Những doanh nhân luôn khát khao thành công. Hầu hết các doanh nhân đều muốn theo đuổi ý tưởng kinh doanh mà họ đã ấp ủ từ lâu, thế nhưng họ vẫn luôn phải đối diện với sự thực phũ phàng rằng đa số các doanh nghiệp mới thành lập có quy mô nhỏ đều không thể duy trì hoạt động lâu dài.

Tại sao họ thất bại?

Lý do dẫn tới thất bại không phải là vì những doanh nhân không có đủ tiền để đầu tư, hoặc không có đủ các mối quan hệ kinh doanh, mà là vì họ đã không kiểm nghiệm ý tưởng kinh doanh trước khi thành lập công ty. Việc bạn có thể khởi nghiệp với bất kỳ ý tưởng nào không có nghĩa là mọi ý tưởng đều sẽ thành công.

Sự thật là bạn chẳng cần có ý tưởng lớn như Uber hay Airbnb để thành công. Vẫn có công ty khởi nghiệp kiếm được lợi nhuận chỉ từ việc bán những củ khoai tây có khắc lời nhắn nhủ.

Tuy nhiên, bạn không thể kinh doanh với bất cứ ý tưởng nào nảy ra trong đầu. Bạn phải đảm bảo rằng ý tưởng kinh doanh của bạn đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu bạn không khảo sát thị trường, thì ngay cả kế hoạch kinh doanh công phu cũng chẳng thể cứu nổi doanh nghiệp của bạn.

Đây chính là lúc bạn cần tới một Landing-page.

Landing-page kiểm nghiệm một ý tưởng kinh doanh như thế nào?

Landing-page là một trang web đơn được thiết kế với mục đích đơn thuần là để giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ.

Cách sử dụng landing-page rất đơn giản. Bạn có thể tạo một trang web đơn và giới thiệu kế hoạch kinh doanh sau đó chờ đợi để nhận được phản hồi từ người xem.

Landing-page có rất nhiều ưu điểm. Thứ nhất bạn không cần có sẵn sản phẩm để bán khi thiết kế landing-page. Thứ hai, bất cứ ai cũng có thể tạo ra landing-page.

Tuy nhiên, khi thiết kế landing-page mà bạn vẫn chưa có kế hoạch kinh doanh thì bạn cần phải thông báo cho người xem biết về kế hoạch trong tương lai. Bên cạnh đó, bạn cần tạo cơ hội để giúp người xem chia sẻ thông tin liên lạc của họ.

Việc khuyến khích người xem đăng ký không chỉ thể hiện thái độ chân thành mà còn giúp bạn kiểm nghiệm ý tưởng kinh doanh. Nếu bạn có thể thu thập được nhiều thông tin liên lạc từ người truy cập landing-page có nghĩa là ý tưởng kinh doanh của bạn được thị trường chấp nhận. Ngược lại nếu có ít người hoặc không có người để đăng ký thì có nghĩa khách hàng không hứng thú với ý tưởng kinh doanh của bạn.

Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, chỉ vì mọi người dùng email để đăng ký landing-page không có nghĩa là họ sẽ sử dụng sản phẩm của bạn. Đây chính là lý do tại sao không nên quá lạc quan với lượng người đăng ký trên landing-page mà bỏ quên việc hoàn thiện sản phẩm.

Bạn cần phải biến việc chia sẻ thông tin liên lạc thành quá trình gồm nhiều bước nhỏ để có thể nắm bắt kỹ lưỡng nhu cầu của khách hàng. Hãy cùng tăng tốc với ba bước để kiểm nghiệm ý tưởng kinh doanh bằng landing-page sau.

Bước 1: Tạo landing-page đúng cách

Bạn cũng có thể tạo ra một landing-page thu hút và đẹp mắt mà không cần nhờ tới chuyên gia bằng cách sử dụng các phần mềm như ClickFunnels và UnBounce.

Những công cụ này cho phép bạn thiết kế được những trang web với giao diện kiểu kéo thả. Nếu bạn không giỏi thiết kế, bạn có thể sử dụng những mẫu thiết kế miễn phí hoặc thu phí thấp có sẵn trên hàng trăm trang mạng.

