Với Na, khởi nghiệp nông nghiệp không phải chỉ là trồng cây gì, nuôi con gì mà phải tạo ra được những giá trị thực sự khác biệt.

Tốt nghiệp ngành Kinh tế Chính trị Mac – Lê Nin – Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có một công việc ổn định ở thủ đô nhưng chị lại “ngược dòng” về quê hương khởi nghiệp làm nông dân chính hiệu. Liệu đó có phải là một quyết định bồng bột, nông nổi của tuổi trẻ?

Thực ra, mình quyết định nghỉ việc ở Hà Nội lúc đó cũng là 27 tuổi và đã có gia đình nên cũng đã suy nghĩ rất kỹ và không còn bồng bột, nông nổi gì nữa. Việc “ngược dòng” cũng hoàn toàn không nằm trong kế hoạch hay dự định gì mà chỉ là vì trong lúc đó, bố mẹ bị thương lái lừa mua hàng mà không trả tiền, phải cố nhờ người giúp đỡ lấy lại được 1 ít cam rồi nhờ bạn bè, mạng xã hội mua ủng hộ giúp, lấy lại được phần nào cho bố mẹ.

Ban đầu cũng không có lý tưởng gì cao đẹp lắm đâu, chỉ thấy cần làm thì làm thôi, thấy cũng thích làm, rồi mọi thứ nó cứ cuốn vào, nó cứ dấn thân, đam mê vậy thôi.

Sau nỗ lực “giải cứu cam” thì chị chuyển hẳn về quê mở trang trại trồng cam VietGap và cam sinh thái “thuận tự nhiên”. “Thuận tự nhiên” có phải là mặc cho cây trồng phát triển tự nhiên không cần phải chăm sóc? Đây là nguyên tắc làm nông nguyên bản của loài người từ xa xưa?

Lạm bàn về kiến thức chuyên môn thì mình không dám bàn nhiều, vì còn nhiều người giỏi và hiểu sâu sắc về lĩnh vực này lắm. Mình chỉ là tay ngang đi làm thôi nên chỉ mong muốn chia sẻ dưới góc độ hiểu biết và thực tế trải nghiệm của bản thân. Bản chất của làm nông thì đã đương nhiên là không phải bỏ mặc hay có thể gọi là tự nhiên được rồi. Nông nghiệp là sự tác động của con người vào đất đai, cây trồng vật nuôi để tạo ra lương thực, thực phẩm cho mình rồi nên nếu nói là bỏ mặc thì không chính xác.

Chỉ là nông nghiệp theo hướng sinh thái, thuận tự nhiên nghĩa là mình nghiên cứu về tính tự nhiên, sinh thái của cây trồng để cố gắng tạo ra môi trường, điều kiện giống với tự nhiên nhất trong một hệ sinh thái đa loài để cây trồng, vật nuôi có thể phát triển tốt, đem lại nguồn nông sản có giá trị cho con người mà thôi.

Nói đó là nguyên tắc làm nông của bản nguyên loài người xa xưa bởi nó đúng là không có sự can thiệp của hóa chất, nhân tạo và thậm chí là không bao gồm cả máy móc mà trở thành những khu vườn tự vận hành.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó cần có thời gian và sự kiên trì, và nó cũng khó trở thành hiện thực bởi nếu chúng ta sử dụng sức người nhiều quá thì khó có thể trở thành hàng hóa kinh doanh được. Bởi vậy, chúng ta nên biết cách vận dụng cho phù hợp với điều kiện, môi trường của mình đừng nên quá cực đoan, tuyệt đối hóa vấn đề.

Na giới thiệu dự án vườn cam sinh thái với các chuyên gia Hà Lan, Đức

Phương pháp này có đi ngược lại với các phương pháp canh tác “phun, xịt” đã phát triển trong hàng thập niên qua?

Nếu nói là nó đi ngược với phương pháp canh tác mới là sử dụng nhiều hóa chất theo kiểu “phun, xịt” thì mình nghĩ cũng không hẳn là hoàn toàn. Nông nghiệp sinh thái hay theo hướng mô phỏng tự nhiên thì vẫn cần tạo ra nguồn dinh dưỡng, hệ sinh thái để nuôi và bảo vệ cây. Chỉ là ở cách làm khác.

