vứt trên vỉa hè chỉ qua một đêm.

Vì là loại xe trả tự do nên người dùng chỉ cần lấy xe, đi tới nơi cần đến và để bất cứ đâu họ muốn dẫn đến tình trạng trên vỉa hè, cửa ra vào các tòa nhà… xuất hiện đầy rẫy xe điện ngáng đường.

Các nhà vận động vì người khuyết tật chỉ trích thực trạng xe điện luồn lách khắp nơi và vứt trên vỉa hè, cản trở việc đi lại của những người vốn đã khó khăn trong quá trình di chuyển.

Cấm trước, quản sau

Trước thực trạng này, một số thành phố như: San Francisco, Santa Monica, California đã phải gửi thông báo… và tổ chức họp khẩn cấp. Một số nơi còn khiếu nại các công ty cung cấp dịch vụ xe điện. Mới đây nhất, Cambridge, Massachusett… đã gửi thư tới Công ty Bird Rides, cảnh báo hoạt động cho thuê xe của họ tại thành phố này đang vi phạm pháp luật vì chưa được cấp phép.

Thành phố nơi có các trường đại học nổi tiếng như: Havard, Học viện Công nghệ Massachusett cũng gia nhập các thành phố bao gồm: Miami, Denver và Milwaukee phản đối các công ty cung cấp dịch vụ xe điện. Thậm chí, Thị trưởng TP Boston Marty Walsh từng tuyên bố sẽ đưa hết xe điện hai bánh tự cân bằng ra bãi nếu chúng xuất hiện tại thành phố này khi chưa được cấp phép.

Nhà quản lý TP Cambridge Louis DePasquale đã gửi thư tới Bird khẳng định, ông sẽ gặp giới chức công ty để đánh giá hoạt động kinh doanh của họ có an toàn không và khẳng định xe scooter chưa được phép hoạt động tại thành phố này.

“Thành phố sẽ không cho phép xe scooter điện của Bird được đỗ và lưu thông trên đường phố, vỉa hè hoặc các khu vực công cộng của Cambridge khi chưa được cấp phép”, thư viết.

Về phần mình, Công ty Bird cho biết, người dân tại Cambridge rất hào hứng chấp nhận loại hình giao thông thân thiện môi trường và hợp túi tiền này. Điều công ty cần làm lúc này là thuyết phục giới chức thành phố.

Hiện, Bird chưa cung cấp chi tiết số lượng xe scooter họ kinh doanh ở mỗi thành phố mà chỉ cho biết, họ thuê một số nhân viên hợp đồng với nhiệm vụ rút sạc scooter khi thời tiết lạnh và di chuyển xe ra khi thời tiết ấm lên.

Jan Devereux, Phó thị trưởng Cambridge, nhà vận động sử dụng xe đạp và phương tiện công cộng thừa nhận, hầu hết người dân Cambridge đều ủng hộ những hình thức giao thông mới giúp họ giảm việc sử dụng ô tô. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần có những biện pháp kiểm soát để xe scooter không gây mất an toàn hoặc rối loạn công cộng.

Trang Trần – Báo Giao thông

Bài gốc