Tại Vietnam Silicon Valley (Lý Thường Kiệt, Hà Nội), nhóm Start-up Fresh Deli bận rộn với đặt hàng của khách. Cạnh đó, nhóm Start-up Canets sinh viên giúp việc, gia sư đang họp bàn hướng phát triển. Đây là 2 trong nhiều Start-up được Vietnam Silicon Valley hỗ trợ quản lý, đào tạo hướng tới đầu tư kinh phí để phát triển.

Thành công bước đầu

Nói về phát triển ý tưởng Fresh Deli (Cơm mẹ nấu), Cấn Thị Thanh Hiền cho biết, xuất phát từ yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng với đó tạo ra cuộc sống vui vẻ, sinh động cho các bà nội trợ ở nhà, nên ý tưởng trên ra đời. Nhóm sẽ tìm, liên kết các bà nội trợ có thời gian rảnh ở nhà.

Các bà mẹ có menu sẵn, mỗi ngày mỗi người nấu khoảng 10 suất ăn. Sau đó, dựa trên các đặt hàng của khách, thông qua “điều hành” của nhóm sẽ có shipper đến vận chuyển. Các bà mẹ được trả công nấu bữa ăn đó, trong khi khách hàng được đem bữa ăn đến tận văn phòng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quá trình mang cơm từ nhà các bà nội trợ đến với người ăn sẽ mang lại nguồn thu cho nhóm, dù không nhiều. “Mỗi suất chỉ lãi 5 – 7 nghìn đồng. Phải bán được cả nghìn suất thì mới gọi là có lãi”, Hiền cho biết.

Hiền là thủ khoa đầu ra của trường, được gọi là “mọt sách”, vượt qua sự phản đối của bố mẹ với mong muốn con yên phận làm công việc hành chính nhà nước, nữ sinh ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) cùng bạn quyết tâm thực hiện ý tưởng Cơm mẹ nấu.

Mang ý tưởng đi thi, Hiền cùng nhóm bạn đạt nhiều giải thưởng: Giải nhất cuộc thi US’s Ambassador’s Entrepreneurship Challenge 2017; vào chung kết cuộc thi Khởi nghiệp HATCH Junior 2016 tại TPHCM và Ý tưởng được yêu thích nhất – Khởi nghiệp cùng Kawaii 2017.

Đặc biệt, phải kể đến vinh dự đại diện Việt Nam tham dự chương trình đào tạo doanh nghiệp xã hội Jolkona Boost Program tại thành phố Seattle (Hoa Kỳ).

Một năm là quãng thời gian đủ dài để ý tưởng đi từ lý thuyết vào thực tiễn. Từ hai thành viên sáng lập, tới nay, bộ máy điều hành gồm 5 thành viên 9X, cùng đội ngũ nhân viên bán thời gian và 20 bà nội trợ làm nhiệm vụ nấu cơm. Mỗi ngày, khoảng 80-100 suất cơm hộp được giao cho khách tại quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy…

Có một thuận lợi là dự án của nhóm Hiền không cần nhiều vốn đầu tư vì vốn quay vòng nhanh, chỉ khoảng 20 triệu đồng. Nhưng với lượng vốn ban đầu ít ỏi như vậy, tất cả các thành viên trong nhóm đều phải đi ship, cả nam lẫn nữ, không quản nắng mưa. “Những trải nghiệm này giúp chúng mình trưởng thành rất nhiều, hiểu khách hàng hơn.

Được khách hàng khen thì rất hạnh phúc, nhưng có khi ship muộn, ảnh hưởng đến khách thì cả đội đều phải ngồi lại với nhau rút kinh nghiệm. Chính vì làm thật, tâm huyết nên Fresh Deli đã tồn tại được 1 năm dù hạn chế về nhiều nguồn lực”, Hiền nói.

Ngồi bên cạnh Fresh Deli trong hệ sinh thái Vietnam Silicon Valley là Start-up Canets, một ứng dụng giúp tìm sinh viên gia sư, giúp việc của Đỗ Tiến Khải (ĐH Kinh tế – ĐHQG Hà Nội). Sau gần một năm mày mò, nhóm đã biến ý tưởng thành hiện thực và đưa lên các kho ứng dụng. “Ứng dụng hoạt động khá tốt.

Đã có người dùng trả tiền cho sản phẩm. Doanh thu được gần 10 triệu/tháng”, Khải hào hứng chia sẻ. Khải cho biết, gia đình nào muốn tìm sinh viên làm gia sư, giúp việc thì chỉ cần cài đặt ứng dụng. Người dùng có thể xem được hình ảnh, đánh giá, thông tin cụ thể, từ đó liên hệ với các sinh viên.

