Xedike cung cấp chỗ ngồi trống trên các xe dưới 9 chỗ cho những người có nhu cầu di chuyển giữa các thành phố, giúp tài xế tăng thu nhập và tiết kiệm chi phí cho hành khách.

Hoàng Kim Anh Tú, người đại diện dự án khởi nghiệp Xedike cho biết, năm 2015, thông qua mạng xã hội Facebook, các trang và nhóm đăng tin ghép xe, đi chung xe phát triển. Các tài xế chở các hướng dẫn viên du lịch đi thường chạy không chiều về. Tình trạng ấy tạo ra một nguồn cung xe trống chỗ.

Đến năm 2016, rất nhiều trang, nhóm trên mạng ra đời để kết nối hành khách và tài xế.

“Tuy nhiên, khi thị trường mở rộng thì vấn đề chất lượng là một câu hỏi lớn vì kết nối trên mạng xã hội rất khó đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Vì thế, chúng tôi muốn có một nền tảng tốt hơn, giúp tài xế và khách hàng có thể kết nối và hoạt động một cách an toàn và tuân thủ đúng pháp luật.

Xedike hoạt động theo mô hình Sàn giao dịch thương mại điện tử, với trụ sở ở thành phố Đà Nẵng. Nhân sự Xedike gồm 5 thành viên chính thức và 3 người làm bán thời gian. Với trang Xedike.vn, họ tập trung vào phát triển thị trường bằng cách liên hệ, hợp tác, hỗ trợ các nhà xe trên các tuyến phù hợp.

Sau 3 tháng vận hành trang Xedike.vn, công ty sắp đón nhận thành viên thứ 1.000. Đây là con số chứng minh sự phản hồi tích cực từ khách hàng.

“Bằng thuật toán theo thời gian thực, chúng tôi giúp giảm thiểu trung bình gần một tấn khí CO2 với mỗi chuyến xe”, anh Tú nói.

Khó khăn và thuận lợi của mô hình kinh doanh

Dự án Xedike ra đời khi các nền tảng kết nối khác đã vào Việt Nam như Uber, Grab. Họ đã giúp người sử dụng hiểu bản chất của kết nối điện tử trong vận tải.

Song, theo Tú, dự án Xedike khác biệt với Uber, Grab ở rất nhiều điểm. Thứ nhất, dự án tập trung vào nhu cầu di chuyển đường dài, cụ thể là giữa các thành phố thuộc tỉnh. Thứ hai, giá của Xedike do tài xế hoặc nhà xe đưa ra. Dịch vụ không tăng hay giảm giá vé theo thời tiết hay điều kiện giao thông.

“Trong quá trình thực hiện dự án suốt 3 tháng qua, chúng tôi gặp vô vàn trở ngại. Mọi người quen kết nối trên mạng xã hội nên họ cảm thấy ngại khi sử dụng nền tảng Xedike.vn (phải đăng nhập các thông tin trên website). Nhưng chúng tôi tin rằng, cơ chế đăng ký thông tin cùng chính sách bảo mật mà chúng tôi đăng ký Bộ Công Thương sẽ đảm bảo việc kết nối cho cả tài xế và hành khách”, Tú khẳng định.

Vấn đề pháp lý cũng là một khó khăn của Xedike.vn. Hiện tại Nghị định 86 vẫn chưa có những quy định cho việc kết nối qua phương thức Hợp đồng điện tử mà dự án ứng dụng. Tuy nhiên, ngày 21/5 Bộ Giao thông Vận tải đã thông qua chủ trương lấy ý kiến về việc sửa đổi, theo đó Bộ sẽ dành hẳn một chương để làm rõ hoạt động kết nối Hợp đồng điện tử. Chủ trương ấy sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Về định hướng phát triển, Tú mong muốn sau khi hoàn thành các yếu tố nội tại và khung pháp lý, nhóm sẽ thành lập văn phòng ở các thành phố khác như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Hiện tại dự án Xedike tập trung phát triển ở 7 tỉnh thành phố miền Trung. Nhóm sẽ dành thời gian tập trung phát triển phiên bản ứng dụng trên điện thoại di động để việc kết nối tài xế và hành khách trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn nữa.

Văn Luận – Kinh tế & Tiêu dùng

Bài gốc