Bên cạnh những yếu tố như ý tưởng hay cách thức hoạt động, nguồn vốn là một trong những thứ không thể thiếu nếu bạn đang muốn gầy dựng startup. Có những người rất thông minh, rất nhanh nhạy trong việc tìm tòi ý tưởng, tuy nhiên lại hoàn toàn mù mịt về chuyện xây dựng nguồn vốn. Trên thực tế, nguồn vốn chính là đôi cánh để những ý tưởng ấy trở thành hiện thực.

Vậy nên nếu bạn vẫn đang loay hoay tìm một con đường gây vốn, hãy lướt qua những gợi ý sau:

1. Trợ cấp

Nói một cách đơn giản, trợ cấp là một loại vay vốn lãi suất thấp. Hiện tại, có rất nhiều cơ quan và tổ chức, từ chính phủ đến những doanh nghiệp công và doanh nghiệp tư nhân, đang cung cấp rất nhiều chương trình trợ cấp nhằm kích thích nền kinh tế và thị trường việc làm phát triển. Vì vậy nếu có thể, bạn hãy cân nhắc đến phương án này.

Việc trợ cấp tài chính giúp bạn có thêm tiền hoạt động, hoặc giúp bạn mua được các trang thiết bị vật chất với giá rẻ hơn, đồng thời giúp bạn có vốn để huấn luyện nhân viên. Điểm trừ lớn nhất của phương án này là sự cạnh tranh rất khốc liệt. Thêm vào đó, quá trình xin trợ cấp cũng kéo dài khá lâu với những luật lệ nhất định.

2. Gọi vốn cộng đồng

Gọi vốn cộng đồng rất được các doanh nghiệp trong nền kinh tế kỹ thuật số ưa chuộng. Đây có lẽ cũng là cách nhanh nhất để gây vốn cho một doanh nghiệp mới. Quy mô lớn hay nhỏ không ảnh hưởng quá nhiều trong việc khởi động một chiến dịch gây vốn công cộng. Ở đây, yếu tố quan trọng nhất chính là bạn phải thể hiện được tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, thêm vào đó là kỹ năng tương tác khéo léo với cộng đồng.

Nếu mọi thứ đi đúng hướng. bạn sẽ có trong tay những đồng vốn không cần trả lãi, cũng không bị đặt dưới tầm kiểm soát của bất kì cơ quan nào. Thêm vào đó, quá trình gọi vốn cũng là một cách giúp bạn đánh bóng thương hiệu cho doanh nghiệp của mình.

Và dĩ nhiên, trở ngại ở đây chính là việc tiếng nói của bạn có trọng lượng, có tầm ảnh hưởng như thế nào trong một cộng đồng rộng lớn.

3. Gia đình và bạn bè

Việc vay vốn gia đình hoặc bạn bè để mở công ty dường như không thích hợp lắm với một số người kinh doanh. Tuy nhiên thực tế thì rất nhiều doanh nhân lớn đã thừa nhận rằng họ từng vay mượn vốn từ bạn bè để xây dựng sự nghiệp thuở ban đầu. Vậy nên bạn cũng đừng lo ngại quá nhiều nếu nghĩ đến phương án này.

Việc vay mượn này có thể gây một vài cuộc xung đột nho nhỏ, tuy nhiên điều thuận lợi là bạn không cần phải trả thêm bất kỳ khoản lãi nào ngoài số tiền vay ban đầu (hoặc chỉ cần trả một số lãi nhỏ). Mặt trái của phương án này là bạn (đa số) không thể dựa dẫm hoàn toàn vào nguồn vốn từ gia đình và bạn bè. Và tất nhiên, bạn cần suy nghĩ cẩn thận trước khi áp dụng, bởi một khi đã đụng đến vấn đề tiền bạc, những mối quan hệ của bạn rất có thể đi vào đổ vỡ.

4. Nhà đầu tư thiên thần (angel investor)

Với nguồn vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, số tiền lãi bạn phải trả sẽ thấp hơn so với việc vay vốn ngân hàng hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm. Việc tìm được một người thường hay đầu tư vào các startup không phải là điều quá khó.

Tuy nhiên, bạn cần chứng minh được vì sao họ nên đầu tư vào công ty của bạn. Hiện nay có rất nhiều cộng đồng nhà đầu tư thiên thần trực tuyến, cũng như các nhóm đầu tư địa phương. Vì vậy ngay từ lúc này bạn có thể nghiên cứu và chuẩn bị nộp hồ sơ của mình. Đừng lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào nguồn tài chính mà họ cung cấp cho bạn. Thay vào đó, hãy biết xem xét những điều bạn học được từ họ.

