Dù là thiết bị, ứng dụng, hoặc trang web, sản phẩm công nghệ chỉ phù hợp với bạn (và hơn thế là phù hợp một cách lâu dài) khi nó không rối rắm và giúp bạn dễ dàng tận dụng tối đa công năng của nó. Sau đây là một vài yếu tố để bạn cân nhắc trước khi quyết định:

1. Thiết kế gọn và rõ

Thiết kế sản phẩm phải làm cho trải nghiệm sử dụng trở nên trơn tru và thoải mái. Tôn chỉ này áp dụng cho bất kì sản phẩm công nghệ nào từ máy tính bàn và TV đến thiết bị đeo và ứng dụng. Nếu bạn tìm mua loa không dây và bắt gặp một sản phẩm có phím chức năng không được ghi rõ và có vấn đề kết nối với thiết bị di động của bạn, bạn nên dành cơ hội sử dụng cho một sản phẩm khác.

2. Bỏ qua những sản phẩm gây khó khăn khi sử dụng

Máy in phun có một vài tính năng hấp dẫn, nhưng tôi thường có trải nghiệm sử dụng không mấy vui vẻ với chúng: hộp mực máy in phun dường như được thiết kế để… đánh đố người dùng vậy.

Suốt thời gian tôi dùng máy in phun, hầu hết các máy đều hiển thị yêu cầu thay hộp mực ngay cả khi tôi vẫn có thể in được nhiều trang nữa; điều này có nghĩa máy in không thể hiện chính xác lượng mực còn lại, và nếu tôi thay mực quá sớm thì đã lãng phí mực dư và tiền mua mực mới.

Tình huống trên là ví dụ tiêu biểu cho vấn đề thiết kế sản phẩm không đạt kì vọng – hoặc tệ hơn là thiết kế sản phẩm một cách mập mờ nhằm moi tiền khách hàng.

3. Quan tâm đến cách bạn tìm hiểu và sử dụng công nghệ

Với hầu hết sản phẩm, bạn chỉ cần một món đồ hoặc ứng dụng đơn giản nào đó. Với những người mong muốn một chút đa năng hay phức tạp thì sẽ cần thêm thời gian để tìm hiểu một sản phẩm khác đầy đủ tính năng hơn.

Nếu sự đa năng phức tạp ấy giúp người dùng hiểu biết hơn và tận dụng tốt sản phẩm, việc chi thêm tiền cũng không vấn đề gì. Lấy ví dụ về máy ảnh: nếu bạn sắm một chiếc máy ảnh tối tân, bạn có thể học hỏi để rồi cho ra đời những tác phẩm sáng tạo bậc nhất; nhưng chiếc máy ảnh ấy sẽ rất phí nếu bạn chỉ dùng nó để chụp hình sống ảo.

4. Đừng quên tham khảo đánh giá và dùng thử

Đây là hai bước “bắt buộc” thực hiện trong bất kì lần mua hàng nào, và có rất nhiều cách để thực hiện:

  • Với ứng dụng: tham khảo đánh giá trên trang kho ứng dụng, sau đó tải về dùng thử một thời gian. Một số ứng dụng cho phép người dùng sử dụng phiên bản giới hạn (chỉ gồm những chức năng cơ bản) trước khi có quyết định đầu tư cho phiên bản đầy đủ hay không.
  • Với thiết bị công nghệ: bạn có thể trải nghiệm thiết bị mượn của bạn bè hoặc người thân, hoặc thậm chí thuê thiết bị. Với những món đồ lớn như TV, hãy ghé thăm nhà một người quen nào đó có sử dụng thiết bị đó hoặc tương tự để tự mình xem và dùng chúng.

5. Tham khảo cuốn hướng dẫn sử dụng

Cuốn hướng dẫn sử dụng là công cụ đánh giá liệu nhà sản xuất/nhà phát triển có thực sự quan tâm đến khách hàng khi cho ra mắt sản phẩm hay không.

Tôi từng sắm một chiếc máy quét có phần hướng dẫn rất sơ sài – không ngạc nhiên khi tôi chẳng mấy khi dùng nó. Ngược lại, tôi từng đánh giá một chiếc máy hình kĩ thuật số có rất nhiều bản hướng dẫn được trình bày gọn ghẽ nhưng đầy đủ, tích hợp luôn trên danh mục hiển thị – rất hữu ích cho không chỉ người mới chụp ảnh mà cả những phó nháy chuyên nghiệp.

6. Mạnh dạn từ bỏ sản phẩm

Trải nghiệm trót mua sản phẩm rồi sau đó bối rối không biết “nên bỏ hay nên vương” là một trải nghiệm đáng tiếc thường gặp, nhưng hãy cố gắng… đừng tiếc sản phẩm đó.

Nếu một ứng dụng được đánh giá cao đến mấy nhưng không phù hợp với nhu cầu của bạn, hãy cứ xóa nó đi. Đối với những thiết bị đắt tiền hơn, bạn cần tìm hiểu và cân nhắc kĩ trước khi quyết định, nhưng vẫn phải áp dụng chiến lược quyết đoán: nếu sản phẩm vẫn không phù hợp (với nhu cầu hay với ngân sách của bạn) ngay cả khi bạn đã biết và suy nghĩ về nó, bạn không nên gắn bó với nó nữa – gửi trả nó, hoặc tốt hơn là bán nó đi.

7. Cập nhận thông tin về những công nghệ cần thiết với bạn

Rõ ràng là bạn không thể tìm cho mình một sản phẩm ưng ý nếu bạn không biết thế giới công nghệ đang có những gì và đang thay đổi như thế nào.

Trở lại với lĩnh vực nhiếp ảnh: giả sử bạn đang tìm mua một chiếc máy ảnh cao cấp ở thời điểm cách đây 10 năm, bạn sẽ muốn sắm một chiếc máy ảnh phản xạ ống kính đơn có kính ngắm quang học – lí do là vì công nghệ kính ngắm điện tử thời ấy… chán hết chỗ nói. Còn hiện tại: kính ngắm điện tử rõ và nét không khác gì kính ngắm quang học, và bạn sẽ không phải khăng khăng tìm loại quang học nữa.

Thế giới công nghệ đầy cạnh tranh hiện nay đang dần hướng tới việc mang lại cho người dùng sự tiện lợi và trực quan khi sử dụng. Những bí quyết trên đây sẽ giúp người dùng chọn cho mình những sản phẩm công nghệ phù hợp và thân thiện – góp phần làm cho tính đơn giản trở nên phổ biến và trở thành tiêu chuẩn của mọi sản phẩm công nghệ.

Quốc Huy (theo NYTimes)