Công ty lương thực khởi nghiệp Impossible Burger đã giành được sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc, và nhận được hàng triệu đô-la Mỹ tài trợ của nhiều người, gồm tỉ phú Bill Gates.

Khi ông Pat Brown làm việc trong phòng thí nghiệm nghiên cứu năm 2009, ông không hề có ý định khởi lập một doanh nghiệp, chứ chưa nói đến một công ty nhận được sự ủng hộ kể trên.

Khi vị giáo sư đại học khởi nghiệp kinh doanh

Giáo sư Brown không có kinh nghiệm vẫn lao vào kinh doanh – Ảnh : CNBC

Khi được mời tham gia chương trình “Thành Đạt” của hãng tin CNBC, ông Brown nói: “Mục tiêu lúc đó của tôi rất đơn giản. Tôi đã quyết sẽ theo đuổi một vấn đề nghiêm trọng nhất nào đó mà tôi có cơ hội xử lý”.

Nhưng khi vị cựu bác sĩ khoa nhi chuyển thành giáo sư Đại học Stamford phát hiện vấn nạn “thảm họa sử dụng súc vật vào hệ lương thực của chúng ta”, thì ông quyết phải “nhào vào việc”.

Năm 2011, ông Brown lập doanh nghiệp Impossible Foods, một công ty lương thực ở bang California (Mỹ), sau khi cuộc nghiên cứu giúp ông phát hiện sự tàn phá của ngành sản xuất thịt gia súc của thế giới.

Hiện ngành thịt được xem là góp phần lớn nhất vào tình trạng thay đổi thời tiết của địa cầu, không chỉ vì mức độ khí thải nhà kính do nó tạo ra, mà còn vì cần phải dùng đến đất và nước.Tuy nhiên, bất chấp sự ý thức về vấn đề này, ông Brown để ý thấy sự giáo dục cũng không thể kéo giảm thú vui ăn thịt vốn không bao giờ biết chán của loài người.

Vậy là vị học giả tìm cách tạo ra một sản phẩm thay thế thịt gia súc nhưng vẫn cho loài người thỏa mãn thú vui trên: thịt tạo từ thực vật được sản xuất trong phòng thí nghiệm. Sản phẩm này được đặt nhiều tên khác nhau, gồm “thịt nhân tạo”, “thịt trong ống nghiệm”.

Ông Brown nói: “Cách duy nhất để giải quyết vấn nạn là cho người tiêu dùng thứ họ biết họ muốn, và khiến nhiệm vụ của chúng tôi là tìm ra một cách tốt nhất để tạo ra thứ ấy, và tìm ra một công nghệ tốt nhất, hơn cả bò và các loài gia súc khác”.

Ổ bánh mì “thịt nuôi cấy” bảo vệ môi trường

Ổ Impossible Burger – Ảnh : Impossible Foods

Vài năm sau, nhóm nghiên cứu của Impossible Foods tin tưởng họ đã tìm ra giải pháp, trong một phân tử được gọi là Heme (sắc tố đỏ) vốn có nhiều nơi động vật và thực vật. Phân tử này chịu trách nhiệm tải oxy ở các bộ phận ngũ tạng còn sống và giúp máu có màu đỏ.

Bằng cách gia tăng số phân tử Heme nơi thực vật, các nhà nghiên cứu phát hiện họ có thể tạo ra một sản phẩm trông giống và có hương vị như thịt.

Thế là món bánh Impossible Burger ra đời năm 2016. Ổ bánh mì với “thịt” làm từ thực vật chứ không từ thịt truyền thống, và trang web của Impossible Foods cho biết khâu sản xuất một ổ burger này giúp cứu được 6,967728 m2 đất, một nửa thùng nước tắm và lượng khí thải từ một chiếc xe chạy 18 dặm, so với một miếng chả bò đúng chuẩn Mỹ.

Ông Brown nói khi phát triển được công nghệ này, công ty của ông phải đưa sản phẩm đến miệng người thích ăn món burger, dù ông không hề có kinh nghiệm làm ăn. Ông nói: “Tôi không nghĩ sẽ có vài doanh nghiệp làm ăn đứng đắn”.

Nhưng may mắn cho ông Brown, các nhà đầu tư đã nhìn thấy cơ hội từ sản phẩm. Vài năm qua, Impossible Food đã nhận được 396 triệu đô-la tài trợ, từ nhà sáng lập Microsoft (tỉ phú Gates), Google Ventures và Horizons Ventures của tỉ phú Li Ka-shing người Hồng Kông.

Dĩ nhiên Impossible Foods không là doanh nghiệp duy nhất chọn mảng “thịt nuôi cấy”. Beyond Meat là một công ty lớn có đông khách hàng trung thành, do ông Ethan Brown lập năm 2009.