5. Tự mình gây vốn

Với tính cách gan dạ, bướng bỉnh, rất nhiều nhà kinh doanh lựa chọn tự dựa vào bản thân để gây vốn cho doanh nghiệp. Họ có thể cầm cố tài sản, để dành tiền từ công việc hàng ngày, hoặc giải phóng nguồn vốn bằng cách thế chấp ở ngân hàng.

Khi tự mình gây vốn, bạn sẽ toàn hoàn nắm trong tay quyền chủ động, đồng thời cũng không gánh thêm bất kỳ khoản lãi suất nào. Trong giới startup, có đến hơn 90% các doanh nghiệp bắt đầu và hoạt động mà không cần vay vốn bên ngoài hoặc các nguồn trợ cấp.

Tuy nhiên, việc gây vốn từ một công việc khác sẽ chiếm rất nhiều thời gian của bạn, làm bạn xao nhãng khỏi startup của mình. Khi ấy, bạn phải tự mình xác định được việc mình đang làm là có ích hay vô ích với doanh nghiệp.

6. Vốn đầu tư mạo hiểm

Tìm kiếm trợ giúp từ những nhà đầu tư vốn mạo hiểm có cùng tầm nhìn với bạn là một phương án tốt để giải quyết vấn đề tài chính cho startup. Dĩ nhiên, bạn cần xây dựng được mô hình kinh doanh dễ sinh lợi nhuận để họ có thể tin vào khả năng thành công của bạn.

Nhược điểm lớn nhất của phương án này là các nhà đầu tư mạo hiểm thường tập trung vào những ý tưởng có quy mô lớn. Vậy nên rất nhiều doanh nghiệp đã khá chật vật để chứng minh được quy mô và khả năng của startup. Vốn đầu tư mạo hiểm có vòng đời khá ngắn, bởi các nhà đầu tư thường muốn nhanh chóng thu hồi lại vốn, kiếm lợi nhuận để đầu tư vào một startup tiếp theo

7. Vay vốn ngân hàng hoặc tín dụng

Trong thời đại này, việc vay vốn ngân hàng để đầu tư nghe có vẻ lỗi thời. Tuy nhiên nếu bạn có lịch sử tín dụng vững chắc hoặc có tài sản hiện hữu để ký quỹ, cũng như một dự án kinh doanh (có vẻ) hiệu quả và những dự đoán về lợi nhuận rõ ràng, bạn vẫn có thể vay vốn ngân hàng để khởi động startup của mình.

Ưu điểm của phương án này là bạn có thể dễ dàng vay được một nguồn vốn lớn cho doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, bạn phải hoàn trả tất cả số tiền mình đã vay, cộng thêm một khoản lãi suất. Hoặc tệ hơn, bạn rất có khả năng bị phá sản nếu doanh nghiệp của mình hoạt động không hiệu quả.

8. Các tổ chức tài chính vi mô

Các doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn thông qua hình thức tài chính vi mô. Đây là một lựa chọn khá hoàn hảo cho những người có lịch sử tài chính xấu, bởi những tổ chức tài chính vi mô như Non-Banking Financial Corporations (NBFCs) thường “bật đèn xanh” để các cá nhân này vay vốn.

Ưu điểm của phương án này là bạn không cần tài sản để chứng minh, thế chấp. Lãi suất cũng tương đối thấp. Tuy nhiên, số vốn vay được không nhiều, và bạn cần nộp nhiều giấy tờ như báo cáo tài chính, định hướng kinh doanh, ….

Kết luận

Trước khi chọn bất kỳ cách gây vốn nào, bạn đều cần cân nhắc thật kỹ lưỡng. Có thể phương án ấy hợp với doanh nghiệp kia, nhưng lại không hợp với doanh nghiệp của bạn, và ngược lại. Đôi khi việc phối hợp nhiều cách thức sẽ đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, chính bạn và chỉ bạn mới thật sự biết được câu trả lời. Và quan trọng nhất, hãy chọn phương án nào khiến bạn an tâm và tự tin, từ đó bạn có thể tập trung và đưa doanh nghiệp của mình phát triển thành công.

Hải Vy (Theo Forbes)