Hầu hết các sách về chiến lược đều bắt đầu với phần giới thiệu cho người đọc về nguồn gốc của từ ‘chiến lược’. Chiến lược (strategy) là một từ có nguồn gốc ở Hy Lạp, được sinh ra bằng cách kết hợp các từ strategos (tướng), strategia (văn phòng của 1 vị tướng), stratos (quân đội) và agein (lãnh đạo). Vì thế, chiến lược thường được định nghĩa là ‘nghệ thuật của 1 vị tướng’.

Tiếp đến, những cuốn sách này thường nêu ra những tác phẩm lịch sử như ‘Nghệ thuật chiến tranh’ của Tôn Tử (vào 500 năm trước công nguyên) hay ‘Bàn về chiến tranh’ của Von Clausewitz (năm 1832). Do đó, những cuốn sách sẽ lập luận về sự song hành của chiến lược và chiến tranh, và rút ra kết luận rằng, chiến lược chủ yếu là khôn khéo hơn và đánh bại đối thủ cạnh tranh.

Tại sao điều này lại không đúng?

Mặc dù chiến lược chắc chắn có vai trò cần thiết trong chiến tranh, và có rất nhiều sự khôn ngoan trong các chiến lược quân sự được các tổ chức áp dụng hiện nay, thì việc gán mác chiến tranh cho cụm từ ‘chiến lược’ là sai, với 5 lí do sau:

1. Một từ không chỉ mang một ý nghĩa

Từ ‘chiến lược’ được dùng trong cả kinh doanh lẫn quân sự, không có nghĩa là nó mang cùng 1 nghĩa trong cả 2 lĩnh vực này. Nghĩa của từ thay đổi trong từng hoàn cảnh. Ví dụ như từ aweful (khủng khiếp).

Trước kia, từ này có nghĩa là ‘full of awe’ (đầy sợ hãi), khác hẳn với ý nghĩa hiện tại là khủng khiếp. Từ ‘chiến lược’ cũng vậy. Mặc dù được dùng trong cả kinh doanh lẫn chiến tranh, nhưng ý nghĩa của từ trong 2 hoàn cảnh này không quá liên quan tới nhau.

2. Không có sự liên quan trong lịch sử

Trong lịch sử, không có một sự liên quan nào giữa chiến lược kinh doanh và chiến lược chiến tranh. Chiến lược kinh doanh có lịch sử 140 năm, được định hình bởi các trường dạy kinh tế như Wharton và Harvard, các công ty tư vấn như McKinsey và BCG, hay CEO của các công ty lớn như Dupont và General Motors và các quỹ như Carnegie, Ford và Rockefeller.

Và điều thú vị là thuật ngữ ‘chiến lược’ thậm chí không được sử dụng trong kinh doanh trước những năm 1960 và không phổ biến trước những năm 1970.

Giống như khóa học đầu tiên tại Harvard, lĩnh vực này được gọi là ‘chính sách kinh doanh’ và trong tạp chí học thuật đầu tiên, nó được gọi là ‘Kế hoạch dài hạn’. Thuật ngữ ‘chiến lược’ đã được nhập khẩu muộn hơn nhiều và đến năm 1979, lĩnh vực này mới được đặt tên là ‘chiến lược’.

3. Kinh doanh hiếm khi liên quan đến chiến tranh

Mặc dù nhiều người thường cho rằng kinh doanh là một cuộc chiến với các đối thủ cạnh tranh, nhưng trên thực tế, điều này chỉ xảy ra trong một số trường hợp như Coca-Cola và Pepsi, RyanAir và easyJet hay Apple và SamSung.

Đối với phần lớn các tổ chức trên hành tinh này, kinh doanh không có nghĩa là chiến tranh hay tiêu diệt đối thủ. Kinh doanh là việc làm cho các tổ chức tồn tại và thịnh vượng thông qua việc tạo ra giá trị gia tăng khác biệt cho khách hàng trong khi hoạt động trong một môi trường đầy thách thức.

4. Các tổ chức phụ thuộc vào đối thủ cạnh tranh

Trong chiến tranh, mục đích cuối cùng của chiến lược là tiêu diệt sức mạnh chiến đấu của kẻ thù. Von Clausewitz không cho phép chúng ta nghi ngờ về điều đó khi ông lập luận rằng “Chiến tranh là một hành động bạo lực được đẩy đến giới hạn tối đa của nó.”

Tuy nhiên, không giống như trong chiến tranh, việc có một tổ chức thành công thường không yêu cầu một tổ chức khác thất bại. Thông thường, bạn thậm chí cần các đối thủ cạnh tranh mạnh vì tổ chức của bạn phụ thuộc vào họ, ví dụ như đặt vị trí của công ty bạn trái ngược với đối thủ trên thị trường nhằm thu hút khách hàng, chia sẻ tài nguyên hoặc tạo và duy trì thị trường ngay từ đầu.

Đây là lý do tại sao chúng ta có các trung tâm mua sắm, các khu vực như Thung lũng Silicon – nơi các đối thủ cạnh tranh tập hợp lại với nhau và được tài trợ bởi các tổ chức cạnh tranh.

5. Chiến lược quân sự không phải chủ yếu là về chiến tranh

Tất nhiên chiến lược quân sự là về chiến tranh, nhưng chiến tranh không phải là điều quan trọng nhất. Điểm chính của chiến lược quân sự là tránh chiến tranh, tạo ra, giữ gìn và bảo vệ hòa bình. Một điều nữa chúng ta có thể rút ra từ tác phẩm của Von Clausewitz khi ông gọi chiến tranh là ‘chính trị theo một cách gọi khác’.

Chiến lược bắt đầu với chính trị và chỉ trong những trường hợp đặc biệt, điều này dẫn đến chiến tranh. Vì vậy, ngay cả khi chúng ta coi chiến lược quân sự là điểm khởi đầu cho chiến lược kinh doanh, thì điều này cũng không có nghĩa là chúng ta phải quan tâm đến chiến tranh.

Vậy chiến lược là gì?

Nếu không có chiến tranh, vậy cốt lõi của chiến lược là gì? Tất nhiên, có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Và chúng ta chỉ cần nhìn vào hàng trăm định nghĩa về chiến lược để thấy hai khái niệm này không nhất thiết phải đi kèm với nhau.

Trong cuốn sách Strategy: A history (tạm dịch Chiến lược: lịch sử), Lawrence Freedman định nghĩa chiến lược là “nghệ thuật tạo ra sức mạnh”. Sức mạnh ở đây không có nghĩa là có quyền lực chi phối người khác. Sức mạnh này là tiềm năng, như khả năng làm việc và kiểm soát cuộc sống của chính mình hơn là để những người khác làm điều đó. Đây có thể được coi là chiến lược.

Linh Nguyễn Lê (theo Forbes)