Ban đầu, Divuvu sẽ là ứng dụng kết nối shipper với những người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Nhưng trong tương lai, nó sẽ thành siêu app kết nối mọi người dùng thông qua nền tảng logistic, thanh toán với các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ khác của Việt Nam và các nước trên thế giới.

Ý tưởng tạo ra ứng dụng Divuvu nảy ra trong tâm trí anh Nguyễn Ngọc Điệp, người sáng lập trang thương mại điện tử Vật giá (vatgia.com) từ 2 năm trước. Hồi ấy anh tình cờ gặp các bạn quản trị nhóm “Ship tìm người – Người tìm ship”. Anh nhận ra ngay những hạn chế trên Facebook

“Các bạn giao hàng thường không biết đơn hàng nào gần họ, mức phí hợp lý hay không. Vì thế, tôi nảy ra ý tưởng dùng app (ứng dụng) để công việc của họ trở nên thuận tiện hơn”, anh kể. Theo anh, Divuvu có nghĩa là “Đi vù vù” và “Dịch vụ vui”.

Anh Điệp đầu tư cho nhóm quản trị “Ship tìm người – Người tìm ship” thực hiện dự án và quá trình tạo app diễn ra ngay lập tức. 3 nhóm chuyên gia công nghệ thông tin lần lượt thực hiện dự án, nhưng không đạt những yêu cầu mà anh Điệp đề ra đối với app. Cuối cùng, các bạn sáng lập dự án bỏ cuộc nên anh Điệp mua dự án rồi giao cho các kỹ sư công nghệ thông tin giỏi thực hiện.

Dù là người sáng lập trang thương mại điện tử Vật giá, nhưng anh Điệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi phát triển DiVuVU. Thiếu kinh nghiệm trong mảng giao hàng nhanh là trở ngại lớn nhất. Trở ngại thứ hai là app phải cạnh tranh với các nhóm giao hàng trên Facebook, do người dùng không muốn thay đổi thói quen.

“Chúng tôi không có nhiều tiền để quảng cáo nên phải nghĩ ra những cách hay để khuyến khích người dùng trong các nhóm Facebook chuyển sang app”, Điệp thổ lộ.

Song nhóm phát triển cũng có một số thuận lợi. Chẳng hạn, họ có sẵn một nhóm dành cho người giao hàng và người bán hàng với số lượng thành viên rất lớn nên có thể quảng cáo app thoải mái trong nhóm.

“Ngoài ra, chúng tôi có đủ vốn để thực hiện trong thời gian đầu. Chúng tôi cũng có kinh nghiệm vận hành các dự án công nghệ nên mọi quy trình đều tinh gọn và diễn ra nhanh”, anh Điệp nhận định.

Divuvu mang tới vô số lợi ích cho xã hội. Theo thống kê của anh Điệp, một ngày những người bán hàng trực tuyến ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần vận chuyển tới 20.000 đơn hàng, tạo ra việc làm cho khoảng 2.000 bạn shipper.

“App của chúng tôi có thể giúp khoảng 10.000 người bán nhỏ lẻ vận chuyển hàng hoá trong vòng 30 phút ở khắp Hà Nội và Hồ Chí MInh”, người đứng đầu VNP khẳng định.

Nhu cầu của người sử dụng Divuvu rất đa dạng. Họ có thể dùng app để nhờ mua thực phẩm, hàng tạp hóa. Thậm chí những người ra sân bay quên hộ chiếu hay chìa khóa có thể dùng app để thuê người mang đồ vật ra sân bay.

Hiện tại, app có các tính năng chuyển hàng và đồ ăn (do người dùng chủ động yêu cầu), tự định vị đơn hàng gần shippper nhất để “bắn” cho họ, ghi nhận lịch sử giao dịch của người bán (giúp người giao hàng tránh những kẻ lừa đảo), tính đường đi ngắn nhất cho shipper và số tiền họ hưởng với quãng đường ấy. Trong tương lai, app sẽ cung cấp dịch vụ sai vặt, vận chuyển người bằng xe máy, ô tô, gia sư, chăm sóc sức khỏe tại gia theo yêu cầu.

“Mục tiêu của chúng tôi là Divuvu sẽ trở thành một siêu ứng dụng như Go-Jek tại Indonesia”, anh Điệp tiết lộ.

Phạm Đức Giám,người điều hành dự án, nói rằng điểm khác biệt của Divuvu so với các app cùng loại là đội ngũ phát triển đã có sẵn một lượng khách hàng rất lớn – với khoảng 10.000 shipper và 30.000 người bán hàng hoạt động tích cực trên nhóm Facebook. Họ tạo ra lượng đơn hàng cực lớn mỗi ngày. Để đạt những con số như thế ở Việt Nam, Grab hay Uber phải chi rất nhiều tiền và chờ rất lâu.

Bên cạnh đó, Divuvu có công nghệ tự động đọc hiểu ngôn ngữ, loại hoàn toàn các tin rác, đẩy thông tin đáng tin cậy tới shipper, tính luôn khoảng cách và giá.

Để thu hút người dùng, Divuvu chưa thu phí và sẽ tiếp tục miễn phí trong thời gian dài.

Người sáng lập trang Vật giá nhấn mạnh rằng, trước mắt app sẽ là công cụ kết nối người giao hàng với những người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa, giúp các tài xế (cả xe máy và ô tô) có thêm việc làm.

“Về lâu dài, Divuvu muốn trở thành siêu app kết nối mọi người dùng thông qua nền tảng logistic, thanh toán với các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ khác của Việt Nam và các nước trên thế giới, giống như Go-Jek tại Indonesia. Ngày nay, doanh nghiệp nào kiểm soát mảng logistic sẽ kiểm soát luôn cả thanh toán và các dịch vụ kèm theo khác và kiểm soát luôn mọi hoạt động kinh tế”, anh Điệp khẳng định.

Nhạc Dương – Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Bài gốc