Nói đến các cuộc chiến công nghệ, ắt hẳn chúng ta đều nhớ đến một số ‘cuộc chiến’ đã diễn ra ở thị trường Việt Nam trong khoảng vài năm trở lại đây:

2012 – 2014: Cuộc chiến của các ứng dụng chat OTT

Các ứng dụng chat như Zalo, WeChat, Viber, Kakaotalk, Line cạnh tranh nhau và đổ tiền quảng cáo để thu hút người dùng. Cuối cùng, chúng ta có thể nói rằng Zalo là ứng dụng chiến thắng và hiện đang nắm phần lớn thị phần về ứng dụng chat tại Việt Nam với số lượng người dùng và mức độ phủ lớn nhất: 80 triệu người dùng và khoảng 45 triệu người sử dụng hàng tháng.

2013 – 2016: Cuộc chiến của các trang thương mại điện tử

Các nền tảng thương mại điện tử như Lazada, Adayroi, Tiki, Sendo cũng như các trang web khác cạnh tranh một cách khốc liệt nhằm giành lấy ngôi vị dẫn đầu. Lưu ý là nhiều trang thương mại điện tử đã có mặt trên thị trường Việt Nam từ trước đó, nhưng trận chiến chỉ thực sự bắt đầu khi Lazada bước chân vào thị trường và kéo theo sự xuất hiện của nhiều đối thủ nội địa.

Kết quả: Lazada chiến thắng và trở thành website thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam và được Alibaba mua lại với tổng giá trị hơn 3,5 tỷ USD cho toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á.

2014 – 2017: Cuộc chiến của các ứng dụng gọi xe

Uber và Grab đổ bộ vào Việt Nam vào năm 2014 và từ đó bắt đầu một cuộc chiến không khoan nhượng nhằm giành giật thị phần. Sau 3 năm cạnh tranh khốc liệt, kết cuộc đã có phần ngã ngũ: Grab đã có thể tạm gọi là thôn tính thị trường Việt Nam (và Đông Nam Á – trừ Indonesia), Uber giảm thiểu rõ rệt các hoạt động và dịch vụ tại Việt Nam.

Đã có một số thông tin không chính thức về việc Grab dự tính mua lại mảng hoạt động của Uber tại Đông Nam Á. Tuy nhiên cũng có nguồn tin cho rằng Uber sẽ tiếp tục bám trụ thị trường. Dù là thế nào thì trong năm 2018 này chúng ta sẽ thấy kết quả.

Đó là câu chuyện từ quá khứ đến hiện tại. Trong thời gian sắp tới đây chúng ta sẽ chứng kiến gì tiếp theo? Dưới đây là một số nhận định của người viết:

2018 – 2020: Cuộc chiến về thanh toán

Cuối năm 2017, đầu năm 2018, có một số thông tin lan tỏa về sự xuất hiện của Go-jek, đối thủ mảng gọi xe đến từ Indonesia, nơi mà cả Grab và Uber hiện vẫn đang chật vật với đối thủ nội địa này, sẽ mở rộng thị trường sang Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác.

Nhiều người nghĩ rằng đây sẽ là sự tiếp tục của cuộc chiến gọi xe. Tuy nhiên, cuộc chiến gọi xe đã kết thúc, cuộc chiến tiếp theo mà các tay chơi này hướng tới chính là cuộc chiến về thanh toán.

Grab trong một thời gian ngắn đã liên tục có các thương vụ mua lại các công liên quan đến thanh toán hoặc thương mại điện tử nhằm củng cố chiến lược về thanh toán của công ty này.

Năm 2017, Grab mua lại Kudo – nền tảng công nghệ thương mại điện tử, liên kết hỗ trợ thanh toán online và offline. Đầu năm 2018, Grab mua lại iKaaz, một startup về thanh toán tại Ấn Độ.

Và hiện tại cũng đang có thông tin chưa chính thức rằng có thể Grab đã mua lại một ví điện tử (xin giấu tên) ở Việt Nam trong một thương vụ định giá khoảng hơn 20 triệu đô. Sản phẩm chủ lực của Grab trong cuộc chiến này sẽ là nền tảng thanh toán GrabPay.

Go-jek bản thân cũng đang nắm giữ một thị phần không nhỏ về thanh toán điện tử tại Indonesia khi trong khoảng cuối năm 2017 đã công bố việc mua lại cùng một lúc 3 công ty công nghệ fintech tại Indonesia là Kartuku – công ty thanh toán offline lớn nhất, Midtrans – cổng thanh toán online hàng đầu và Mapan – hệ thống cho vay và tiết kiệm cộng đồng.

Ngoài ra Go-jek sở hữu Go-Pay là một trong những tính năng thanh toán với hàng triệu người dùng mỗi ngày chi trả cho chính các dịch vụ trên hệ sinh thái của ứng dụng này. Cái Go-Pay làm tiếp theo sẽ là mở rộng nền tảng thanh toán này ra khỏi hệ sinh thái dịch vụ của nó và tiếp cận đến nhiều nhu cầu dịch vụ bên ngoài hơn.

Đối thủ của 2 tay chơi này tại thị trường Việt Nam bao gồm các ứng viên tiềm năng từ nội địa như Momo – startup được đầu tư bởi Standard Chartered, ZaloPay – ứng dụng thanh toán từ unicorn đầu tiên của Việt Nam VNG.

Tiếp đó phải kể đến các ông lớn từ nước ngoài như Alipay thuộc Alibaba, Apple Pay hay Samsung Pay hiện đang quảng cáo rầm rộ. Các ngân hàng nội địa sở hữu các ứng dụng thanh toán riêng và các ngân hàng số như Timo cũng là những đối thủ nằm trong cuộc chơi này.

Cuộc chiến lớn chuẩn bị bắt đầu, ai thắng ai thua sẽ còn khoản vài năm nữa mới biết nhưng kẻ chiến thắng trong cuộc chiến này tương tự như người thắng các cuộc chiến trước, sẽ nắm một phần lớn thị phần về thanh toán trực tuyến tại Việt Nam và sẽ có một lợi thế lớn cho cuộc chiến nền tảng đa nhiệm tiếp theo.

2018 – 2020: Cuộc chiến các dịch vụ on-demand

Cùng thời điểm của cuộc chiến thanh toán thì các ứng dụng on-demand sẽ vẫn tiếp tục cạnh tranh nhau mạnh mẽ nhưng lúc này không còn gói gọn trong dịch vụ gọi xe nữa mà sẽ lan rộng hơn.

Grab, Uber hoặc Go-jek sẽ là đối thủ của nhau trên hầu hết các mặt trận lớn từ vận chuyển người cho đến hàng hóa, thực phẩm. Trong mảng giao thức ăn, phía nội địa sẽ có sự tham gia của Foody / DeliveryNow, Vietnammm.

Giao hàng tiêu dùng, đi chợ thuê thì hiện đang có Chopp, Disieuthi. Một số mảng như tuyển giúp việc, làm đẹp hay sửa xe on-demand vẫn còn bỏ ngỏ. Kết quả cuộc chiến này rất khó đoán trước vì thị trường on-demand là một thị trường vẫn còn sơ khai và gần như chưa có người dẫn đầu rõ rệt trừ các mảng vận chuyển người và hàng hóa đang được Grab chiếm đóng.

Cuộc chiến này có thể sẽ không có người thắng hay thua rõ rệt, mà mỗi mảng dịch vụ on-demand khác nhau sẽ có một bên dẫn đầu thị trường khác nhau và kết quả sẽ có phần phân mảnh.

2021 – 2023: Cuộc chiến của các nền tảng đa nhiệm

Các cuộc chiến trước đây là tiền đề để tạo ra nền tảng và giáo dục thị trường. Cuộc chiến OTT giúp lôi kéo người dùng quen thuộc với việc tương tác và kết nối trên mobile. Cuộc chiến e-commerce giáo dục người dùng quen thuộc với việc mua hàng và việc thanh toán online. Cuộc chiến gọi xe tiếp tục giáo dục người dùng về khả năng thanh toán online và thói quen sử dụng các nền tảng on-demand.

Tất cả những thứ đó sẽ là tiền đề để đưa thị trường đến một thời điểm chín muồi cho cuộc chiến về thanh toán và on-demand. Khi thanh toán trực tuyến và các dịch vụ on-demand đã trở thành thói quen thường trực hằng ngày thì lúc này thị trường đã sẵn sàng cho một cuộc chiến khác: cuộc chiến của các nền tảng đa nhiệm.

Chúng ta sẽ thấy rằng xu hướng sắp tới là thay vì cài đặt nhiều ứng dụng để làm nhiều việc khác nhau thì sẽ là cài đặt một ứng dụng duy nhất để phục vụ tất cả các mục đích khác nhau.

Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy rằng thật ra bản thân của chúng ta mỗi ngày đều chỉ sử dụng đâu đó khoảng vài ứng dụng một cách thường xuyên và đều đặn như Messenger, Zalo, Grab / Uber, v.v… Và chúng ta có thể thấy rằng các ứng dụng này đều đang chuyển hóa dần thành các nền tảng chứa đựng nhiều tính năng nhỏ hơn.

Ví dụ với Messenger bạn có thể set lịch hẹn, chơi game, thanh toán tiền, mua hàng online, gọi xe uber, v.v… Zalo cũng đặt mục tiêu tham vọng trở thành WeChat của Việt Nam (muốn biết WeChat làm được gì thì xem tại đây.

Grab và Go-jek cũng sẽ là 2 tay chơi trong cuộc chiến tiếp theo này khi các ứng dụng gọi xe này chuyển mình trở thành ứng dụng phục vụ bất cứ nhu cầu gì của người tiêu dùng (on-demand platform). Bản thân một số ứng dụng độc lập như Momo cũng có thể trở thành một tay chơi trong cuộc chiến này nếu có thể tự phát triển thành một hệ sinh thái.

Xuất phát điểm của các nền tảng này có thể khác nhau, Messenger và Zalo là chat app, Grab và Go-jek là ứng dụng gọi xe nhưng điểm chung là tới một lúc nào đó chúng sẽ trở thành các nền tảng đa nhiệm phục vụ được nhiều nhu cầu khác nhau của người dùng. Sự phát triển này sẽ khiến cho các bên trở thành các đối thủ cạnh tranh của nhau trong một cuộc đua giành lấy vị trí nền tảng được người dùng ưa chuộng nhất.

Thời gian sắp tới sẽ rất thú vị để chúng ta cùng theo dõi sự phát triển và cạnh tranh của các bên công nghệ này. Và dù bên nào thắng, bên nào thua thì chắc chắn một điều rằng nó sẽ thúc đẩy thị trường Việt Nam tiến vào một thời kỳ chuyển đổi từ thói quen sử dụng tiền mặt sang không tiền mặt (cashless), từ chủ yếu mua offline sang online, từ thói quen sử dụng nhiều ứng dụng sang việc chỉ sử dụng một ứng dụng duy nhất.

Một tương lai đáng để trông chờ.

Bùi Quang Tinh Tú