Ví dụ như là bổ sung lượng mùn thay cho phân bón nuôi cây bằng các nguồn cây cỏ quay phủ trở lại đất, hay chúng ta trồng các loài cây có mùi hương để xua đuổi, hạn chế bớt sâu bọ thay vì phun hóa chất. Nên nếu nói đúng thì có thể coi đó là phương pháp ở trình độ cao hơn, như kiểu mô hình phát triển của vòng tròn xoáy trôn ốc: khi xoay 1 vòng tròn thì chúng ta lặp lại nhưng ở 1 tầng cao hơn.

Nói như chị thì việc làm nông theo theo hướng tự nhiên cũng lắm gian nan?

Lạm bàn thêm về vấn đề kỹ thuật thì thực tình là điều kiện làm nông theo hướng tự nhiên, sinh thái ở VN mình bây giờ đang gặp nhiều khó khăn. Do đất đai của chúng ta đã bị khai thác quá cạn kiệt, trong thời gian quá lâu, để khôi phục lại nó cần có thời gian và chi phí thì gia tăng hơn rất nhiều.

Nếu chúng ta chỉ vãi lúa, đậu trong vườn rồi cứ năm nào qua năm đấy giữ lại hạt giống, chúng ta tự có được nguồn rơm rạ, cây xanh phủ lại vườn thì quả là quá rẻ. Nhưng nếu chúng ta phải đi mua từ bên ngoài vì đất đai trong vườn bạc màu quá, trồng không lên thì chi phí bỏ ra để thuê nhân công gom rơm, vận chuyển, công bó, công rải… quả là rất lớn.

Và phải làm bao nhiêu lâu, bao nhiêu lần như vậy mới có thể đủ nguồn mùn, dinh dưỡng bù đắp lại cho đất.

Đó chính là cách mà chúng ta đang tự làm khó mình, đang làm cho sản phẩm đáng nhẽ rẻ tiền phải trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều.

Có phải khó khăn như vậy nên giá cam sinh thái đang cao hơn rất nhiều so với các loại cam khác?

Giá cả của sản phẩm đôi khi không phải thể hiện là giá thành của sản phẩm. Giá cả của sản phẩm còn phụ thuộc vào cung, cầu, vào thị hiếu, vào những giá trị mang lại khác mà sản phẩm tạo ra. Cam Vinh sinh thái mới chỉ 50.000 đ/quả, nhưng Cam Xã Đoài là nơi gốc tổ của Cam Vinh nói chung thì giá cả mỗi quả cam còn lên tới 80.000 – 100.000 đ/quả.

Nói đến đây, đôi khi cũng cần so sánh có những dịch vụ người ta chỉ hướng tới những đối tượng khách hàng nhất định với những cam kết về chất lượng nhất định.

Ăn cam sinh thái không chỉ là ăn vì cái sạch của nó, mà còn là những giá trị vô hình ở trong đó, là cái hương vị thanh tao, tinh tế, là cái mùi thơm rất đượm, là cái hậu vị rất khác biết, cái mà những người kỹ thuật phải dày công chăm sóc, tỉ mẩn từng ly từng tí chứ không phải cứ bỏ mặc, cứ vứt không đó là có được.

Nhưng thực tế là cam sinh thái cũng như nhiều nông sản hữu cơ ở VN đang quá cao so với mức sống của đại đa số người dân nên nhiều người cho rằng nông nghiệp sạch chỉ giành cho nhà giàu và xuất khẩu. Chị nghĩ thế nào về vấn đề này?

Không chỉ ở Việt Nam mà với nhiều nước trên thế giới cũng vậy thôi. So với những người làm nông nghiệp thông thường, những người làm nông nghiệp hữu cơ cảm thấy công sức của mình bỏ ra xứng đáng hơn với giá trị cao mà mình cần được nhận lại. Cũng giống như vải lụa dệt may bằng máy móc thì rẻ hơn, nhiều hơn còn những sản phẩm làm từ thủ công thì đắt đỏ và ít hơn vậy thôi.

