Dự án khởi nghiệp ứng dụng các vi mạch điện tử này do một nhóm các kỹ sư trẻ tại TP.HCM sáng chế nhằm tạo ra một hệ thống đèn đường thông minh với tên gọi Vilight.

Đèn đường thông minh được các thành viên dự án Vilight lắp đặt tại TP. Hội An, Quảng Nam. Ảnh: NVCC.

Điều khiển chiếu sáng thông minh

Dự án đặt mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng các vi mạch điện tử vào các sản phẩm công nghệ cao áp dụng cho lĩnh vực chiếu sáng công cộng tại TP.HCM và trên cả nước.

Hệ thống này sẽ kết hợp với công nghệ phần mềm trên nền bản đồ GIS. Tất cả các thông tin dữ liệu cần thiết cho hệ thống chiếu sáng đều được thể hiện đầy đủ. Điều này giúp người quản lý có thể quản lý hiệu quả, vận hành linh hoạt hệ thống chiếu sáng từ xa.

Theo kỹ sư Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng dự án Vilight, “bộ não” của hệ thống là bộ điều khiển trung tâm (Icenter) có chức năng giám sát, thu thập dữ liệu đèn hiện trường và điều khiển theo thời gian thực các hoạt động đóng cắt, tiết giảm tới từng bộ đèn.

Bộ điều khiển này sẽ kết nối không dây với trung tâm điều hành qua sóng GPRS/3G/LTE/4G, có khả năng hoạt động ngay cả khi rớt mạng. Tất cả dữ liệu truyền hai chiều ở dưới dạng mã hóa nên hoàn toàn được bảo mật

Ngoài ra, hệ thống còn được trang bị thiết bị cảm biến cường độ ánh sáng. Thiết bị cảm biến này hoạt động theo nguyên lý chuyển đổi quang – điện kết hợp với thuật toán để tính ra giá trị cường độ ánh sáng.

Giá trị sau tính toán sẽ được truyền về bộ bộ điều khiển trung tâm hoặc truyền trực tiếp về máy chủ thông qua đường truyền GPRS. Thiết bị lắp đặt trên trụ hạ thế của điện lực hoặc các trụ đèn chiếu sáng.

Tiếp đến là bộ điều khiển, giám sát và tiết giảm công suất IDIM cho phép tiết giảm sâu tới 70% công suất tiêu thụ trên đèn, sử dụng giải thuật thông minh. Hệ thống này tích hợp với các tủ điều khiển từ xa tiết giảm năng lượng

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một phần mềm (Smartware) có nhiệm vụ giám sát, hiển thị trạng thái hệ thống chiếu sáng thông minh theo thời gian thực. Phần mềm cũng giúp người quản lý điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng như đóng, cắt, tiết giảm năng lượng cho toàn hệ thống hoặc từng nhánh, từng đèn riêng rẽ, theo chương trình. Giao diện ứng dụng tại máy tính trung tâm với bản đồ GIS.

Phần mềm cũng tích hợp chức năng quản lý dữ liệu về tình trạng hệ thống theo thời gian, như: Thống kê các dữ liệu hoạt động (dòng điện, điện áp, công suất); Thống kê điện năng tiêu thụ theo thời gian; Biểu diễn dữ liệu theo biểu đồ, cảnh báo sự cố.

Đại diện dự án Vilight (đứng) giới thiệu về giải pháp công nghệ của mình trước các thành viên hội đồng chuyên môn. Ảnh: NVCC.

Phù hợp hơn thiết bị ngoại nhập

Hiện tại, nhóm được cấp giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, với giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục bản quyền tác giả chứng nhận cho sản phẩm “Phần mềm quản lý, giám sát, điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng Smartware” (viết tắt là phần mềm Smartware).

Theo Lê Quốc Trí, thành viên nhóm, nói rằng khảo sát trên thị trường chưa thấy các sản phẩm tương tự từ các đơn vị trong nước. Giải pháp từ các sản phẩm nước ngoài sau thời gian thử nghiệm tại TP.HCM thì được đánh giá là không phù hợp với thực tiễn hệ thống chiếu sáng của thành phố.

“So với các sản phẩm khác, các sản phẩm của Vilight đáp ứng đầy đủ các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật do Sở Giao thông Vận tải TP.HCM ban hành. Các sản phẩm của chúng tôi thiết kế hoàn toàn phù hợp với thực trạng hệ thống chiếu sáng và hạ tầng lưới điện của Việt Nam”- Trí tự tin.

Tuy nhiên, các thành viên nhóm chia sẻ, hiện họ đang gặp khó khăn trong việc lấy các chứng chỉ chất lượng, do các cơ quan cung cấp nằm ở nước ngoài và tìm nguồn linh kiện chất lượng với giá cả hợp lý. Các linh kiện hầu hết đều phải nhập từ nước ngoài, tốn kém nhiều chi phí, thời gian. Ngoài ra nhóm còn gặp khó khăn trong việc chế tạo khuôn mẫu, mẫu mã thiết bị.

“Vì vậy chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ về các công cụ kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm, hỗ trợ về thiết kế khuôn mẫu thiết bị và marketing cho sản phẩm”- Nguyễn Tấn Thuận, thành viên nhóm bày tỏ.

Hà Thế An – Khampha.vn

Bài gốc