“Dự án của bên mình đang được vào chương trình hỗ trợ và đầu tư khởi nghiệp của Vietnam  Silicon Valley thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ. Họ sẽ hỗ trợ, đào tạo, cố vấn, theo sát sự phát triển của mình. Nếu được thì  dự án sẽ nhận được khoản đầu tư khoảng 20.000 USD”, Khải nói.

Gặp khó khăn do thiếu kiến thức

Có mặt tại “đại bản doanh” của nhóm Fresh Deli lúc 11h trưa, cả nhóm ai cũng hăng say, người máy tính, người điện thoại hối hả trả lời yêu cầu đặt hàng của khách. “Có hơn 70 người đặt cơm rồi anh ạ”, một thành viên trong nhóm khoe. Cấn Thị Thanh Hiền cho biết, không đặt nặng sự phát triển trong thời gian này, vì đang tập trung xây dựng công nghệ.

Nhóm của Hiền thuộc số ít start-up Việt được Vietnam Silicon Valley tài trợ văn phòng làm việc, được hỗ trợ đào tạo và nếu đủ điều kiện sẽ được nhận khoản đầu tư 20.000 USD. Hiền dự định sẽ “Nam tiến” trong thời gian tới để “đánh cả hai thị trường”, đồng thời phát triển thành ứng dụng trên các thiết bị di động.

“Khởi nghiệp rất khó, gần như phải tự thân vận động”, Hiền đúc kết, đặc biệt với những người trẻ như Hiền khi phải đối mặt với nhiều áp lực, cả từ gia đình lẫn kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức, tài chính đều thiếu trong khi phải xây dựng doanh nghiệp từ đầu. “Cả nhóm ai cũng phải cố gắng. Chúng mình chọn vất vả vì cái mình thích, đam mê hoặc thấy xứng đáng”, Hiền tâm niệm.

Nói về môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam, Hiền nhìn nhận rất lạc quan. Hiền cho rằng, ở Việt Nam hiện có nhiều cơ hội để start-up tìm kiếm cơ hội, nhưng các start-up phải tự lực, tự
vươn lên.

Đỗ Tiến Khải đang học năm cuối ĐH Kinh tế (ĐHQG HN) quyết định tạm dừng học, bảo lưu kết quả để tập trung phát triển ứng dụng Canets. Giống như Fresh Deli, dự án của Khải và nhóm bạn không tốn quá nhiều tiền đầu tư, chỉ cần các thành viên đầu tư thời gian, công sức.

Nói về phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam, Khải cho rằng, các start-up chủ yếu gặp khó khăn do thiếu kiến thức. “Mình thấy nhiều ý tưởng có vẻ hay nhưng không phát triển được. Thậm chí, nhiều ý tưởng rất hoành tráng nhưng lại không phải cái thị trường cần”, Khải nói.

Xuất hiện nhiều vườn ươm khởi nghiệp

Theo đánh giá của Bộ KH&CN, phong trào khởi nghiệp trong sinh viên các trường ĐH ở Hà Nội đã có những bước tiến quan trọng với nhiều vườn ươm, cung cấp kiến thức, kỹ năng hỗ trợ cho những dự án khởi nghiệp sáng tạo. Tại Hà Nội, lượng ý tưởng khởi nghiệp đến từ các trường ĐH là rất lớn.

Đơn cử như cuộc thi khởi nghiệp I-Start up trường ĐH Kinh tế quốc dân đã tổ chức liên tiếp 3 năm, thu hút hơn 50 ý tưởng dự án cùng hơn 600 sinh viên tham gia, có dự án đã thành công lớn. Trong khi đó, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng được đánh giá là 1 trong 5 trường ĐH có phong trào khởi nghiệp trong sinh viên.

Trường có trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đặc biệt là khai trương chuỗi hoạt động “Cafe Business Start-up” tạo không gian gặp gỡ, kết nối doanh nhân với nhà khoa học, kết nối trường ĐH với doanh nghiệp, kết nối các quỹ đầu tư với các nhóm khởi nghiệp.

Riêng ĐH Bách khoa Hà Nội đã tạo được hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp khá hoàn chỉnh với vai trò của nhà trường tham gia đầy đủ trong cả 3 giai đoạn phát triển khởi nghiệp gồm hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm và tăng trưởng. Trường cũng thành lập hệ thống doanh nghiệp BK-Holdings với vai trò như 1 vườn ươm khởi nghiệp… Đáng chú ý, từ năm 2017, trường đưa môn học Start-up vào giảng dạy theo hình thức là môn học tự chọn đối với tất cả sinh viên.

Trường Phong – Báo Tiền Phong

Bài gốc