Bài 2: Từ vườn ươm hiệu quả tới vươn ra toàn cầu

Trong khi thủ tục hành chính còn rườm rà, nguồn lực của các vườn ươm của Nhà nước còn thiếu, chưa có chiến lược vươn ra thị trường nước ngoài… hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp hiện nay là một phần quan trọng của hoạt động trợ giúp pháp lý, giúp giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng và trực tiếp, hiệu quả, giảm bớt công sức và chi phí.

Nâng tầm các mô hình khởi nghiệp

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư và một số doanh nghiệp khởi nghiệp – hay thường gọi là startup (DNKN), thời gian qua nhận thức về hoạt động sở hữu trí tuệ trong cộng đồng DNKN còn hạn chế do yếu tố văn hóa; thủ tục, quy trình xử lý đơn còn rườm rà, thiếu cập nhật và liên thông cơ sở dữ liệu. Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh nhận định: Quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ vẫn chưa được DNKN quan tâm so với các hoạt động khác như tài chính, gọi vốn, bán hàng – giới thiệu sản phẩm, phát triển sản phẩm…

Thí dụ, trong số 30 dự án được xét duyệt thành công của Chương trình Speedup 2017 (Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp), chỉ có 20 dự án có doanh nghiệp nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, hoạt động của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vẫn còn nhiều khó khăn do chưa có đủ mạng lưới chuyên gia liên kết và dịch vụ chuyên nghiệp nhằm phục vụ công tác ươm tạo; các dịch vụ cung cấp mới ở mức cơ bản; chưa khai thác hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và giới khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Sự trao đổi, liên kết giữa các DNKN trong nước và nước ngoài, nhất là với các DNKN của người Việt Nam ở nước ngoài chưa cao.

Chia sẻ về vấn đề gọi vốn đầu tư, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Vườn ươm phần mềm Quang Trung (TP Hồ Chí Minh) cho biết, do thủ tục hành chính của chúng ta còn rườm rà cho nên rất nhiều DNKN chuyển vốn ra nước ngoài đầu tư, mở văn phòng. Thí dụ, ở Xin-ga-po chỉ mất một tuần để hoàn thành các thủ tục, trong khi trong nước mất từ ba đến sáu tháng. Các quỹ đầu tư xong là họ thoái vốn cho nên không thể chờ đợi quá lâu.

Do hạn chế về quy định quản lý vốn của Nhà nước, các vườn ươm của Nhà nước không được góp vốn vào DNKN mà chỉ hỗ trợ cho nên không thể tái tạo vốn, đầu tư mở rộng phục vụ công tác nghiên cứu, ươm tạo. Ðây là điều bất hợp lý trong khi các vườm ươm tư nhân được góp cổ phần và được tái đầu tư. Với cơ chế như vậy, nguồn lực của các vườm ươm của Nhà nước ngày càng thiếu hụt, không thể tái tạo, khó “ươm” nhiều doanh nghiệp.

Về đầu tư cho khởi nghiệp, thời gian qua, nhiều tập đoàn, công ty, ngân hàng lớn tham gia thành lập các quỹ đầu tư như Quỹ Sáng tạo CMC, FPT Ventures, Viettel Venture, Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA)… Một số nhà đầu tư mô hình này bắt đầu kết nối, hình thành các câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp như VIC Impact, Hatch! Angel Network, iAngel, Angel4us…

Bên cạnh đó, văn hóa khởi nghiệp được nâng cao thông qua đào tạo, tập huấn truyền thông, tham gia sự kiện khởi nghiệp ở tầm quốc gia, địa phương, viện nghiên cứu, trường học… Ước tính có hàng chục cơ sở ươm tạo và nhiều tổ chức thúc đẩy kinh doanh những năm gần đây. Ngoài ra, các đơn vị, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp (DN) tư nhân đã tham gia, hình thành mạng lưới đội ngũ cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp.

Tại diễn đàn kiểm soát các điều kiện kinh doanh liên quan DNKN do Bộ Tư pháp tổ chức gần đây, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) nhận định, tinh thần thành lập DN và khởi nghiệp đang ngày càng tăng. Theo số liệu báo cáo của cơ quan theo dõi tình hình khởi nghiệp, thành lập DN mới: Trong 11 tháng đầu năm 2017, tổng số DN thành lập và DN quay trở lại hoạt động của cả nước là 140.394 DN, trong đó 116.045 DN thành lập mới, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng số vốn đăng ký trong thời kỳ này lên tới hơn 2.714 tỷ đồng. Trong hai năm 2016 và 2017, hoạt động của DNKN và sáng tạo ở nước ra diễn ra rất sôi động. Có thể thấy điều đó qua năm thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất với tổng giá trị hơn 50 triệu USD (như Momo, 28 triệu USD; F88, 10 triệu USD; Got It!, hơn 9 triệu USD…). Foody – mạng xã hội về ẩm thực đã được SEA mua lại hơn 82% số cổ phần với giá hơn 64 triệu USD. Ðây là khoản đầu tư lớn nhất tính đến tháng 11- 2017.

