Thanh toán vẫn được xem là lĩnh vực “nóng” của mảng fintech tại Việt Nam, khi đóng góp tới 31% các startup, theo báo cáo Vietnam Fintech Report 2020.

Theo thống kê của Fintechnews, trong giai đoạn từ 2017 tới 2020, số lượng các startup fintech tại Việt Nam đã tăng trưởng chóng mặt về số lượng, từ 44 startup trong năm 2017 đã tăng gấp 3 lần lên con số 121 trong năm nay.

Trong đó, thanh toán vẫn được xem là lĩnh vực “nóng” của mảng fintech tại Việt Nam, khi đóng góp tới 31% các startup, theo báo cáo Vietnam Fintech Report 2020.

Tính đến tháng 10 năm nay, Việt Nam có 39 đơn vị được cấp phép trung gian thanh toán, với 5 ví điện tử có thị phần lớn nhất là MoMo, Payoo, Moca, ZaloPay và ViettelPay.

Mảng thanh toán đóng góp tới 31% các startup fintech tại Việt Nam

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tính đến 2019, có 4,2 triệu người sử dụng ví điện tử trong tổng số 100 triệu dân trên cả nước. Điều này có nghĩa, dù lĩnh vực thanh toán có tính cạnh tranh cao, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội phát triển.

Trong khi các startup thanh toán của Việt Nam tiếp tục phát triển và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, thì mức tăng trưởng mạnh nhất thuộc về các startup hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) và tiền điện tử/blockchain.

Hai mảng này ghi nhận số lượng công ty khởi nghiệp tăng từ 5 đơn vị trong năm 2017 lên hơn 15 công ty khởi nghiệp vào năm nay.

Cũng theo Vietnam Fintech Report 2020, trong 3 năm gần đây, Việt Nam đón thêm các startup trong lĩnh vực insurtech (công nghệ bảo hiểm), ngân hàng số và tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ba mảng này trước đây chưa xuất hiện ở năm 2017.

Mặc dù thị trường fintech Việt Nam được đánh giá là có nhiều triển vọng, nhưng so với các quốc gia trong khu vực vẫn còn khá non trẻ. Các mảng kinh doanh tiềm năng như: quản lý điểm tín dụng hay gọi vốn cộng đồng vẫn còn thiếu.

Bản đồ các startup fintech Việt Nam 2020

Chưa kể, các startup fintech trong nước vẫn đi theo mô hình B2C, trong khi đó, tại các quốc gia phát triển, mô hình startup fintech B2B lại rất tiềm năng. Điển hình như việc các ngân hàng sẽ đối tác quan trọng thúc đẩy các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính phát triển trong thời gian tới.

Hiện tại, ngoài các công ty fintech, thị trường công nghệ tài chính còn thu hút các ứng dụng gọi xe như: Grab, Be Group và FastGo đều có dịch vụ ví điện tử. Gojek mới đây cũng đã thâu tóm WePay để có giấy phép hoạt động ví điện tử ở Việt Nam.

Nhìn chung, các “siêu ứng dụng” cũng là chất xúc tác tăng trưởng khi tận dụng được nền tảng công nghệ tiên tiến để mang các dịch vụ tài chính chi phí thấp và tiện dụng đến số đông người dùng hơn.

Theo TheLeader