VUSTA vừa đẩy mạnh nâng cao nhận thức, vừa tập hợp ý kiến chuyên gia để tham mưu, phản biện các chủ trương của Chính phủ.

Năm 2017, dưới sức mạnh như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), việc vận dụng nó vào phong trào khởi nghiệp (start-up) thành một chương trình mục tiêu quốc gia về khởi nghiệp bước đầu đã nhận được sự quan tâm và chú ý đặc biệt ở trong và ngoài nước.

Là một cơ quan tập hợp lực lượng đội ngũ trí thức không chỉ ở trong mà còn ở ngoài nước, Liên Hiệp các Hội khoa học – Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) trong năm qua đã có nhiều hoạt động thảo luận, đánh giá về nội dung này.

Báo Đất Việt đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA – TS. Phạm Văn Tân về các tác động của cuộc CMCN 4.0 lên phong trào khởi nghiệp, khả năng thích ứng của Việt Nam và định hướng của VUSTA đối với vấn đề này trong tương lai.

PV: Bối cảnh phát triển của cuộc CMCN 4.0 và phong trào quốc gia khởi nghiệp đã có tác động như thế nào tới hoạt động của VUSTA trong năm 2017? Sự tác động của các yếu tố này đến hoạt động của Liên hiệp hội được đánh giá như thế nào, thưa ông?

TS. Phạm Văn Tân: Gần đây chúng ta nói nhiều tới cuộc CMCN 4.0, các phương tiện thông tin truyền thông cũng đề cập nhiều tới chủ đề này.

Thuật ngữ “CMCN 4.0” mới chỉ xuất hiện khoảng sau năm 2010 và được chính thức đề cập trong một đề án của Chính phủ Đức với khái niệm “công nghiệp 4.0”. Cuộc CMCN 4.0 đã thực sự kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới của nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ như giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.

Những yếu tố cốt lõi trong CMCN 4.0 là trí tuệ nhân tạo, kết nối thông tin trên nền tảng internet với các cơ sở dữ liệu lớn. Đây là cuộc cách mạng về sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, liên quan đến kết nối Internet, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo,…

Việt Nam cũng đã nhanh chóng tiếp cận tầm quan trọng của vấn đề này. Bên cạnh đó, ở nước ta, đối với phong trào khởi nghiệp cũng đã được đề cập trong nhiều năm trở lại đây với vai trò cốt lõi của khoa học và công nghệ. Gần đây, Chính phủ chính thức phát động và thúc đẩy phong trào quốc gia khởi nghiệp phục vụ sự phát triển trong lĩnh vực kinh tế.

Khởi nghiệp ở từng cá nhân, tổ chức và khởi nghiệp quốc gia đang tạo đà cho sự đi lên của đất nước với tín hiệu khá tích cực khi nhìn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, tạo niềm tin và sự lạc quan trong xã hội.

Trong bối cảnh đó, năm 2017, VUSTA đã tích cực triển khai nhiều hoạt động trong kế hoạch, đặc biệt đã triển khai nhiều diễn đàn, hội thảo, các trao đổi học thuật để nâng cao nhận thức trong đội ngũ trí thức, thống nhất về nội dung hoạt động của các hội chuyên ngành liên quan đến 2 nội dung nêu trên.

Ví dụ, VUSTA đã tổ chức diễn đàn với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo và quốc gia khởi nghiệp để đất nước phát triển: Từ nhận thức đến và hành động” bàn về nội dung khởi nghiệp và diễn đàn với chủ đề “Cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế nước ta khi Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và nước ta tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới” cũng đã đề cập tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

Các diễn đàn này đã nhận được những phản ứng tích cực trong giới trí thức và xã hội. Bên cạnh đó, diễn đàn “Phát huy vai trò của trí thức KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài trong thời đại công nghiệp 4.0” cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của giới trí thức không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài nhằm đánh giá lại những đóng góp của đội ngũ trí thức kiều bào trong nhiều lĩnh vực đối với sự phát triển của đất nước, làm sao để khai thác được tối đa những tiềm năng to lớn của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là hướng vào phong trào khởi nghiệp đang dần lan tỏa ở Việt Nam.

Tóm lại, khi nhận thức thấy những vấn đề trên rất quan trọng, VUSTA đã chủ động đưa vào kế hoạch nhiều hoạt động tuyên truyền, năng cao nhận thức và chủ động kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền những vấn đề mà trí thức quan tâm liên quan đến CMCN 4.0, đến đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.

PV: “CMCN 4.0 và phong trào quốc gia khởi nghiệp” là 2 cụm từ được nhắc đến thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và đã bước đầu đã có những thành công trên nhiều lĩnh vực. Ông đánh giá ra sao về sự phát triển này? 

TS. Phạm Văn Tân: Đúng là hơn một năm qua cụm từ CMCN 4.0 được nhắc nhiều trong các báo cáo của các cơ quan chức năng và được nhắc đến thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là sự phát triển tất yếu.

Xã hội loài người đã trải qua các giai đoạn phát triển, người ta nhắc đến cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất; cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để tạo ra nền sản xuất hàng loạt; cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.

Theo Báo Đất Việt

Bài gốc