Ra đời được 2 năm nhưng ELSA đã được hàng triệu người trên khắp thế giới sử dụng, trong đó chủ yếu là khu vực Đông Nam Á.

ELSA không phải là cô công chúa nổi tiếng của Disney mà là tên viết tắt của ứng dụng học tiếng Anh “English Language Speech Assistant” (trợ lý phát âm tiếng Anh). Công ty khởi nghiệp này vừa tuyên bố gọi vốn thành công 3,2 triệu đô la Mỹ.

Số tiền huy động được lần này là trong vòng Series-A và Monk’s Hill Venture là đơn vị dẫn đầu nhóm đầu tư. Monk’s Hill Ventures là công ty chuyên đầu tư vào giai đoạn sơ khởi của các startup Đông Nam Á. Sau thương vụ, nhà sáng lập của Monk’s Hill là Peng T. Ong cũng gia nhập hội đồng quản trị ELSA.

Học tiếng Anh với trí tuệ nhân tạo

Không giống như các ứng dụng khác chỉ tập trung chủ yếu vào ngữ pháp và từ vựng, ELSA sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói và trí tuệ nhân tạo để giúp người học hoàn thiện cách phát âm tiếng Anh “chuẩn”.

Startup có trụ sở tại San Francisco này thành lập năm 2015 bởi cô gái Việt Văn Đinh Hồng Vũ và Tiến sĩ Xavier Angure – chuyên gia về trí thông minh nhân tạo và nhận diện giọng nói. Tháng 3/2016, ứng dụng này ra mắt lần đầu tiên tại triển lãm giáo dục SXSWedu và giành giải nhất chung cuộc.

Vũ chia sẻ, ý tưởng thành lập ELSA xuất hiện vào khoảng thời gian cô chật vật trong việc học tiếng Anh ngày trước. “Hồi đấy khi tôi qua Mỹ để học thạc sĩ kinh doanh và thạc sĩ giáo dục tại đại học Stanford, tôi đã gặp khó khăn rất nhiều vào năm nhất do khả năng nói tiếng Anh hạn chế của mình. Có nhiều lúc mọi người hiểu nhầm ý tôi nói”.

Mặc dù Vũ – nhà sáng lập ELSA, nói và viết tiếng Anh khá tốt nhưng cô vẫn muốn cải thiện cách phát âm của mình. “Tôi nhận ra rằng mọi người không có nhiều biện pháp để học phát âm, họ chỉ có thể tham dự lớp học với chi phí 150 USD/giờ để có người nghe và giúp họ sửa cách phát âm hoặc lên Youtube hay Netflix để học. Nhưng đó chỉ là những cách học 1 chiều”, Vũ bày tỏ.

Từ khó khăn, kinh nghiệm của bản thân, cô quyết định thành lập và phát triển ELSA cùng với nhà đồng sáng lập là tiến sĩ Anguera.

Để sử dụng ELSA, người học ngôn ngữ tải ứng dụng trên iOS hoặc Android, sau đó thực hiện bài kiểm tra phát âm của ELSA kéo dài khoảng 5 phút. Kết quả bài kiểm tra sẽ được dùng để xây dựng một chương trình giảng dạy cá nhân, phù hợp với khả năng hiện tại của người dùng.

Thành công từ sự khác biệt

ELSA có khoảng 600 bài giảng và hơn 3000 từ vựng thuộc nhiều chủ đề đa dạng khác nhau như giới thiệu bản thân, gia đình, mối quan hệ, công việc, du lịch… Ứng dụng cũng thường xuyên cập nhật theo mùa và theo thời gian. Ví dụ, các bài giảng dựa theo kỳ nghỉ lễ hay những sự kiện mới như ra mắt phim “Star Wars”. Do đó người học có thể tham gia nhiều chủ đề nói chuyện mỗi ngày.

Các bài học chiếm thời lượng rất ngắn, chỉ tốn khoảng 2 phút. Mỗi bài học sẽ có 5 bài tập với cấp độ khó dần. Bao gồm việc phát âm từ, cụm từ rồi toàn câu.

ELSA hoạt động bằng cách nghe tiếng nói của người học, sau đó kết hợp những gì họ nói với cách phát âm tiếng Anh đúng. Những từ trên màn hình được đánh dấu màu đỏ, vàng và xanh lá cây để học sinh biết mình đã đọc đúng hay sai chỗ nào. Ứng dụng cũng sẽ giúp đưa ra các gợi ý để người học có thể cải thiện phát âm từ đã cho, ví dụ như chỉnh khẩu hình miệng hay cách uốn lưỡi khi phát âm.

Thực tế, ELSA dựa vào công nghệ thực tế ảo AI để lắng nghe phát âm của người học.

ELSA đem tới công nghệ khác so với các công nghệ nhận dạng giọng thông thường. Với các công nghệ khác sẽ cố gắng đoán bạn đang nói gì, dù bạn nói đúng hay sai. Điều này tạo những sai lầm tiếp nối. Chúng tôi muốn làm ngược lại“, Hồng Vũ chia sẻ với Techcrunch.

ELSA tạo ra doanh thu thông qua đăng ký với giá 3,99 đô la Mỹ/tháng hoặc 29,99 đô la Mỹ/năm. Người dùng cũng có thể chọn trả theo quý. Một nguồn doanh thu khác có thể đến từ sản phẩm dịch vụ dành cho giáo viên vì dịch vụ này không miễn phí nhưng có giá phải chăng.

Với khoản tài trợ bổ sung, ELSA đang có kế hoạch giúp giáo viên sử dụng dịch vụ của ELSA trong lớp học bằng cách phát triển một công cụ cho phép giáo viên nhập các từ và cụm từ trong chương trình giảng dạy của chính mình. ELSA cũng đang bắt đầu thêm ngôn ngữ mới vào nền tảng của họ và đang đưa ra chỉ số API nhận diện giọng nói.

Công ty cũng sẽ sử dụng quỹ để thuê thêm tài năng về trí tuệ nhân tạo“, Vũ cho biết thêm.

Kể từ khi ra mắt cách đây hai năm, ELSA đã được vài triệu người sử dụng trên hơn 100 quốc gia, với khoảng một nửa số người sử dụng là ở Đông Nam Á, và phần còn lại trải rộng ra khắp nơi trên thế giới, bao gồm ở châu Mỹ Latinh và Đông Âu.

Tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu của Vũ vẫn là giúp đỡ người dân Việt Nam chỉnh sửa phát âm. “Tôi muốn người dân quê nhà có thể học tốt tiếng Anh để đón nhận những cơ hội mới trong đời họ“, Hồng Vũ chia sẻ.

Theo Khampha.vn