Fintech Việt Nam phát triển nhờ tỷ lệ phổ biến của Internet, điện thoại thông minh và sự phát triển của thương mại điện tử… Trong xu thế đó, Đà Nẵng chắc chắn có thể thành trung tâm của công nghệ Fintech.

Ngày 30/06/2018, Fintech Day 2018 do FSG (Financial Services Group) – đơn vị chuyên mảng tài chính của FPT Software – lần đầu tiên được tổ chức  tại Công viên Phần mềm Đà Nẵng. Chương trình thu hút gần 300 sinh viên CNTT, người đam mê công nghệ cùng lãnh đạo các trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Đại học FPT, Đại học Greenwich (Việt Nam) …

FinTech Day Đà Nẵng 2018 có sự góp mặt của các diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech) gồm ông Trần Thanh Hùng, Phó Giám đốc FSG; ông Nguyễn Văn Tiến, FPT Software (Business Solution Technology); ông Hồ Phú Hiển, FPT Software (Solution Architect); ông Nguyễn Chí Hoàng, FPT Software (Business Solution Technology); ông Lương Trí, FPT Software (Project Manager); ông Vincent Royce, CEO SmartDev; ông Bùi Việt An, Miyatsu Việt Nam và Tiến sĩ Anand Nayyar – Giảng viên trường Đại học Duy Tân

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng cho biết: Fintech (financial technology – công nghệ tài chính-PV) được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng Internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.

Fintech được chia thành 2 nhóm: nhóm thứ nhất là các công ty phục vụ người tiêu dùng, cung cấp công cụ kỹ thuật số để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các startup; nhóm còn lại là những công ty thuộc dạng “back-office” hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính.

Theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường Fintech ở Việt Nam là sân chơi dành cho các ông lớn trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ và dịch vụ Internet. Các startup hiện có trên thị trường thực tế đang là sân sau của một số ông lớn hoặc được đầu tư nguồn vốn khổng lồ.

“Số lượng các công ty Fintech tăng trưởng mạnh thời gian gần đây. Hàng loạt công ty công nghệ tài chính ngoại đang chen chân vào thị trường Việt Nam, nơi được đánh giá là rất hấp dẫn vì dân số trẻ, đam mê công nghệ. Tôi cho rằng Fintech Việt Nam phát triển nhờ tỷ lệ phổ biến của Internet, điện thoại thông minh và sự phát triển của thương mại điện tử… Trong xu thế đó, Đà Nẵng chắc chắn có thể thành trung tâm của công nghệ Fintech”, ông Nguyễn Tuấn Phương nhận định.

Ông Trần Thanh Hùng, FPT Under 35 lĩnh vực Lãnh đạo trẻ, Phó Giám đốc FSG – đơn vị chuyên mảng tài chính của Phần mềm FPT, giúp khách mời có cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển của Fintech tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Fintech là thuật ngữ để chỉ ngành cung cấp các dịch vụ tài chính trên các nền tảng công nghệ. Theo báo cáo FinTech toàn cầu 2017 từ PwC (một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới-PV), kết quả khảo sát dựa trên 1308 người (thành phần gồm các CEO, giám đốc, trưởng các bộ phận IT, số hóa, công nghệ; các quản lý cấp cao đến từ 71 quốc gia trên thế giới), 82% mong đợi các đối tác FinTech sẽ tăng trưởng trong 3-5 năm tới; 77% mong đợi Blockchain được áp dụng như một phần của hệ thống các dịch vụ tài chính vào năm 2020; 20% mong đợi sự tăng trưởng của chỉ số ROI (tỷ lệ lợi nhuận ròng so với chi phí) hàng năm trong các dự án liên quan đến FinTech…

Nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ, ông Nguyễn Minh Chiến đến diễn đàn FinTech Day Đà Nẵng 2018 với mong muốn hiểu hơn về các ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Theo ông, Fintech tại Việt Nam đang trên đà phát triển. Hiện Việt Nam cũng là môi trường thuận lợi để những startups về lĩnh vực này có thể phát triển và vươn xa đến các nước trong khu vực.

“Chúng tôi cần những tập đoàn lớn như FPT hỗ trợ về mặt thông tin lẫn định hướng phát triển. Sự kiện còn đánh dấu cho quá trình hội nhập của Fintech tại Đà Nẵng”, anh Nguyễn Minh Chiến chia sẻ.

Bên lề sự kiện, các diễn giả cùng một số đối tác ngoài FPT đã trao đổi, chia sẻ và định hướng về nền tảng công nghệ Blockchain, Trí tuệ nhân tạo (AI), Tự động hóa (RPA), Trí tuệ doanh nghiệp (BI), Dữ liệu lớn (Big data) hay Phân tích dữ liệu (Data Analytics) …

Đoàn Hạnh – ICTNews

Bài gốc