Môn thể thao cho trẻ em, đồng hồ thông minh hỗ trợ người khiếm thính… là những ý tưởng được chia sẻ tại vòng bán kết cuộc thi ‘Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp’ – Startup Kite 2021.

Đồng hồ thông minh trong dự án SOSA được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển – Ảnh: HÀ QUÂN

Nhiều ý tưởng sinh ra trong mùa giãn cách

Cuộc thi do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – thương binh và xã hội) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tổ chức từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản.

Tại vòng bán kết diễn ra ngày 28-9, dự án “Sports for all” của nhóm sinh viên Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội gây ấn tượng mạnh về việc kết hợp nhiều môn thể thao như Snookball, Footbowl để rèn luyện tư duy, nâng cao thể chất không chỉ cho trẻ em mà cả người cao tuổi.

Bạn Ngô Ngọc Thành chia sẻ, mỗi môn trong dự án là sự tích hợp giữa hai môn thể thao như Footgolf kết hợp bóng đá và golf. Các môn này thú vị, thân thiện hơn với trẻ em.

Theo Thành, dự án khắc phục thực tế nhiều người cao tuổi, trẻ em vận động ít, không gian tập luyện chật hẹp, đòi hỏi cao về thể chất… được “thai nghén” từ tháng 7. Chẳng hạn, nhiều em nhỏ muốn chơi bóng đá nhưng không đủ thể lực để chơi thì Footgolf đề cao sự chính xác hơn sức mạnh.

“Trong 3 tháng đầu tiên, dự án sẽ bán 40 sản phẩm tới 40 trường học trên toàn quốc. Qua khảo sát, cứ 10 người thì có 2 người quan tâm, muốn mua sản phẩm. Việc chuyển giao giáo án tập luyện đơn giản, thời gian ngắn, giá cả phải chăng nhất để áp dụng trong trường học, bệnh viện”, Ngô Ngọc Thành nói.


Ngô Ngọc Thành cho hay, dự án được chuyển giao với chi phí 47 triệu đồng/hợp đồng. Dự kiến, nhóm sẽ gọi vốn 300 triệu đồng để phát triển và hòa vốn vào cuối năm 2022 – Ảnh: HÀ QUÂN

Cũng tại vòng bán kết, dự án đồng hồ thông minh hỗ trợ người khiếm thính (SOSA) được các bạn sinh viên tại Cao đẳng FPT Polytechnic giới thiệu.

Nguyễn Hương Giang – trưởng dự án SOSA – chia sẻ: “Đồng hồ thông minh có tính năng nhận diện giọng nói và hiển thị phụ đề, cảnh báo rung khi tới khu vực không an toàn, tích hợp bản đồ, theo dõi sức khỏe. Đồng hồ này khắc phục sự bất tiện của các sản phẩm khác, không phải thông qua mộ sản phẩm phụ trợ. Từ mô hình 3D sản phẩm, nhóm mình sẽ vận động để đưa sản phẩm ra thị trường”.

Ngoài ra, cuộc thi còn giới thiệu các ý tưởng như thiết bị ngoại vi Journeys hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật, giường thông minh cho người cao tuổi…

Số ý tưởng tăng 110% bất chấp COVID-19

Bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện UNFPA, cho hay con số dự án tăng 110% so với năm ngoái là “rất ấn tượng” trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và giãn cách kéo dài.

Theo bà, tinh thần đổi mới sáng tạo của người trẻ đã thể hiện trong việc quan tâm đến trẻ em, người lớn tuổi, khuyết tật, truyền cảm hứng đến nhiều người khác. Những ý tưởng này có cơ hội áp dụng trong thực tế và các doanh nhân cần hỗ trợ đào tạo để các bạn trẻ có kiến thức, kỹ năng trong lập kế hoạch, xây dựng, phát triển ý tưởng quản lý kinh doanh.


Bà Naomi nhấn mạnh: “Thanh niên là nguồn lực cho sự phát triển, là chìa khóa của sáng tạo đổi mới trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam” – Ảnh: HÀ QUÂN

Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Trần Anh Vương nhận xét các ý tưởng tham gia cuộc thi hướng tới thực tế, có ích cho xã hội nên hội sẽ đồng hành, hỗ trợ các bạn nhiều nhất.

“Đất nước khởi nghiệp thành công dựa vào các bạn trẻ khởi nghiệp. Khởi nghiệp để sống cuộc sống có ích không chỉ cho bản thân mà còn cho xã hội”, ông Vương khẳng định.

Vòng bán kết cuộc thi được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ ngày 28-9 đến ngày 2-10 tại Hà Nội. Tiêu chí chấm điểm gồm tính mới, sáng tạo; tính khả thi và cạnh tranh; tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật, đặc biệt nhấn mạnh bối cảnh dịch COVID-19; thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện; tính hiệu quả kinh tế – xã hội và ứng dụng thực tế. Qua vòng loại, ban tổ chức đã lựa chọn 205/1.518 dự án trên toàn quốc vào vòng bán kết.

THEO HÀ QUÂN
(Báo Tuổi trẻ)