Impossible Foods cùng Beyond Meat đều được trao giải thưởng vì bảo vệ môi trường “Các nhà vô địch của Trái đất” do Liên Hiệp Quốc trao, ở mảng khoa học – sáng tạo. Hai công ty cũng có được nhiều nhà đầu tư nổi tiếng.

Nhưng dù chung ý tưởng, ông Brown nói sản phẩm của hai công ty hoàn toàn khác nhau, và hiện ông không nghĩ việc hợp tác sẽ tạo ra giá trị gì. Thay vào đó, công ty của ông đã chú trọng vào nghiên cứu-phát triển nhằm cải thiện không chỉ sản phẩm burger, mà còn phát triển các sản phẩm mới gồm cá và bíp-tếch tạo từ thực vật.

Sau nhiều năm thử nghiệm, vào đầu năm 2019, Impossible Foods giới thiệu phiên bản mới của sản phẩm đầu tiên, với tên Impossible Burger 2.0. Sản phẩm này chứa ít muối hơn 30%, chất béo bão hòa ít hơn 40% và ít calo hơn, và còn thay bột mì bằng protein đậu nành, khiến sản phẩm không có gluten.

Việc dùng đậu nành đã khiến có sự chỉ trích từ vài năm qua, rằng nó gây ra nạn phá rừng. Nhưng ông Brown nhấn mạnh sản phẩm là nguồn protein trực tiếp, không từ gia súc, và nói: “Nếu chúng ta thay thế toàn bộ nguồn thịt trên thế giới bằng sản phẩm làm từ đậu nành của chúng tôi, việc trồng đậu nành sẽ giảm đáng kể. Chúng ta sẽ trồng lại rừng, bằng cách giảm nhu cầu đậu nành, dù đậu nành là thành phần chính trong sản phẩm của chúng tôi”.

Mở rộng “thịt nuôi cấy” đến thị trường toàn cầu

Một tiệm bán “thịt nuôi cấy” của Impossible Foods ở Singapore – Ảnh : Impossible Foods

Theo CNBC, kế hoạch này sẽ rất quan trọng tại những nơi bị phá rừng nghiêm trọng, như ở một số vùng thuộc châu Á.Điều trùng hợp là châu Á sẽ là “chiến địa” mới của Impossible Foods. Ông Brown nói: “Châu Á nhận phần tiêu thụ hơn 40% lượng thịt toàn cầu. Và nếu chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi sẽ phục vụ người tiêu dùng châu Á một cách sớm nhất có thể được”.

Sản phẩm Impossible Burger đã bắt đầu “đổ bộ” Hồng Kông hồi tháng 4/2018, đến tháng 3 thì đến Singapore. 8 điểm bán ở đảo quốc này cũng bán cả món burger gốc (có thịt gia súc) cùng nhiều món ăn của châu Á.

Impossible Foods còn tính chuyện vươn khắp thế giới, vì chiến lược của ông Brown là chứng minh sản phẩm của ông còn “ngon” hơn món burger đúng kiểu Mỹ. Ông tin tưởng sản phẩm sẽ là một bước quan trọng trong nhiệm vụ đưa mặt hàng “thịt nuôi cấy” vào các quầy hàng và đến nhà của người tiêu dùng.

Ông nói: “Đưa Impossible Burger vào thị trường bán lẻ sẽ cho người tiêu dùng có thể thưởng thức ngay tại nhà họ, và tôi nghĩ sẽ có một tác động tích cực lớn lao”, và thêm rằng ông hy vọng trong năm 2020 hoặc hai năm nữa sẽ hoàn thành mục tiêu này.

Điều chắc chắn là Impossible Foods sẽ đối đầu với ngành thịt mà công ty đang muốn đánh bại. Ông Brown không kỳ vọng sẽ có sự trợ giá hoặc sự ủng hộ của các chính phủ trong cuộc chiến này, ngoài việc có được cơ hội tạo cho người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn về sản phẩm họ sẽ hấp thụ.

Ông Brown nói: “Chúng tôi chỉ muốn một cơ hội công bằng để cạnh tranh ở thị trường, và để người tiêu dùng lựa chọn”, và ông tin tưởng các sản phẩm của công ty ông sẽ có thể cạnh tranh về giá với các sản phẩm thịt cao cấp trong vòng 2-3 năm tới.

Ông kết luận câu chuyện: “Nhiệm vụ của chúng tôi là tạo ra một sản phẩm ngon hơn, tốt hơn cho người tiêu dùng. Nếu thành công thì ai cũng có lợi. Và nếu chúng tôi không thể tạo ra một sản phẩm mà người tiêu dùng thích, thì họ cũng không phải sợ gì”.

Diên Hy – Thế giới tiếp thị

Bài gốc