Tuy nhiên, nói nông sản sạch chỉ dành cho nhà giàu và xuất khẩu là sai, không đúng bản chất của nông nghiệp theo hướng tự nhiên, hay sinh thái. Người nông dân làm ra sản phẩm phải là người được ăn nông sản sạch đầu tiên. Chỉ khi họ được ăn sản phẩm tốt thì họ mới có thể làm ra sản phẩm tốt được. Nó cũng giống như việc một người mẹ bất hạnh sẽ khó nuôi dạy những đứa con trở nên hạnh phúc được.

Trong những năm qua, phong trào khởi nghiệp nông nghiệp sạch ở nước ta đã bắt đầu nở rộ, nhưng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “nông nghiệp hữu cơ, bơ vơ chỗ đứng”. Chị cũng từng cho rằng, khởi nghiệp nông nghiệp không dễ thu tiền tỷ, vậy sao bao năm theo đuổi trồng cam thuận tự nhiên, khó khăn lớn nhất mà chị gặp phải là gì?

Làm nông nghiệp hay làm bất kỳ việc gì cũng vậy thôi, nếu xét về độ bền vững và lâu dài thì không có cái gì là dễ cả. Sự dễ dãi thu tiền mà thỉnh thoảng ta thấy được tung hô thì có thể chỉ là sự may mắn, mà sự may mắn thì không bao giờ bền. Làm nông nghiệp cần có kiến thức, chuyên môn, có thể những kiến thức đó không phải học từ trường, nhưng những người làm nông nếu dành thời gian, tâm sức để nghiên cứu, học hỏi thì may ra mới thành công.

Làm nông nghiệp hữu cơ cũng vậy, muốn không “bơ vơ” thì phải có 1 tư duy tổng thể, chiến lược bài bản từ xác định sản phẩm mà minh theo đuổi, chất lượng và định vị sản phẩm của mình, không có chất lượng thì không có tương lai, mọi lời quảng cáo chỉ là sáo rỗng nếu đưa lên miệng ăn không ngon, nhìn không đẹp mắt. Rồi người làm nông cũng phải quan tâm tới đầu ra, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho sản phẩm thì mới có thể có “chỗ đứng” của mình.

Khó khăn lớn nhất của bọn mình khi theo đuổi được nghề này cũng chỉ xoay quanh 3 vấn đề: 1 là kiến thức, hiểu biết để làm ra sản phẩm thật tốt, thật chất lượng, 2 là có đủ tiềm lực tài chính để theo đuổi và giữ vững con đường mình đã chọn và 3 là xây dựng, phát triển được một thương hiệu đủ mạnh để đứng vững và tạo ra được thị trường riêng của mình.

Thương hiệu mình nói ở đây không phải chỉ dừng lại ở mấy cái tem, nhãn dán lên sản phẩm đâu, mà nó chỉ đơn giản như mấy bác nông dân trồng cam ngon ở quê mình, năm nào các bác cũng bán hết, bán giá cao. Khách hàng của các bác ấy cũng cứ năm nay qua năm khác vẫn quay lại mua sản phẩm, trong khi vẫn đầy người trồng rồi chặt thì vẫn trồng rồi chặt, giá thành bèo bọt…

Khó khăn như vậy nhưng đã có lúc nào chị muốn bỏ cuộc?

Nhiều lần chứ, không có tiền, mà thời gian đầu mới chuyển đổi sản phẩm đâu đã được như ý muốn, cực lắm, nhiều lần muốn bỏ lắm chứ. Bỏ không phải là vì nghĩ con đường mình đang đi bị sai, hay vì mình lung lạc ý chí tinh thần. Mà bỏ là vì xoay tiền mệt quá. Đôi khi cứ nghĩ: sao không đi làm cái gì nhận lương hàng tháng xong rồi thôi cho nhẹ đầu.

Nhưng cứ mỗi lần tự vấn lương tâm như vậy thì nhìn lên vườn lại thấy có nhiều động lực, nhìn thấy những thay đổi, những bước đầu thành công của nó lại thấy nó đáng giá để mình theo đuổi. Và đôi khi cũng tự động viên mình rằng, sống như vậy mới đáng sống chứ, phải có khó khăn, vươn lên, phải vượt qua được chính mình cuộc sống nó mới có nhiều cái hay chứ.

