Từ ngày 1/8, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp. Toàn bộ thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả qua chuyển phát nhanh về đến tận nhà.

Thông tin trên vừa được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết tại Hội nghị “Hà Nội 2018 – Hợp tác đầu tư và Phát triển” diễn ra sáng nay (17/6).

Thông tin đến Hội nghị về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô trong thời gian qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, kinh tế-xã hội Thủ đô trong những năm qua và 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục phát triển toàn diện và đạt những kết quả nổi bật.

Cụ thể, kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng nhanh, bền vững. Năm 2016 tăng 7,15%, năm 2017 tăng 7,31%, 6 tháng đầu năm 2018 ước tăng 7,07%. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng trưởng đều, năm 2016 đạt 278.880 tỷ đồng, tăng 10,37%; Năm 2017 đạt 308.219 tỷ đồng, tăng 10,52%; 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 128.900 tỷ đồng, tăng 9,9%. Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng cao (51,1%). Đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy kế đến 15/6/2018 có trên 4.300 dự án, vốn đầu tư đăng ký đạt 33 tỷ 380 triệu USD.

Bên cạnh đó, thành phố đã khai trương và vận hành “Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo”; “Cổng thông tin khởi nghiệp StartupCity.vn”, “Cổng thông, tin doanh nghiệp Hà Nội”; đã có 14/27 nhóm khởi nghiệp đăng ký các ý tưởng sáng tạo được chính thức tiếp nhận hồ sơ dự án.

Trong 2 năm 2016-2017, có 47.826 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 472.760 tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn đến nay đạt trên 250.000 đơn vị.

Về kết quả thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tại các Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2016, 2017, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 71 dự án (trong đó, năm 2016: 23 dự án, tổng vốn đầu tư là 36.919 tỷ đồng; năm 2017: 48 dự án, tổng vốn đầu tư 74.369 tỷ đồng).

Đến nay, 62 dự án đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, khởi công và xây dựng, hoạt động; 9 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Trong số 135 dự án giới thiệu kêu gọi đầu tư có 21 dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu thông tin đối với các dự án còn lại.

Để nâng cao tạo sự lan tỏa sự liên kết hợp tác phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, định hướng những năm tới, Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế; phát triển Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo – thành phố thông minh.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Huy động tối đa nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung.

Cùng với đó, xây dựng Hà Nội thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước và khu vực. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng tới đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn khu vực và thế giới trong các lĩnh vực cung cấp nước sạch,…

Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố trong vùng, sẽ xây dựng kế hoạch khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương để giải quyết các vấn đề chung như xử lý môi trường; phát triển năng lượng xanh; khởi nghiệp, kết nối hạ tầng giao thông, tiêu thụ, chế biến, nông, lâm, hải sản, dịch vụ, du lịch.

Trong thời gian tới, Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô, Ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục ưu tiên và kêu gọi đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch và các dự án liên kết, phát triển Vùng, các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân; các nhà máy xử lý rác thải, xử lý bùn; xây dựng nông nghiệp công nghệ cao;…

Thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội cam kết tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, kiên định với mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”; sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu các đề nghị và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo;

Đồng thời, tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mua bán, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiết kiệm, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường, các giải pháp phòng chống biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các hợp tác, liên kết vùng trên cơ sở hài hòa lợi ích, khai thác thế mạnh của mỗi địa phương.

*Tại Hội nghị này, TP Hà Nội sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng (tương đương với hơn 17 tỷ USD), trong đó: có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ 428 triệu USD), 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư là 267.274 tỷ đồng.

Đồng thời, thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố trong Vùng, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ trao 24 Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư dự kiến trong thời gian tới khoảng gần 70.000 tỷ đồng.

Danh mục 553 dự án giới thiệu đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp gồm: 161 dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật; 36 dự án phát triển hạ tầng xã hội; 91 dự án phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ, du lịch; 75 dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 90 dự án kinh doanh bất động sản.

Hạnh Nguyên – Báo Tuổi trẻ Thủ đô

Bài gốc