Đào tạo khởi nghiệp trong trường học là một hoạt động thiết thực nhằm giúp giới trẻ sớm định hướng tư duy và tự trang bị những kỹ năng cần thiết cho việc thực thi ý tưởng.

Học để định hướng tư duy

Trong số khoảng 1.800 startup trên cả nước, có khoảng 834 startup đang hoạt động tại TP.HCM, qua đó cho thấy, TP.HCM có môi trường thuận lợi để khởi nghiệp – ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB cho biết.

Tuy nhiên, báo cáo kết quả khảo sát về chỉ số khởi nghiệp TP.HCM theo phương pháp GEM (Global Entrepreneurship Monitor) năm 2017 cho thấy, trong 12 chỉ số về hệ sinh thái khởi nghiệp TP.HCM, những chỉ số được đánh giá kém là: tài chính cho kinh doanh; chuyển giao công nghệ và giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông.

Bàn về yếu tố giáo dục, ThS Phí Văn Anh – giảng viên Trường đại học FPT Polytechnic nhận xét giới trẻ Việt Nam rất năng động, sáng tạo. Tuy nhiên đa phần các bạn chưa được đào tạo bài bản về khởi nghiệp.

“Do đó, việc đào tạo khởi nghiệp là hoạt động rất cần thiết để giúp giới trẻ sớm định hướng tư duy và tự trang bị những kỹ năng cần thiết để thực thi ý tưởng ra thực tế”, ông Phí Văn Anh chia sẻ.

Thấy được những thiếu sót đó, mới đây UNICEF và SIHUB (Không gian hỗ trợ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) mới đây giới thiệu chương trình UPSHIFT – một chương trình giáo dục trang bị cho người trẻ những kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21, trong đó có chú trọng đến khởi nghiệp.

Trước đó, UPSHIFT đã được phát triển và tổ chức bởi UNICEF Kosovo từ năm 2014 và từ năm 2015, chương trình tiếp tục được điểu chỉnh và triển khai như dự án thường niên tại Việt Nam.

Bà Marianne Oehler, Trưởng dự án UNICEF tại Việt Nam nói rằng: “Lý do đầu tiên mà UNICEF chọn SIHUB là vì đây là một đối tác tuyệt vời để giúp đỡ thế hệ trẻ tại Việt Nam được trau dồi và phát triển những kỹ năng thiết thực của thế kỷ 21.

Với tầm nhìn tương lai của SIHUB là góp phần xây dựng kinh tế nước nhà, tôi tin rằng SIHUB sẽ là “cái nôi” để nuôi dưỡng những mầm non tương lai của đất nước”.

Bắt đầu từ trường học

Từ năm 2018, chương trình này sẽ được UNICEF Việt Nam và SIHUB triển khai thử nghiệm và xây dựng thành mô hình hoàn chỉnh để chuyển giao xuống cho các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và những tổ chức khác trên khắp Việt Nam. Trước thông tin này, Đặng Khánh Huyền – đồng sáng lập Công ty Citiship tại Cần Thơ tỏ ra hào hứng.

“Việc đưa những mô hình đào tạo kỹ năng như UPSHIFT vào trường phổ thông, cao đẳng, đại học… sẽ giúp nhiều người trẻ có thêm kiến thức và kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp. Hy vọng UPSHIFT sẽ được nhân rộng mô hình và nhanh chóng triển khai cho nhiều địa phương”, Khánh Huyền chia sẻ.

Trong khi đó, ThS Phí Văn Anh nhận định, khởi nghiệp là một xu hướng tất yếu trong các cơ sở giáo dục – đào tạo. Ông nhấn mạnh: học về khởi nghiệp thì nhất thiết phải khởi nghiệp.
“Trên thực tế, lợi ích lớn nhất mà các chương trình giảng dạy về khởi nghiệp mang lại đó là giúp người học đổi mới tư duy, nhận định đúng bản chất vấn đề”, ông nói.

Chưa kể, tại các nước phương Tây, hoạt động giáo dục những kỹ năng cần thiết như trong chương trình UPSHIFT từ lâu đã được chú trọng, thậm chí được đưa vào giảng dạy từ cấp tiểu học. Trong khi đó, đa phần giới trẻ Việt Nam quan tâm đến khởi nghiệp lúc bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng. Lúc đó các bạn mới bắt đầu tự trang bị kỹ năng và kiến thức để khởi nghiệp thì đã khá muộn so với tốc độ phát triển của thế giới.

UPSHIFT là một chương trình giáo dục nhằm trang bị cho thanh thiếu niên những kỹ năng cần có trong thế kỷ 21, giúp họ tự tin hơn, độc lập hơn, tạo ra những giải pháp kinh doanh và xây dựng được các doanh nghiệp xã hội có khả năng phát triển bền vững. Đây là chương trình do SIHUB hợp tác chiến lược với UNICEF để thực hiện. Chương trình khởi động quý 2/2018 và dự tính sẽ phát triển dài hạn, cũng như nhân rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam.