Quỹ CyberAgent Capital do “shark” Dzung Nguyễn quản lý và Ncore Ventures vừa rót vốn vào nền tảng tư vấn tài chính TheBank.vn (thuộc công ty Samo). Cùng với Momo, Finhay… những thương vụ rót vốn gần đây vào fintech cho thấy sự tiếp tục chuyển mình của thị trường tài chính số Việt Nam.

Nền tảng tư vấn tài chính TheBank.vn nhận được hậu thuẫn từ CyberAgent Capital và Ncore

CTCP Công nghệ và Truyền thông Samo công bố hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên cho website tư vấn tài chính trực tuyến TheBank.vn, với khoản đầu tư từ Quỹ CyberAgent Capital và Ncore. Samo chưa tiết lộ số tiền cụ thể.

Tại Việt Nam, CyberAgent Capital (CA Capital), tiền thân là CyberAgent Ventures không còn là cái tên xa lạ khi đã đầu tư vào hơn 30 startup trong lĩnh vực internet, công nghệ tại Việt Nam.

Giám đốc điều hành CA Capital Việt Nam là ông Nguyễn Mạnh Dũng – “shark” Dzung Nguyễn được biết là cá mập mát tay, góp phần làm nên thành công cho nhiều tên tuổi lớn như Foody, Tiki, VNG, Topica…

Còn Ncore Ventures là một quỹ đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc thường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ từ giai đoạn Seed (hạt giống) đến Series C ở Đông Nam Á, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

TheBank.vn được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2014, là nền tảng giúp so sánh, đánh giá các sản phẩm như thẻ tín dụng, vay tín chấp, vay thế chấp, lãi suất gửi tiết kiệm và các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ. Từ đó, công ty sẽ tư vấn, kết nối khách hàng, cung cấp giải pháp phân phối sản phẩm tài chính trọn gói cho ngân hàng và công ty bảo hiểm trên nền tảng công nghệ.

Sau 4 năm hoạt động, TheBank.vn có gần 20 triệu lượt truy cập, phục vụ hơn 1 triệu khách hàng, 1.300 sản phẩm tài chính được phân loại và so sánh, có hơn 24.000 thành viên là chuyên gia tài chính hoạt động trên website để tương tác tư vấn khách hàng.

TheBank.vn là đối tác số với gần 30 ngân hàng và tổ chức tài chính như Standard Chartered, HSBC, ANZ, Shinhanbank, VPBank, EVN finance, TPBank finance… và các công ty bảo hiểm lớn tại Việt Nam như Prudential, Manulife, Chubblife, Liberty.

Cơ hội rộng đường cho Fintech Việt

Trên thế giới đã có những “kỳ lân” thành công với nền tảng so sánh trong lĩnh vực tài chính kể đến như moneysupermarket.com hay bankrate.com. Tại Đông Nam Á, C88, Imoney.my, smartmoney.sg… cũng là những thương hiệu giá trị hàng chục triệu USD.

Ở Việt Nam, TheBank.vn đánh giá dư địa mở mang thị trường khách hàng trong nước là điểm hấp dẫn nhất, với 41% người trưởng thành Việt Nam chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng và chỉ 8% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Công ty nhận định, trong 2 – 3 năm qua, sự gia tăng tầng lớp thu nhập khá mới nổi không chỉ ở các thành phố chính của Việt Nam mà mở rộng ra cả các tỉnh trọng yếu đang tạo thành động lực tăng trưởng cho thị trường.

Thẻ tín dụng, vay tiêu dùng là nơi ngân hàng đang ráo riết giành thị phần, còn bảo hiểm là tương lai phát triển. Thị trường đang tăng trung bình hàng năm ở mức 15 – 20%, quy mô thị trường bảo hiểm nhân thọ, vay tiêu dùng dự đoán sẽ tăng lên 40% trước năm 2020, đạt 14 tỉ USD.

Với số vốn đầu tư lần này, TheBank.vn dự kiến cung cấp người dùng các mẫu đăng ký theo từng dịch vụ vay vốn, mở thẻ, bảo hiểm dẫn tới việc tự đánh giá và chọn ra các sản phẩm tài chính sát nhất với nhu cầu hiện tại của mình.

Công ty cũng lên kế hoạch trở thành nhà cung cấp giải pháp phân phối sản phẩm tài chính công nghệ bigdata, eKYC, Chatbot và Credit scoring.

Ông Nguyễn Đạt, Tổng Giám đốc của công ty Samo, chia sẻ: “Rất đễ để chúng ta bàn về các tiềm năng, nhưng để phát triển một công ty dịch vụ tài chính online không đơn giản. Phải hiểu tính chất khách hàng để đạt hiệu quả của dịch vụ, vậy nên sự kết nối chất lượng mới là điều quan trọng. Chúng tôi đã có những kinh nghiệm quan trọng chuẩn bị cho việc tăng trưởng nhanh và mạnh khối khách hàng của mình”.

Ông Dzung Nguyễn, Giám đốc Quỹ đầu tư CA Capital Việt Nam, đánh giá :“Với sự lan rộng hành vi tiêu dùng dựa trên công nghệ và sự quan tâm đến trải nghiệm mấy năm gần đây, tiềm năng của mảng dịch vụ trong các công ty fintech là rất lớn. Vấn đề bây giờ chính là đầu tư mạnh mẽ, thực thi đúng cách”.

Đứng trước làn sóng 4.0, Châu Á là điểm nóng của fintech (công nghệ ngân hàng) và insurtech (công nghệ bảo hiểm). Báo cáo của Topica Founder Institue (TFI) cho biết tại Việt Nam, vượt qua thương mại điện tử và các ngành khác, fintech là lĩnh vực nhận nhiều vốn nhất từ giới đầu tư trong năm 2018.

Những thương vụ rót vốn gần đây vào Momo, Finhay hay TheBank.vn… cho thấy sự tiếp tục chuyển mình của thị trường tài chính số Việt Nam, hướng tới một cục diện mới có lợi cho người dùng. Tương lai gần, các mảng dịch vụ truyền thống của ngành tài chính sẽ được hỗ trợ, đồng thời đứng trước những thách thức lớn.

Theo Tuệ An – Vietnambiz

Bài gốc