Giờ học của sinh viên sẽ có thêm học phần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Các chương trình đào tạo về khởi nghiệp cho giảng viên, cán bộ chủ chốt tại các trường ĐH, CĐ cũng sẽ được triển khai.

Đó là cam kết của các giảng viên tham dự khóa đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo do Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM (HCMUT-TBI) tổ chức vừa qua.

Theo đó, thầy cô là giảng viên các trường ĐH, CĐ trong và ngoài TP.HCM sẽ triển khai những chương trình cụ thể nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên các trường mà mình quản lý.

“Giấy thông hành” để đào tạo khởi nghiệp

Tại buổi lễ bế giảng vừa qua, thầy Phạm Thái Sơn – ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM không giấu được hân hoan khi cầm trên tay Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chuẩn IPP (Innovation Partnership Program). Đây được xem là “giấy thông hành” để giảng viên Phạm Thái Sơn thực hiện những kế hoạch xây dựng các chương trình đào tạo khởi nghiệp tại ngôi trường mà mình đang công tác.

Thầy Sơn chia sẻ, trước khi đến với khóa học, thầy chỉ được tiếp cận với 2 từ “khởi nghiệp” thông qua các phương tiện truyền thông và truyền miệng của đồng nghiệp.

“Những kiến thức về khởi nghiệp rất nhiều nhưng lại không có yếu tố hệ thống nên mình chỉ tiếp cận với kiến thức khởi nghiệp trên bề nổi, không nắm được các yếu tố cốt lõi phía sau đó. Tham gia khóa học, nhận được những chia sẻ của chuyên gia, kiến thức rời rạc về khởi nghiệp của mình như được “lắp ráp” thành khối thống nhất và có hệ thống”, thầy Sơn nói.

Cần có người “đốt lửa” cho sinh viên

“Những hội thảo, tọa đàm chỉ tạo cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp, còn các công cụ hỗ trợ về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo lại rất hạn chế. Vì thế thầy cô chính là người “đốt lửa” để sinh viên được tiếp cận với nhiều công cụ về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để các em khởi nghiệp bền vững” – Thầy Phạm Thái Sơn – Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM.

“Sau khóa học, các thầy cô tham gia chương trình sẽ vẫn tổ chức các hoạt động kết nối để hỗ trợ lẫn nhau. Cụ thể, hàng tuần chúng tôi sẽ có các buổi gặp gỡ để trao đổi, chia sẻ kiến thức về khởi nghiệp của mình thông qua nhiều hoạt động đào tạo thực tế”, thầy Sơn cho biết thêm.

Tại trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, trong thời gian tới, thầy Sơn sẽ kết hợp với HCMUT-TBI và các giảng viên trong khóa học tổ chức các buổi đào tạo dành cho cán bộ lãnh đạo và giảng viên của trường.

Sau quá trình đào tạo cơ bản, trường sẽ tiếp tục các hoạt động đào tạo nâng cao hơn nữa để các giảng viên trở thành những chuyên gia, cố vấn cho sinh viên về hoạt động khởi nghiệp.

“Chúng tôi không kỳ vọng sinh viên khởi nghiệp ngay sau khi ra trường mà mong muốn sau 2 – 3 năm sau đó, khi va vấp với công việc, thực sự trải nghiệm công việc tại các doanh nghiệp, các em có những ý tưởng khởi nghiệp mới sẽ quay về trường và những thầy cô chính là người hỗ trợ cho sinh viên”, thầy Sơn thẳng thắn.

Sinh viên miền Trung cũng đam mê khởi nghiệp

Vượt quảng đường gần 1.000 km từ Thừa Thiên Huế vào TP.HCM tham dự khóa học, cô Hà Thị Thu Thủy, giảng viên trường CĐ Công nghiệp Huế, chia sẻ: “Khóa đào tạo này là cơ sở rất quan trọng để chúng tôi hoàn thiện chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên trường”.

Cô Thủy cho biết, trước đó trường CĐ Công nghiệp Huế đã xây dựng nội dung chương trình cho học phần kỹ năng khởi nghiệp. Học phần này đã được giảng dạy tại trường. Nhà trường cũng đã thành lập CLB khởi nghiệp.

“Song, tại trường CĐ Công nghiệp Huế hiện nay đang thiếu giáo viên đào tạo về khởi nghiệp, nội dung kiến thức của học phần kỹ năng khởi nghiệp chưa được hoàn thiện và có hệ thống. Đó là lý do vì sao tôi vượt đường xa vào TP.HCM tham dự khóa học. Những kiến thức tại khóa học này rất thiết thực để chúng tôi hoàn thiện nội dung học phần kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên”, cô Thủy chia sẻ.

Theo cô Thủy, không chỉ sinh viên tại TP.HCM và Hà Nội, sinh viên các trường kỹ thuật tại miền Trung cũng rất đam mê khởi nghiệp.

“Khi chúng tôi triển khai học phần kỹ năng khởi nghiệp đến sinh viên, rất nhiều em tỏ ra hào hứng với học phần này. Những tiết học khởi nghiệp cũng rất khác biệt vì sinh viên không phải học theo kiểu truyền thống là giáo viên giảng theo hướng một chiều và ra bài tập về nhà cho sinh viên thực hiện. Bây giờ, khi học môn kỹ năng khởi nghiệp, sinh viên được đối thoại trực tiếp với thầy cô, được chia nhóm làm việc, được tham gia những trò chơi học thuật bổ ích… Đó là những tín hiệu đáng mừng mà chúng tôi đã truyền đến các sinh viên của mình”, cô Thủy nói.

Đào tạo gắn liền với thực tiễn

Trao đổi với PV Khampha.vn, TS Nguyễn Ngọc Dũng – Phó giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay, khóa đào tạo vừa qua đã cung cấp 30 công cụ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho 19 giảng viên các trường ĐH, CĐ.

“Những công cụ này sẽ được ứng dụng cụ thể khi các giảng viên sẽ tham gia vào các hoạt động đào tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đang ươm tạo do chúng tôi quản lý. Song song đó, các hoạt động kết nối của các giảng viên tại các trường cũng sẽ được xúc tiến, sớm hình thành các mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường ĐH”– TS Dũng nói.

Hà Thế An – Khampha