Những sai lầm, đổ vỡ khi khởi nghiệp chính là những trải nghiệm để những người như Tùng, như Thảo rèn thêm ý chí kiên định với con đường mình đã chọn.

Tùng ‘biến thái’ và quán cà phê ăn luôn ly, nhai luôn tách

Trần Thanh Tùng, từng có một thời kỳ tưởng chừng sụp đổ khi anh phải dừng lại dự án khởi nghiệp “nghĩ điên làm chất” mang tên Monkey in Black Coffee. Khi vào quán cà phê này, khách hàng có thể uống cà phê, rồi… ăn luôn ly tách. Ở cấp độ cao hơn, Tùng còn là người thực hiện chiến dịch “No bra no pay” (không áo ngực không lấy tiền) nhằm kêu gọi mọi người hưởng ứng phong trào nhân ngày thế giới chống ung thư vú. Chính những ý tưởng có phần ‘điên rồ’ này khiến Tùng được bạn bè gọi là Tùng “biến thái”.

Rồi dự án này gặp sóng gió, số lượng quán sụt giảm và Tùng không thể mở chuỗi. Tùng nói lời chia tay với 60 nhân viên cùng làm việc của mình. Máu kinh doanh lại ngấm vào anh khi anh cũng chính là người khởi xướng ra mạng xã hội về giáo dục giới tính lớn nhất Việt Nam với cái tên nghe “hiền lành” hơn: Yêu là đủ. Mạng xã hội này hiện nay có khoảng 600 nghìn người dùng và thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho các bạn trẻ về tình yêu, giới tính.

Thành công, thất bại rồi lại thành công, đó là những gì mà Tùng đã trải qua. Tùng gọi đó là những trải nghiệm để mình trưởng thành hơn. Ít ai biết rằng, chàng trai “biến thái” này từng là một trong 5 sinh viên tốt nghiệp điểm cao nhất của khoa CNTT, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

Vậy mà, nhiều lần Tùng muốn nghỉ học vì quá ham thích kinh doanh. Dự án đầu tay của Tùng là buôn bán thú bông online, rồi giao hàng nhập cho các siêu thị. “Những đam mê đó cho mình nhiều trải nghiệm nhưng cũng tạo ra những muộn phiền từ phía gia đình khi mình chia sẻ về quyết định nghỉ học với mẹ. Đó là lần đầu tiên mình thấy mẹ khóc”, Tùng chia sẻ.

Vì quá thương mẹ, nên Tùng quyết định vừa kinh doanh vừa theo học để có tấm bằng tốt nghiệp ĐH. Năm 2008, Tùng tốt nghiệp ĐH và có thể “đường đường chính chính” khởi nghiệp mà không bị áp lực nào. Tùng khuyên các bạn sinh viên muốn làm gì cần phải có sự quyết tâm, làm đến cùng. Khi quyết tâm rồi thì kiểu gì cũng có thể làm được.

“Sinh viên muốn khởi nghiệp cần tìm người giỏi hơn, học nhiều hơn về marketing. Kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm, thái độ… là 4 thứ mãi mãi theo mình trên hành trình khởi nghiệp. Khởi nghiệp cần bắt đầu với những điều nhỏ nhưng bước đi vững chắc, luôn sẵn sàng và đương đầu với thất bại để cho mình trải nghiệm nhiều hơn. Thành công rồi sẽ đến”- Tùng trải lòng.

Chỉ biết nghiên cứu, còn lại… chẳng biết gì

Thất bại cũng là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, CEO startup Hector (nước uống từ đông trùng hạ thảo) trong thời gian đầu khởi nghiệp. Lý do mà Tuyết tâm sự đó là “chỉ biết nghiên cứu, đam mê với những thứ mình làm được mà không quan tâm đến thị trường”. Nhóm khởi nghiệp của Tuyết là những người “một bề” khi cả 6 người (3 tiến sỹ, 3 thạc sỹ) đều là nhà khoa học.

Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, CEO startup Hector

“Sản phẩm đầu tiên của tôi đó là nghiên cứu làm trà từ lá khổ qua lên men, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất thực phẩm. Chúng tôi lao vào nghiên cứu làm cho sản phẩm của mình thật độc đáo, thật ưu việt. Và chúng tôi đi chào bán và suy nghĩ mình có thể giáo dục khách hàng để họ mua sản phẩm mình. Nhưng thật ra chúng tôi đã nhầm”- Tuyết chia sẻ.

Dự án sau đó, do không tiện dụng và phù hợp với người dùng nên đã thất bại. Tuyết trả giá bằng số tiền bỏ ra để cầm cố nhà. May mắn, dự án này sau đó được một đơn vị khác mua lại. Tuyết có thêm lưng vốn để tiếp tục khởi nghiệp bằng sản phẩm đông trùng hạ thảo. Đây là sản phẩm mà Tuyết nắm chắc là nhiều người dân đang có nhu cầu.

Tuyết và đồng sự tạo ra một công nghệ đóng chai dạng nước cho đông trùng hạ thảo và sản phẩm này đã được thị trường chấp nhận. Tốc độ tăng trưởng của sản phẩm này hiện nay là 400% năm. Con số đáng mơ ước của một startup.

“Trải nghiệm từ những sai lầm cho mình nhiều bài học. Có những bài học mình phải trả giá đắt. Nhưng khởi nghiệp cần phải có những trải nghiệm như thế và các bạn trẻ đừng bao giờ sợ thất bại. Phải luôn tiến lên để hoàn thiện từ suy nghĩ và hành động của mình”- Tuyết nói.

Những câu chuyệ này đã được chia sẻ tại hội thảo “Người trẻ khởi nghiệp – startup spirit” do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) phối hợp với Vintech City tổ chức chiều 18/10. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) năm 2019.

Đứng ở góc độ là người hỗ trợ khởi nghiệp, bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng giám đốc Vintech City, khuyên các bạn trẻ nên tham gia vào môi trường khởi nghiệp sớm, chịu khó va chạm và trải nghiệm thật nhiều. Học hỏi và nghiêm túc với con đường của mình là cách để các bạn vượt qua những khó khăn.

“Nhà nước, cộng đồng cổ vũ cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Nhiều sân chơi được tổ chức cho các bạn trẻ khởi nghiệp, nhưng sân chơi này cũng rất tốn kém về thời gian, tiền bạc, nguồn lực. Vì thế, các bạn cần phải có những sự chuẩn bị đủ để khởi nghiệp thành công hơn”- bà Phi nói.

Hà An