Các sản phẩm từ cam của Na.

Mặc dù có nhiều giống cam ngon nhưng theo chị vì sao cam Việt Nam vẫn chưa có mặt trên bản đồ cam thế giới?

Một số nước trồng cam trên thế giới như Úc, Mỹ, Maroc, Tây Ban Nha… họ có những vùng trồng cam rất nổi tiếng, lâu đời và những giống cam gần như cả thế giới biết đến như cam rốn (navel), cam Valencia… Họ có một quy hoạch diện tích đủ rộng, họ có 1 lịch sử trồng cam lâu đời ít bị mai một và họ có thương hiệu phổ biến toàn cầu như Sunkist của Mỹ chẳng hạn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, diện tích thì có, nhưng phập phù, vùng này năm nay trồng, nhưng khoảng dăm đến 10 năm sau có khi chả có cây cam nào. Thậm chí có những vùng khai thác đất 1 cách kiệt quệ, người ta kích đủ thứ để 1 cây cam mới trồng được 1 – 2 năm phải cho quả rồi, người ta chỉ thu trong 5 năm rồi lại bỏ đi. Cây cam trồng san sát nhau thậm chí là 1 – 2 m/cây chen chúc như lợn con thì lấy đâu chỗ cho cây thành tán. Đất đai kiệt quệ rồi, mùa sau muốn trồng lại cũng khó.

Thêm nữa, ở ta không có thương hiệu chung tốt và không có ý thức trong việc khai thác thương hiệu tập thể mà cứ mạnh ai nấy làm, “cha chung không ai khóc” nên không giữ được sự ổn định về thị trường dẫn đến “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Bởi vậy, thị trường quốc tế cũng không biết đến cam của chúng ta, và dĩ nhiên khó có thể “ghi tên” trên bản đồ cam thế giới.

Từng khẳng định mục tiêu của Cam Vinh Kỳ Yến là không được cạnh tranh với nông dân. Vậy theo chị, làm sao để “giữ nông dân trên chính cánh đồng của họ”?

Mình mong muốn liên kết cùng các hộ nông dân trồng cam tại đây, tạo nên một chuỗi giá trị của trồng cam bằng cách canh tác không hóa chất, lựa chọn những trái cam chất lượng tốt nhất, xuất sắc nhất để bán quả tươi với giá tốt, những quả kém hơn sẽ được làm thành các sản phẩm chế biến. Và đặc biệt hơn nữa, bọn mình sẽ cùng tạo dựng ra một khu du lịch vườn cam sinh thái, cái mà khách du lịch có thể sẵn sàng trả tiền bằng cả hàng trăm kg cam để được ở lại vườn, trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp, tận hưởng không gian sống hoàn toàn thuận tự nhiên, được tự tay làm và thưởng thức các sản phẩm chế biến từ cam…

Mình tốt nghiệp nghành Kinh tế Chính trị Mac – Lê Nin và 1 trong những điều sâu sắc mình học được chính là quy luật: Những nước có đóng góp GDP từ nông nghiệp cao thì nghèo, còn những nước có GDP đóng góp từ Dịch vụ cao thì thường là những nước phát triển. Và trong kinh doanh của chúng ta cũng như vậy, nếu chúng ta bán 1 quả cam thô thì giá thành sẽ rất thấp, nông dân muôn đời vẫn nghèo, nếu chúng ta biết gia tăng giá trị của nông nghiệp thông qua dịch vụ như du lịch, thương mại thì chúng ta sẽ phát triển.

Mình muốn, vùng cam Vinh Nghệ An sẽ được ghi tên trên bản đồ cam thế giới như là là một nốt trầm, xanh tươi, êm đềm và thư thái trong thế giới xô bồ, đầy ô nhiễm, khắc nghiệt. Đó chính là giá trị riêng, là cách làm thương hiệu tạo sự khác biệt, là cái giúp nông dân trồng cam của chúng ta có thể phát triển bền vững hàng trăm, hàng ngàn năm chứ không phải một vòng luẩn quẩn trồng rồi chặt, chặt rồi trồng…

Ngọc Hương – Hạn Vũ (Báo Khám phá)

Bài gốc