Đầu tư cũng giống như cuộc hôn nhân. Hôn nhân không là mục đích mà là chỉ là điểm khởi đầu của hành trình tìm hạnh phúc. Việc nhận đầu tư cũng vậy, làm sao để cả 2 bên cùng thành công mới là mục đích

Không ít các statup chỉ nghĩ tới việc sẽ gọi được bao nhiêu vốn khi tìm đến các nhà đầu tư. Nhưng gọi được vốn đầu tư mới chỉ là bước đầu của quá trình đi đến thành công.

Gọi vốn không chỉ là tiền

Tiền đầu tư hiển nhiên là điều mà tất cả các startup mong muốn khi tiếp cận các quỹ đầu tư. Nhưng  theo các chuyên gia, nếu chỉ để ý đến mỗi tiền thì các startup đã bỏ qua rất nhiều lợi ích khác mà nhà đầu tư đem lại.

Trong đó, một nguồn lực rất lớn mà startup nhận được từ nhà đầu tư là những kinh nghiệm, kiến thức được nhà đầu tư chia sẻ trong quá trình làm việc chung. Cùng với đó, hệ thống phân phối, chuỗi nhà cung cấp… mà nhà đầu tư đang sở hữu cũng tạo ra lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp mới. Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) và Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM (YBA) khẳng định: “Khi các startup tìm đến nhà đầu tư không chỉ vì tiền mà còn vì nhà đầu tư có thể kêu gọi được nhiều nguồn hỗ trợ hơn.”

Từ góc độ nhà đầu tư, các cá mập cũng chia sẻ quyết định đầu tư cho các dự án không chỉ vì vấn đề lợi nhuận mà đó cũng chính là cách mà các nhà đầu tư thực hiện ước mơ của chính mình. Khi đã chấp nhận rót vốn thì nhà đầu tư chắc chắn có cùng ước mơ với nhà sáng lập.

Cùng mong muốn đạt được thành công nhưng cách nghĩ của nhà đầu tư và nhà sáng lập có những điểm không giống nhau. Do đó, quá trình làm việc chắc chắn sẽ xảy ra xung đột và điều này trong nhiều trường hợp dẫn đến thất bại nếu không có sự thay đổi, thống nhất từ hai phía.

Chia sẻ về điều này, Shark Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan nói: “Đầu tư cũng giống như cuộc hôn nhân. Hôn nhân không là mục đích mà là chỉ là điểm khởi đầu của hành trình tìm hạnh phúc. Việc nhận đầu tư cũng chỉ là điểm khởi đầu, làm sao để cả 2 bên cùng thành công mới là mục đích.”

Đây cũng là quan điểm chung của các chuyên gia. Khi nói về những yếu tố để quyết định đầu tư, Shark Thái Vân Linh đánh giá khả năng thay đổi thay thực tế của các founder quan trọng không kém gì kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh.

Sống chung với … nhà đầu tư

Một tâm lý thường thấy của các startup khi tiếp cận các nhà đầu tư là tư tưởng “chiếu dưới”, tư tưởng “đi xin”. Điều này không những gây ra khó khăn cho startup mà còn tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài.

Shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Tập đoàn Thế kỷ CENGROUP nhấn mạnh với các startup: “Một điều phải xác định rõ ràng là các quỹ đầu tư không phải quỹ từ thiện. Các startup mang cơ hội đến cho nhà đầu tư chứ không phải đến xin.”

Bởi vậy, đầu tư là sự hợp tác bình đẳng và cả hai bên đều có những trách nhiệm của mình. Cùng với đó, sự tham gia của nhà đầu tư chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi nhất định trong hoạt động của startup. Thiếu sự chuẩn bị tâm lý trước cho điều này, nguồn vốn đầu tư rất có thể trở thành thuốc độc thay vì thuốc bổ cho startup.

Theo bà Lê Hạnh, CEO TVHUB, Giám đốc sản xuất Chương trình Shark Tank Việt Nam thì thương vụ đầu tư là sự kết hợp giữa ước mơ của nhà sáng lập và kỳ vọng của nhà đầu tư. Bởi vậy, để đảm bảo cho sự kết hợp này được hiệu quả và lâu dài, startup vừa phải thực hiện những kế hoạch dài hạn lại vừa phải đảm bảo các KPI trong ngắn hạn.

“Gọi được vốn đầu tư đã khó, sống chung với nhà đầu tư còn khó hơn. Trường hợp của The Kafe là một ví dụ điển hình”, bà Lê Hạnh khẳng định.

Phạm Sơn – Báo Khám phá

Bài gốc