Mục đích là xuất phát điểm của Chiến lược là một quan điểm rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có những hiểu lầm trong quan điểm này cần được nhìn nhận và phân tích lại.

Quan điểm thường gặp

Rất nhiều người tin rằng Chiến lược phải bắt đầu từ Mục đích. Điều này được minh họa rõ ràng trong định nghĩa cổ điển của Chandler về chiến lược:

Chiến lược “là xác định mục tiêu và mục đích lâu dài cơ bản của doanh nghiệp, là lựa chọn các hoạt động, là  phân bổ nguồn tài nguyên phù hợp để thực hiện những mục đích ấy”.

Lý giải cho quan điểm này, nhiều người tin rằng khi chiến lược bắt đầu với một mục đích rõ ràng, các ý tưởng sẽ nảy ra trơn tru hơn, từ đó thúc đẩy người lao động, định hướng các hành động và kết nối mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Tại sao quan điểm ấy lại sai lầm?

Chiến lược bắt đầu từ Mục đích nghe có vẻ rất phù hợp và có lý. Ở một mức độ cơ bản nào đó, một số mục đích hoặc dự định có tác dụng định hướng hành động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định chắc chắn rằng chiến lược nhất định phải bắt đầu từ một mục đích. Và dưới đây là những lý do vì sao

 

1. Mục đích phụ thuộc vào những gì chúng ta nghĩ là khả thi

 

Theo những nghiên cứu về người tiêu dùng, những gì con người khao khát phụ thuộc phần lớn vào những gì họ nghĩ là khả thi. Nói cách khác, mọi người thường không biết trước họ muốn và cần gì. Chỉ khi nào thấy được một ví dụ hoặc một cơ hội rõ ràng, người ta mới bắt đầu biết được bản thân họ cần gì – tức mục đích của họ là gì.

Suy ra, dù cho mục đích được hình thành như thế nào, thì chúng đều dựa vào những thứ con người cho là khả thi. Như vậy, thay vì nói chiến lược bắt đầu từ mục đích, thì chiến lược bắt đầu từ cơ hội, từ khả năng của con người mới chính xác hơn.

 

2. Mục đích không phải là nơi khởi đầu khi con người hành động

 

Chiến lược bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi “tư duy điện ảnh”. Đây là một quan điểm cho rằng tất cả mọi thứ đều được thực hiện vì một số lý do nào đó, với một kết thúc cụ thể trong tâm trí. Quan điểm này đã trở thành một phần trong cách tư duy hàng ngày của con người. Tuy nhiên điều này không có nghĩa đây là quan điểm đúng.

Những gì chúng ta khao khát hoặc nhắm đến đều đồng thời phát triển với những gì chúng ta làm. Các mục tiêu không đi trước hành động của con người. Thay vào đó, chúng được tạo ra trong và bằng hành động. Tương tự vậy, sứ mệnh, tầm nhìn và mục đích cũng phát triển và trở nên vững chắc hơn thông qua hành động của chúng ta.

 

3. Chiến lược không hề bắt đầu hoặc kết thúc

 

Nếu chiến lược bắt đầu từ một mục đích, thì đồng nghĩa với việc chiến lược có điểm bắt đầu và kết thúc. Nếu nhìn nhận chiến lược là cách để một tổ chức đạt được mục đích, thì chiến lược trở thành một quá trình như một sự kiện.

Tuy nhiên, các tổ chức lẫn chiến lược luôn duy trì liên tục, không điểm bắt đầu, kết thúc hoặc khởi động lại. Chính vì vậy, chưa có bằng chứng gì rõ ràng để chứng minh sự hữu ích của việc xây dựng các mục tiêu từ ban đầu.

 

4. Mục đích khiến chúng ta không chú ý hiện thực

 

Quá tập trung vào mục đích đồng nghĩa với quá tập trung vào lý tưởng. Mặc dù nó có thể tạo ra động lực thúc đẩy người lao động, thế nhưng đồng thời nó cũng khiến chúng ta không chú ý đến thực tại, chẳng hạn như các áp lực, rào cản, hoặc những rắc rối trong hoạt động. Đôi khi, việc xử lý những vấn đề này, về mặt chiến lược, sẽ quan trọng và khẩn cấp hơn so với việc đạt được một mục đích nào đó.

 

5. Mục đích không phải là điều quan trọng nhất

 

Có những người luôn tự hỏi rằng tại sao mục đích của một doanh nghiệp lại quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác? Mục đích chỉ là chiếc gương phản ánh mong muốn của những người sáng lập trong việc đạt được thành tựu nào đó.

Với một số cá nhân, điều quan trọng hơn cả là giá trị mà doanh nghiệp/tổ chức tạo ra có ảnh hưởng đến ai và như thế nào. Dĩ nhiên điều này có thể trở thành một “mục đích” hấp dẫn, thế nhưng đây không phải là loại mục đích chúng ta bàn luận từ đầu đến giờ.

Chúng ta cần làm gì?

Những quan điểm và giải thích ở trên không hề phủ nhận tầm quan trọng của mục đích. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận lại cái quan điểm rằng mục đích là “cái nôi” của tất cả chiến lược trên thế giới. Những lập luận ở trên đã mổ xẻ và phân tích quan điểm ấy trên các mặt triết học, công cụ và quy tắc.

Tuy vậy, nếu chiến lược không phải bắt đầu từ mục đích, thì đâu là điểm xuất phát?

Có lẽ, khi bắt đầu một chiến lược của doanh nghiệp, người kinh doanh cần nhận ra được mục đích cũng đang dần tiến hóa như mọi thứ khác. Trong cuốn sách “Tái tạo tổ chức”, Frederic Laloux sử dụng khái niệm “mục đích tiến hóa” để nói về quan điểm này. Điều này đồng nghĩa không cần xác định trước các mục đích, mà hãy để mục đích xuất hiện trong và bằng quá trình hoạt động của một doanh nghiệp/tổ chức.

Tương tự vậy, cuốn sách “Lịch sử chiến lược” của Freedman cũng cung cấp một cái nhìn sâu sắc hữu ích. Theo ông, chiến lược là suy nghĩ về những hành động trước khi bàn đến mục đích hoặc khả năng. Vì vậy, mục đích tuy quan trọng, thế nhưng chiến lược hiện tại và khả năng của con người cũng quan trọng không kém. Và trọng tâm cuối cùng phải là hành động, chứ không phải là dự định.

Hải Vy (Theo Forbes)