Hai năm gần đây, các chuỗi siêu thị lần lượt nâng mức chiết khấu nhiều mặt hàng. Cá biệt, nhiều hàng thực phẩm có mức chiết khấu đến 30%. Điều này thể hiện tình trạng hoạt động không hiệu quả của các siêu thị truyền thống. Liệu ngành bán lẻ truyền thống Việt Nam có đang nối gót ngành bán lẻ truyền thống Thế Giới, chịu sụp đổ trước ngành bán lẻ trực tuyến?

Chiết khấu siêu thị tăng cao liên tục

Thực phẩm vốn là mặt hàng đòi hỏi mức chiết khấu rất cao nếu doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm vào siêu thị – dao động từ 10 – 25% (chưa kể các khoản phí khác) từ trước năm 2016. Tuy gặp nhiều phản đối, mức chiết khấu vẫn tăng liên tục không ngừng từ năm 2016 đến nay, và đã chạm đến ngưỡng 30%.

Mức chiết khấu này là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải rời bỏ siêu thị.

Thử lấy ví dụ mặt hàng chả lụa với mức chiết khấu 28%, cộng với 4% thuế bán hàng. Khi bán 1 cây chả 1kg với giá 180.000 đồng, doanh nghiệp chỉ thu về được khoảng 122.400 đồng. Trừ đi chi phí nhập hàng, chi phí sản xuất, chi phí quản lý, không thể nào lời được. Chưa kể hàng đưa vào siêu thị không được bảo quản tốt, nhanh hỏng. Một doanh nghiệp chia sẻ rằng sau 1 năm đưa hàng vào siêu thị, họ đã lỗ gần 200 triệu đồng và đành phải rút hàng.

Lợi nhuận cao thì ai cũng thích, nhưng siêu thị cũng cần phải duy trì sự đa dạng trong mặt hàng nếu muốn thu hút và giữ chân khách hàng. Việc tăng chiết khấu quá cao làm nhà cung cấp rời bỏ siêu thị không khác gì hy sinh tương lai để tồn tại trước mắt – cực chẳng đã mới phải làm như vậy.

Doanh thu 1 số doanh nghiệp lớn trong hệ thống Big C Việt Nam – Nguồn: Cafef

Nếu nhìn vào doanh thu của 1 số chi nhánh Big C những năm gần đây, ta thấy Big C đang rơi vào quãng thời gian sụt giảm doanh số mạnh và liên tục. Đây có lẽ là lý do Big C phải tăng chiết khấu đề bù lại lợi nhuận. Và họ đã chọn tăng chiết khấu mạnh mặt hàng thực phẩm – mặt hàng mà nhà cung cấp rất phụ thuộc vào siêu thị – 1 hành động ép giá đúng nghĩa.

Từ năm 2016 – 2018, doanh số sụt giảm ngày càng nhanh đi kèm với chiết khấu tăng càng ngày càng nhanh. Tuy nhiên trong giai đoạn này, bối cảnh ngành bán lẻ nói chung của Việt Nam vẫn tăng trưởng đều – Năm 2017, doanh thu bán lẻ Việt Nam đạt con số kỷ lục 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2016.

Cho thấy các siêu đang mất thị phần rất nhanh vào tay những đối thủ cạnh tranh khác. Cụ thể là 2 nhóm cạnh tranh rất nổi, 1 – các chuỗi cửa hàng tiên lợi với chi phí vận hành thấp như: Circle K, Family Mart, Vingroup, và 2 – các trang thương mại điện tử ngày càng tiếp cận được nhiều khách hàng như: Tiki, Lazada, Lotte, Adayroi, Sendo, v.v…

Đây không phải chỉ là câu truyện giành giật thị trường thông thường. Đây có thể là 1 cuộc lật đổ của những loại hình bán lẻ mới đối với những ông lớn bán lẻ truyền thống. Cuộc lật đổ này đã xảy ra trên toàn Thế Giới, những chuỗi siêu thị nổi danh hàng trăm năm nhưng chậm chạp trong thay đổi đã trở thành người phá sản đầu tiên.

