Không chỉ nổi tiếng với khoản đầu tư 50 triệu USD gần đây từ Northstar Group, Topica còn được biết đến là “ông trùm” trong giới startup Việt với vai trò là bệ phóng của nhiều founder nổi bật.

Startup công nghệ giáo dục đào tạo trực tuyến Topica đã khai sinh ra Topica Mafia – một mạng lưới ngầm quy tụ các founder ‘có số má’ trong làng khởi nghiệp, xuất thân là các cựu quản lý, lãnh đạo, chuyên gia và học viên startup từ Topica Edtech Group.

Appota, Monkey Junior, Wefit, Kyna.vn, Logivan, Uiza, Atadi, Beeketing, Ella Study và nhiều startup đình đám khác tại Việt Nam đều là thành viên của liên minh công nghệ này.

Đây đều là các startup triệu đô với các khoản gọi vốn khủng, sản phẩm được đánh giá tiềm năng, được xây dựng trên nền tảng công nghệ mạnh với quy mô thị trường hứa hẹn. Nhóm này cũng nổi tiếng với phong cách khởi nghiệp mạnh mẽ, thẳng thắn, nhiều triết lý và nguyên tắc riêng biệt, dám đối mặt thất bại với đa phần CEO, nhà sáng lập với tuổi đời trẻ – cuối 8x, đầu hoặc giữa 9x.

“Startup như đi săn, đừng trở thành con mồi”

Không nên startup quá sớm – Đó là ý kiến của Kevin (Nguyễn Đức Anh), Founder Uiza. Uiza là ứng dụng công nghệ truyền dẫn video và livestreaming bằng AI (Trí tuệ nhân tạo) và Machine Learning (máy học), ra mắt thị trường tháng 2/2018.

Chỉ trong chưa đầy 1 năm, startup này đã hoàn thành 2 vòng gọi vốn với thời gian close cũng như định giá cao kỷ lục cho một seed-stage startup ở Đông Nam Á. Trong đó, nhà đầu tư gần đây nhất của Uiza là một quỹ đầu tư hàng đầu của Silicon Valley đã đầu tư vào hầu hết các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ của thế giới. Ngoài ra Uiza cũng giành giải Nhất cuộc thi Startup Arena của TechinAsia được tổ chức tại Jakarta, Indonesia tháng 10 vừa qua.

Tốt nghiệp ĐH Troy (Hoa Kỳ), Đức Anh từng là Chuyên gia phân tích GIS tại CGI Group, tập đoàn tư vấn IT nổi tiếng tại Mỹ trong lĩnh vực công nghệ an ninh quốc phòng. Trước khi khởi nghiệp với Uiza, anh đã thành lập startup VNLOCTRA. Hiện startup này vẫn hoạt động với doanh thu hơn 1 triệu USD/năm. Năm 2016, Đức Anh tham gia Topica thông qua chương trình FIR (Founder-In-Residence), chuyên tuyển dụng và đào tạo các nhà sáng lập startup tương lai, với vị trí Giám đốc cấp cao phát triển sản phẩm quốc tế.

“Trước khi muốn làm gì của riêng mình, hãy lùi lại một bước và tích lũy đủ hành trang. Khởi nghiệp là một quá trình gian nan, đầy khó khăn, giống như đi săn vậy. Nếu bạn đi săn bằng tay không thì có rất nhiều khả năng bạn sẽ trở thành con mồi. Topica là nơi hiếm hoi tại Việt Nam có thể giúp bạn tăng được tỷ lệ sống sót khi làm startup” – Đức Anh nhận xét.

CEO Uiza nhấn mạnh những ai muốn khởi nghiệp cần tích lũy được ít nhất ba thứ: kinh nghiệm, vốn và mạng lưới quan hệ.

“Hãy rèn kinh nghiệm ở một môi trường tạo điều kiện cho bạn quản lý và có cao thủ hướng dẫn. Số vốn tích lũy được không phải để bạn trả lương người khác hay nuôi mình, mà dùng để duy trì cuộc sống cho gia đình bạn trong ít nhất 1-2 năm đầu khởi nghiệp. Mối quan hệ cũng đặc biệt quan trọng. Sau khi làm việc tại Topica, tôi được nhà sáng lập của công ty này là anh Phạm Minh Tuấn giới thiệu với rất nhiều quỹ đầu tư, thậm chí đứng ra bảo đảm bằng uy tín để họ có thể yên tâm làm việc với startup mới như Uiza”, Đức Anh chia sẻ.

