Theo nghiên cứu của Solidiance, tính đến hết năm 2017, thị trường Fintech Việt Nam đã đạt mức 4,4 triệu USD (dựa trên giá trị giao dịch) và dự kiến có thể đạt ngưỡng 7,8 tỉ USD vào năm 2020.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo của Làng khởi nghiệp công nghệ tài chính (Fintech Village), tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Vietnam 2018.

Thị trường tỉ đô trong tương lai

Fintech là một trong những lĩnh vực có sự phát triển sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Sự xuất hiện của làn sóng fintech đã và đang đem lạ hiệu ứng tích cực với người tiêu dùng và ngành dịch vụ tài chính bằng tư duy đổi mới sáng tạo, nhạy bén với nhu cầu người dùng.

Tại Việt Nam, các fintech startup xuất hiện từ khoảng năm 2015 và nhận được nhiều quan tâm của người dùng trong lĩnh vực tài chính, các tập đoàn, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước. Hiện Việt Nam có khoảng 100 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Trong đó thanh toán vẫn là lĩnh vực hoạt động chủ đạo. Theo nghiên cứu của Solidiance, tính đến hết năm 2017, thị trường Fintech Việt Nam đã đạt mức 4,4 triệu USD (dựa trên giá trị giao dịch) và dự kiến có thể đạt ngưỡng 7,8 tỉ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện việc phát triển thị trường fintech Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề như hầu hết các công ty fintech còn khá trẻ (dưới 5 năm) và ngay từ ban đầu họ gần như chưa xác định được vấn đề cần giải quyết cũng như cách thức giải quyết.

Fintech phát triển dựa vào các trụ cột chính là vốn, thị trường, quy định chính sách, tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp fintech đó là vấn đề pháp lý. Thể chế quản lý hoạt động fintech hiện chưa được đề cập tại bất kỳ văn bản pháp lý cụ thể nào, cũng chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ, xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động fintech.

Theo ông Phạm Trung Kiên – Phó Chủ tịch Viettel Telecom, vấn đề hạ tầng cũng là bài toán khó. Việc mở rộng chi nhánh, cây ATM đang là gánh nặng chi phí. Tại Việt Nam trung bình cứ 3 chi nhánh phục vụ 100.000 dân, 24 ATM phục vụ 100.000 dân, trong khi đó trung bình trên thế giới, 10 chi nhánh phục vụ 100.000 dân, 53 ATM phục vụ 100.000 dân.

Sự kết hợp giữa ngân hàng – fintech và techfin

Ông Đào Ngọc Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN trả lời câu hỏi tại tọa đàm thuộc hội thảo

Theo bà Nguyễn Thùy Dương – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, làn sóng công nghệ đang ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta. Tác động của mobile, xu hướng phân tích dữ liệu vào việc phục vụ khách hàng tốt hơn ngày càng trở nên phổ biến. Điều này là minh chứng thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc ứng dụng, đưa khoa học và công nghệ phục vụ phát triển đất nước.

Tuy nhiên, để khắc phục được các hạn chế và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp fintech phát triển, các đại biểu đã bàn luận và đưa ra nhiều giải pháp như: Doanh nghiệp cần có nguồn tài chính tốt hoặc tiếp cận các quỹ, nguồn vốn vay ưu đãi; chính phủ cần có ưu đãi hỗ trợ về thuế, nhân lực; sự bắt tay giữa ngân hàng – tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính thông qua công nghệ kỹ thuật số (fintech) – công ty công nghệ cung cấp các sản phẩm tài chính (techfin)…

Các chuyên gia cho rằng, nếu phát triển độc lập, fintech sẽ có ít niềm tin từ khách hàng, khó tăng trưởng quy mô người dùng, còn techfin sẽ thiếu kinh nghiệm trong hoạt động tài chính ngân hàng, và ngân hàng sẽ khó khăn trong việc mở rộng mạng lưới do bài toán hiệu quả chi phí, quy trình, thủ tục giao dịch phức tạp.

Trên thực tế, sự kết hợp giữa ngân hàng – fintech – techfin cũng đã và đang diễn ra. Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc kết hợp này sẽ biến fintech trở thành cánh tay nối dài của các ngân hàng tới những đối tượng dùng chưa có tài khoản ở ngân hàng truyền thống hay những đối tượng chưa tiếp cận dịch vụ truyền thống (unbanked). Điều này sẽ mang lại những trải nghiệm tốt, linh hoạt, nhiều tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ đắc lực cho phổ cập tài chính (financial inclusion) sâu rộng hơn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội.

Ông Phạm Trung Kiên – Phó Chủ tịch Viettel Telecom cho biết, các công ty Fintech mang tính chất là startup (khởi nghiệp) nên rất sáng tạo và năng động, có nhiều sản phẩm mới. Họ đánh giá dịch vụ ngân hàng dưới góc độ của khách hàng và sẵn sàng cung cấp các dịch vụ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.

Ngân hàng có kinh nghiệm tài chính, nguồn vốn dồi dào, niềm tin lớn từ khách hàng, am hiểu khả năng tài chính của khách hàng… Do vậy, việc “kết nối chia sẻ” sẽ tập trung sức mạnh, huy động được tài chính, công cụ, nguồn lực đầu tư, dữ liệu lớn.

Tại hội thảo, trong phần tọa đàm về phát triển hệ sinh thái vững mạnh cho Fintech Việt Nam, ông Đào Ngọc Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến các cơ chế, chính sách liên quan cũng như hợp tác giữa Bộ với các cơ quan, ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp fintech phát triển.

Theo các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo, nếu kết hợp lại cả 3 bên sẽ tận dụng được thế mạnh của nhau và đây là xu hướng của rất nhiều ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tổng thể cho lĩnh vực fintech bởi đây là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Có thể ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm khi chưa thể ngay lập tức xây dựng được một khuôn khổ pháp lý tổng thể.

Hạnh Nguyên – Khampha.vn

Bài gốc