Sự sụp đổ của các ông lớn bán lẻ trên Thế Giới

Giá trị thị trường của các ông lớn trong ngành bán lẻ – Trong 10 năm, duy nhất Amazon tăng trưởng dương.

Năm 2017, theo nghiên cứu của AlixPartners, 26 nhà bán lẻ truyền thống lớn đã nộp đơn phá sản. Trong đó có Toys “R” Us – hãng bán lẻ đồ chơi danh tiếng toàn cầu.

Năm 2018, số lượng những nhà bán lẻ nộp đơn phá sản không có dấu hiệu dừng lại. Trong đó có Sears – nhà bán lẻ truyền thống hơn 100 năm tuổi ở Mỹ

Theo bảng thống kê về giá trị thị trường phía trên, trong vòng 10 năm tất cả những ông trùm bán lẻ truyền thống đều suy thoái, mất thị phần cho bán lẻ trực tuyến, dẫn đến bờ vực phá sản.

Duy nhất Walmart đảo ngược được đà suy thoái của mình. Bí quyết của họ là thay đổi – Giữa năm 2015, Walmart chạy chương trình Shipping Pass giảm mạnh cước vận chuyển các đơn hàng trực tuyến. Tháng 9/2016, Walmart mua lại Jet.com – startup thương mại điện tử.

Nhờ đi theo xu hướng bán lẻ trực tuyến – xu hướng thống trị ngành bán lẻ Thế Giới vài năm qua – Walmart đã đón kịp con sóng doanh thu. Sau 2 giảm sút, năm 2018 họ đã tăng doanh thu trở lại, đạt mức kỷ lục 500,3 tỷ USD.

Giải quyết được doanh thu, tuy nhiên lợi nhuận của Walmart lại giảm tới 23,2% so với 2017. Một phần nguyên nhân là do họ bắt buộc phải tăng lương cho 2,2 triệu nhân công của mình trước sức ép dư luận.

Chi phí là 1 bài toán khác các siêu thị truyền thống phải giải quyết. Và đó là lúc làn sóng thứ 2 nổi lên – xu hướng siêu thị không nhân viên.

Người đang tiên phong cho xu hướng này là Amazon và Alibaba: họ thay thế hoàn toàn nhân viên bằng camera cảm biến, robot, QR code, và mã vạch. Hoặc ở mức độ thấp hơn, các cửa hàng tiện lợi Circle K, Family Mart được vận hành với chỉ 1 – 2 nhân viên tại 1 thời điểm.

Xu hướng giúp tiết kiệm được 1 khoản chi phí cực kỳ lớn phải chi cho nhân công, giảm chi phí vận hành. Giúp họ có thể bán hàng rẻ hơn so với các siêu thị truyền thống, và cung cấp cho khách hàng trải nghiệm mua hàng tiện lợi, nhanh chóng hơn.

“Xu hướng bán lẻ trực tuyến với con sóng doanh thu” “Xu hướng siêu thị không nhân viên với con sóng chi phí” được cho là sẽ nhấn chìm ngành bán lẻ truyền thống trong vài năm tới, và thống trị ngành bán lẻ toàn cầu.

Đã đến lúc cho sự thay đổi

Mọi thứ đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết, chậm chân đồng nghĩa với chết. Ngành taxi đã chứng kiến Vinasun và Mai Linh chật vật thế nào. Ngành dịch vụ lưu trú đã chứng kiến sự bành trướng của homestay và AirBnB.

Ngành bán lẻ cũng vậy, những con sóng đang làm chao đảo những ông lớn bán lẻ truyền thống. Những gợn sóng đã bắt đầu đập vào Việt Nam, nếu không nhanh chân bán lẻ truyền thống nước ta sẽ phải chịu chung số phận.

Hoàng Phi