Giới startup thường tin rằng được đầu tư là được tất cả. Đúng là vai trò của các quỹ đầu tư rất quan trọng và thường bảo chứng cho thành công, nhưng đó không phải là tất cả, nhất là trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.

Startup hoàn toàn có thể “phất cờ” với đồng vốn ít ỏi. Việc thu hút được giới đầu tư đôi khi không đồng nghĩa với việc thành công nhanh chóng. Nếu bạn không thể biến 1USD thành 10USD, làm sao bạn có thể biến 1 triệu USD thành 10 triệu USD?

Để giúp bạn hình dung rõ hơn, chúng tôi liệt kê ra đây 50 ví dụ về các startup đã có thể đạt mức kinh doanh hiệu quả với chỉ vài ngàn USD ban đầu. Nhiều công ty trong số này sau đó đã được định giá hàng tỷ USD, một số thậm chí còn thu về hàng tỷ USD doanh thu, nhưng đều có điểm khởi đầu khiêm tốn.

Khá nhiều các công ty trong số này đã kêu gọi vốn đầu tư, nhưng chỉ sau khi họ chứng minh được thành công của mình ngay cả khi chưa có được sự đầu tư nào. Ngay cả bây giờ, nhiều người trong số họ không được biết đến rộng rãi – họ là những kỳ lân vô hình của ngành công nghiệp công nghệ.

Vì vậy, trước khi đặt lịch với nhà đầu tư, hãy tham khảo những câu chuyện này. Họ là những ví dụ điển hình để chúng ta nghĩ sâu hơn về các cách có thể lấy tiền vốn thay vì quỹ đầu tư. Kêu gọi vốn nên là một sự lựa chọn, không phải là một sự ép buộc, và các công ty này đã cho thấy sức mạnh từ cách tiếp cận khác lạ của mình.

Trước khi huy động vốn, hãy xác định sản phẩm

Bạn phải thật sự có lời giải cho một vấn đề thực tế mà các khách hàng đang gặp phải và thu tiền từ đó trước khi nghĩ đến chuyện tìm vốn ở đâu. Có ba cách để bạn nghĩ về điều đó:

1. Tự động hoá công việc

Cách dễ nhất để có một sản phẩm hữu ích là nó có thể tự động hoá một phần nào đó trong công việc hàng ngày. Đó nên là một nhu cầu thực tế từ khách hàng và bạn có thể kiếm được tiền từ đó.

MailChimp: Vào năm 2000, Ben Chestnut, đồng sáng lập và giám đốc của công ty, lúc bấy giờ đang điều hành một công ty tư vấn thiết kế và nhận được nhiều yêu cầu thiết kế các bản tin (newsletter) qua email. Vấn đề ở đây là ông không muốn tốn quá nhiều thời gian vào việc thiết kế, nên ông đã quyết định thiết kế một công cụ để khách hàng tự thiết kế. MailChimp, công ty được định giá 400 triệu USD, ra đời từ đó.

Lynda: Cuối thập niên 1990, Lynda Weinman lúc này đang giảng dạy môn thiết kế web, nhưng vì những quyển sách giáo khoa không đủ sức thu hút, cô bắt đầu dựng những đoạn video hướng dẫn cho sinh viên. Hai năm tiếp theo, cô thành lập một thư viện nội dung và dịch vụ công nghệ với quy mô đủ để khiến LinkedIn trả 1.5 tỉ USD để mua lại.

PluralSight: Cũng giống như Lynda.com, PluralSight cung cấp nền tảng đào tạo phần mềm di động. Sau chín năm khởi động, trang web cung cấp 6.000 bài học với nội dung đa dạng từ C# tới Javascript, và được định giá 1 tỉ USD sau đợt IPO.

2. Xây dựng sản phẩm phù hợp với vốn hiện có

Thay vì “cố đấm ăn xôi” với Apple, những startup dưới đây biết “lượng sức mình” và cho ra đời những sản phẩm phù hợp ngân sách, nhưng vẫn nằm trong giới công ty tỷ USD.

AdaFruit Industries: Limor Fried bắt đầu đế chế thương mại điện tử trong lĩnh vực điện tự làm (DIY) khi còn là sinh viên trường MIT, với các sản phẩm DIY đầu tiên làm từ phế liệu. Bên cạnh cung cấp các sản phẩm điện thường thấy, Fried còn có các sản phẩm thú vị khác như bản sao của tàu Space Invaders. Hiện tại, công ty có 85 nhân viên với doanh thu 33 triệu USD mỗi năm.

SparkFun: Giống như AdaFruit, Nathan Seidle bắt đầu SparkFun tại ký túc xá bằng cách bán các gói đồ điện và vật liệu cho các kỹ sư để phát triển các cảm biến và hệ thống mới. Đế chế của anh có hơn 150 nhân viên làm việc và thu về 32 triệu USD mỗi năm.

3. Vấn đề cũ + Mô hình kinh doanh sẵn có + Công nghệ mới = Tiền

Đôi khi bạn chỉ cần có công nghệ hoặc giao diện UX mới để trở thành công ty tỷ USD.

Shopify: Những người sáng lập của Shopify đang tìm kiếm giải pháp thiết kế trang web thương mại điện tử cho người trượt tuyết. Không hài lòng với những ngôn ngữ sẵn có, họ tự xây dựng một giải pháp riêng biệt trên nền tảng Ruby on Rails. Hóa ra đó là một giải pháp hoàn hảo, và họ có thể điều hành doanh nghiệp một cách độc lập trong sáu năm với doanh thu mà họ tạo ra. Cuối cùng, họ gọi vốn từ quỹ đầu tư và tung cổ phiếu ra công chúng, khiến công ty đạt giá trị 14 tỷ USD.

Braintree Payments: Trao đổi tiền trực tuyến mà không bị lừa đảo luôn là điều mà khách hàng yêu cầu. Braintree đã xây dựng một giải pháp công nghệ phù hợp để phục vụ như một “quầy giao dịch” cho người mua và người bán. Họ “sống sót” bằng số tiền thu được trong bốn năm trước khi kêu gọi 69 triệu USD thông qua hai vòng đầu tư mạo hiểm, theo sau là thương vụ sáp nhập trị giá 800 triệu USD.

Hiệp (Theo Hackernoon)