Thay đổi tư duy, huy động tri thức tổng lực

Nhìn nhận cộng đồng DNKN Việt Nam còn nhiều hạn chế trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DNKN Việt Nam cần thay đổi tư duy, chủ động hội nhập và thương mại hóa sản phẩm thì mới có thể đi đến thành công. Với các cơ quan nhà nước, theo ông Nguyễn Ðình Tiến (TAND thành phố Hà Nội), hiện nay nhiều thủ tục kinh doanh còn rườm rà, nguyên nhân chính là công tác quản lý nhà nước phân tán, chồng chéo, một lĩnh vực nhiều bộ, ngành quản lý.

Chẳng hạn lĩnh vực sở hữu trí tuệ phần mềm tin học có nhiều cơ quan tham gia, như thông tin và truyền thông, công thương, kế hoạch và đầu tư, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ),… Trong khi các địa phương thực hiện chế độ “một cửa, một dấu” thì ngay tại Trung ương, Chính phủ chưa tổ chức được chế độ “một cửa, một dấu” dẫn đến một bộ hồ sơ có thể phải chờ ý kiến của nhiều bộ, ngành mất nhiều thời gian. Ông Nguyễn Ðình Tiến nhận xét thêm, ba bên (doanh nghiệp, Nhà nước, các tổ chức hiệp hội) chưa có cơ chế phối hợp hành động. Các doanh nghiệp thường “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến khởi nghiệp giành thị trường…

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HÐQT Công ty Franchise & Retail Asia, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh (Sihub) chia sẻ: Ðiểm chung của cộng đồng DNKN ở nhiều quốc gia như Xin-ga-po, Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Ấn Ðộ… là họ luôn nghĩ tới phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường khu vực và toàn cầu. Họ luôn đặt vai trò của mình ở tầm toàn cầu chứ không chỉ góc độ địa phương, khu vực.

Trong khi đó, nhiều DNKN nước ta có sản phẩm rất tốt nhưng chỉ nhắm vào thị trường trong nước, chưa có chiến lược vươn ra thị trường nước ngoài. Bà Vân đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo cơ hội cho các tập đoàn lớn tham gia hệ sinh thái này, hỗ trợ DNKN.

Về vai trò tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học (ÐH), Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Kỳ Phùng thừa nhận: Các trường ÐH ở TP Hồ Chí Minh đang đầu tư phần lớn nguồn lực (nhân lực, kinh phí thời gian) cho hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhưng chưa gắn với thị trường, chưa được quan tâm mạnh.

Số lượng trường ÐH có chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kết quả nghiên cứu khoa học thành các sản phẩm khoa học – công nghệ và hình thành Startup thông qua các cơ sở ươm tạo DN khoa học và công nghệ của trường còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10%.

Hiện, đầu tư của xã hội cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo chưa được quan tâm đúng mức, thiếu cơ chế chính sách cho quỹ đầu tư mạo hiểm. Thống kê kinh phí chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2017 cho thấy: Tỷ lệ kinh phí ngoài ngân sách chỉ đạt 20%, từ nguồn ngân sách nhà nước là 80%.

Tại hội thảo quốc tế gần đây tại nước ta, ông S.Nim-rô-đi, Giám đốc điều hành Ramot, ÐH Tel Aviv (I-xra-en) cho biết: Vai trò của các viện nghiên cứu, các trường ÐH rất quan trọng trong hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hiện Trường ÐH Tel Aviv, một trong những trường ÐH lớn nhất I-xra-en đã thực hiện 1.800 dự án nghiên cứu, đổi mới sáng tạo với 216 triệu USD đầu tư hằng năm. I-xra-en còn đưa ra cơ chế khuyến khích kiều bào quay trở lại đất nước làm việc.

Ðồng thời có chính sách thúc đẩy sinh viên khởi nghiệp thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho sinh viên với khoản đầu tư có thể lên tới một triệu USD thông qua Trường ÐH Tel Aviv, một số quỹ đầu tư khác dành cho DNKN trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng xã hội, in-tơ-nét kết nối vạn vật.

Trong vòng 5 năm qua, vốn huy động cho các DNKN ở I-xra-en liên tục tăng và là động lực rất lớn thúc đẩy thị trường công nghệ cao. Dù dân số chỉ 8,8 triệu người nhưng ở I-xra-en, tính trung bình cứ 1.400 người có một DNKN, chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc.

Ðó chính là những kinh nghiệm quý trong lĩnh vực phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp (trong đó có DNKN) và xã hội là tới đây, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tiến trình cắt giảm điều kiện kinh doanh nói chung, giấy phép kinh doanh nói riêng, rà soát và hoàn thiện nhiều chính sách, quy định pháp luật theo yêu cầu thực tiễn.

Văn Chúc – Quý Hiền (Báo Nhân dân)

Bài gốc