Sức nóng, sòng phẳng và “vẽ voi”

Nguyễn Trọng Duy, Co-Founder của Ella Study, từng là Giám đốc dự án tại Topica từ năm 21 tuổi. “Làm việc ở Topica là chấp nhận nghe mắng bất kể ngày đêm. Nếu tự coi mình như một người làm thuê sẽ không thể chịu được sức nóng. Bù lại, đây là môi trường sòng phẳng hiếm hoi khi tuổi tác không quan trọng bằng năng lực, nhân viên được thưởng nóng khi nói thẳng, chỉ trích sếp, được đề nghị đổi sếp thậm chí “xin ghế” của sếp” – Duy chia sẻ.

Một đặc trưng khác của Topica đã theo Duy gần 10 năm nay là văn hóa “CON VOI” – phương pháp biến mọi vấn đề phức tạp nhất trở thành một sơ đồ hình cây, bảng hay khối, tránh việc “thầy bói xem voi”. Việc này giúp các nhóm dễ hiểu nhau hơn khi bàn bạc, phân chia công việc, không bỏ sót khía cạnh nào. Mọi dự án, mọi công việc đều bắt đầu từ hệ thống hóa tư duy quản trị dự án, minh bạch tiến độ chung và bất cứ thành viên mới nào cũng có thể bắt nhịp.

Hiện nay Ella Study cũng là một startup về giáo dục được đánh giá cao. Đây là nền tảng kết nối trực tuyến học viên, tư vấn viên và các trường đại học, với mục tiêu đơn giản hóa việc du học đúng định hướng, hiện có hơn 2,000 du học sinh đăng ký, hơn 13,000 người theo dõi, 100 học viên và 25 đối tác trường đại học trong và ngoài nước.

Tháng 11/2018, Ella Study được bình chọn trong top 5 cuộc thi Startup Việt 2018 do báo điện tử VnExpress tổ chức và top 10 cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (trong khuôn khổ sự kiện Techfest 2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ).

Bị “đánh đập” và học cách đứng trên mặt đất

Nguyễn Khôi là Founder & CEO của WeFit, một trong những startup tăng trưởng nổi bật trong 2 năm gần đây. Khôi từng làm cho các công ty lớn về công nghệ cả trên Thế giới và Việt Nam. Anh được bình chọn trong danh sách 30U30 của tạp chí Forbes Vietnam năm 2018 và đã có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực khởi nghiệp internet. Trước đó, Khôi là Co-Founder Topica Edumall – nền tảng khoá học trực tuyến qua video lớn nhất Đông Nam Á.

“Nếu bạn là một người trẻ muốn thành công trong con đường khởi nghiệp nhưng chưa rõ cách làm, chưa rõ định hướng, thì nên tìm một môi trường “luyện chưởng” hoàn hảo trước khi lao ra biển lớn” – Khôi chia sẻ.

Ba điểm giá trị nhất của Khôi trong quá trình “luyện chưởng” trước hết là định hình được mục tiêu của bản thân và đội ngũ làm việc của mình. Từ đó có được con đường rõ ràng hơn trong sự nghiệp. Thứ hai là được dạy, được mentor, và “đánh đập” bởi các cao thủ. Thứ ba, quan trọng nhất, Topica tạo ra một môi trường thực chiến để trải nghiệm và thất bại với ít rủi ro nhất, từ đó rèn luyện được bản lĩnh đối mặt với những bài toán lớn.

“Một trong những lần mình bị “đánh đập” nhớ đời là vì tội “hóng hớt”. Khi đó vì mình còn trẻ và mới gia nhập Topica nên rất hứng thú với các mô hình mới hay những câu chuyện tầm chiến lược. Nhưng chính vì thế đôi lúc quên mất nhiệm vụ phải hành động và triển khai từ những thứ nhỏ nhất để hiểu sản phẩm, hiểu khách hàng. Nhờ được sếp “đập” đúng lúc, trong công việc sau này cũng như khi startup Wefit mình luôn tâm niệm: Mọi chiến lược phải bắt đầu từ đứng vững trên mặt đất” – Khôi nói.

Tham gia vào một mạng lưới “mafia công nghệ” mạnh, các founder không chỉ tích lũy được kinh nghiệm mà còn xây dựng được mạng lưới liên minh mạnh mẽ. Các công ty công nghệ coi mạng lưới “Mafia” của mình không chỉ là niềm tự hào, mà còn là một lợi thế quan trọng, giúp họ tiếp cận thông tin về các công nghệ, ý tưởng mới nhanh chóng, tạo dựng các liên minh để cạnh tranh trên các mặt trận mới và thu hút nhân tài.

Diệu An – Quang Niên (Khampha.vn)

Bài gốc