Đừng quá tập trung vào phần thiết kế. Bạn cần phải làm cho sản phẩm của mình thật nổi bật. Ngoài ra, bạn phải nhấn mạnh với khách hàng về công dụng của sản phẩm. Cuối cùng, hãy khuyến khích người xem để lại địa chỉ email của họ. Chẳng hạn như ẩn trang ghi nhận email đằng sau trang về thông tin giá cả.

Việc này khiến người xem nghĩ rằng sản phẩm đã có sẵn. Nếu người xem thực sự hứng thú với sản phẩm họ sẽ muốn xem giá cả và sẽ đăng ký bằng email. Sau khi thành công thiết kế landing-page, bước tiếp theo bạn cần làm là thu hút nhiều người truy cập tới trang của mình.

Bước 2: Điều hướng hướng mọi người tới landing-page bằng Google Ads

Một vấn đề nan giải nảy sinh ở đây là nếu bạn không thể thu hút mọi người thì bạn không thể kiểm nghiệm ý tưởng kinh doanh.

Có một vài cách để bạn có thể thu hút lượt truy cập. Bạn có thể sử dụng phương pháp tối ưu hóa công cụ tìm kiếm thế nhưng cách này rất mất thời gian và bạn sẽ phải chờ đời hàng tháng trời.

Một cách khác đó là chạy chiến dịch quảng cáo bằng Google Ads. Tại sao lại là Google chứ không phải là các trang mạng xã hội như Facebook? Bạn nên biết rằng có tới 3,5 tý lượt tìm kiếm trên Google mỗi ngày. Điều này có nghĩa là bạn sẽ có nhiều cơ hội để tìm được khách hàng tiềm năng.

Một lý do quan trọng khác là Google sẽ cho phép bạn trả phí cho những từ khóa có liên quan tới sản phẩm của bạn. Nếu có ai đó tìm kiếm từ khóa trùng khớp hoặc có liên quan tới từ khóa mà bạn đã trả phí, thì họ sẽ nhìn thấy quảng cáo của bạn.

Mánh khóe tiếp theo là sử dụng từ khóa có mục đích thương mại thuần túy để thu hút khách hàng. Chẳng hạn như nếu bạn đang kinh doanh về phần mềm kế toán hay chạy quảng cáo với từ khóa “phần mềm kế toán đơn giản hóa việc kiểm kê hàng hóa” (nếu sản phẩm của bạn có tính năng này) thay vì sử dụng từ khóa “phần mềm kế toán tốt nhất.” Rõ ràng là từ khóa thứ nhất có thể thu hút được nhiều khách hàng hơn.

Nhưng làm thế nào để chọn đúng từ khóa cho quảng cáo mà không tốn quá nhiều chi phí? Để làm được điều này bạn cần phải tập trung vào lợi ích mà doanh nghiệp bạn có thể mang tới cho khách hàng. Hãy đặt mình trong hoàn cảnh của khách hàng để đoán được cụm từ họ sẽ tìm kiếm.

Bước 3: Theo dõi khách hàng tiềm năng và lặp lại quy trình

Nếu có nhiều khách hàng đăng ký trên landing-page, thì ý tưởng kinh doanh của bạn rất có thể sẽ thành công trong tương lai. Bạn cần theo dõi những khách hàng này để biết được rằng liệu họ có thực sự muốn sử dụng sản phẩm của bạn hay không.

Nếu bạn không nghi ngờ về cam kết của họ, thì danh sách email sẽ trở thành danh sách khách hàng khi bạn chính thức tung ra sản phẩm trên thị trường.

Tuy nhiên nếu bạn không thể chắc chắn về tiềm năng mua hàng của những người trong danh sách email, thì bạn cần đổi mới ý tưởng và lập lại quá trình này cho đến khi nhận được kết quả mong muốn.

Việc kiểm nghiệm một ý tưởng kinh doanh không phải là một nhiệm vụ phức tạp và đắt đỏ. Landing-page là phương pháp đơn giản và tiết kiệm để giúp bạn khảo sát thị trường trước khi tung ra sản phẩm của mình. Chẳng có lý do khiến bạn không dùng tới landing-page khi thực hiện những ý tưởng kinh doanh của mình.

Hoàng Kim Dung (theo Entrepreneur)