Theranos đã đạt đến đỉnh cao mà ít startup nào có thể đạt được, với thương hiệu được định giá lên tới 9 tỉ USD, với hình ảnh đầy quyền lực của CEO Holmes được tôn vinh bằng những cái tên hào nhoáng như ‘nữ tỉ phú tự thân trẻ nhất thế giới’, ‘Steve Job thứ hai’, ‘thần đồng thung lũng Silicon’, và với công nghệ mới được cho rằng có thể làm thay đổi nền y khoa thế giới. Nhưng rốt cuộc, tất cả chỉ là một màn lừa đảo tinh vi.

Từ vụ bị truy tố của Theranos

Lệnh truy tố của văn phòng tư pháp bắc California giữa năm 2018 đối với CEO Elizabeth Homes và cựu chủ tịch Ramesh Sunny Balwani của Theranos coi như đã chính thức đặt dấu chấm hết cho những niềm tin nhỏ nhoi còn sót lại đối với startup về công nghệ thử máu mới này. Tuy vậy, dư địa của ‘cơn chấn động’ Theranos sẽ vẫn còn kéo dài, và những bài học kinh nghiệm từ vụ việc này cũng liên tục được nhắc lại như một điển hình phông bạt, lừa đảo tinh vi trong giới startup và giới đầu tư.

Bởi Theranos đã đạt đến đỉnh cao mà ít startup nào có thể đạt được, với thương hiệu được định giá lên tới 9 tỉ USD trước khi công ty bị phát hiện gian lận, với hình ảnh đầy quyền lực của CEO Holmes được tôn vinh bằng những cái tên hào nhoáng như ‘nữ tỉ phú tự thân trẻ nhất thế giới’, ‘Steve Job thứ hai’, ‘thần đồng thung lũng Silicon’, và với công nghệ mới được cho rằng có thể làm thay đổi nền y khoa thế giới. Nhưng rốt cuộc, tất cả chỉ là một màn lừa đảo tinh vi.

Theranos được Homes thành lập năm 2003 khi mới 19 tuổi. Sau một thời gian thử nghiệm, Theranos bắt đầu thu hút sự chú ý của toàn nước Mỹ khi tuyên bố đã phát triển được một công nghệ có thể làm điều tưởng chừng như bất khả thi, đó là có thể thực hiện hàng nghìn xét nghiệm y tế khác nhau chỉ bằng cách lấy vài giọt máu ở ngón tay ở mỗi người.

Theo Homes và các cộng sự của mình quảng bá, chỉ một lần lấy máu xét nghiệm với chi phí cực rẻ, họ có thể giúp phát hiện đủ các chỉ số cần thiết cho nhiều loại chẩn đoán bao gồm cả ung thư.

Và để kêu gọi được các nhà đầu tư rót tiền, Homes đã thực hiện hàng chuỗi các chiêu thức tinh vi tạo phông bạt cho sản phẩm, cho thương hiệu Theranos và cho hình ảnh của chính cá nhân mình.

Trong nhiều năm liền, hai lãnh đạo của công ty đã liên tục có những bài thuyết trình sai sự thật nhằm phóng đại khả năng của sản phẩm, làm giả thông tin về công nghệ và sau này thì cố ý che giấu bí quyết công nghệ, phóng đại số liệu kinh doanh và tình hình tài chính của công ty.

Chẳng hạn, họ công bố với nhà  đầu tư rằng doanh thu vào năm 2014 dự kiến đạt 100 triệu USD và năm 2015 sẽ đạt 1 tỷ USD nhưng thực tế năm 2014 chỉ thu về được khoảng 100.000 USD!

Các nhân viên của Theranos bị buộc phải kí điều khoản giữ kín mọi bí mật về công ty và bị theo dõi gắt gao suốt quá trình làm việc. Chiến dịch PR chỉ tập trung vào thương hiệu công ty và thương hiệu cá nhân CEO Holmes, rốt cuộc thương hiệu được đánh bóng đến mức, rất nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng rót vốn mà không hề được tiết lộ về bí quyết công nghệ!

Dù có những nghi ngờ lẻ tẻ trước đó, nhưng sự thật về Theranos chỉ dần bị hé lộ sau loạt bài điều tra của John Carreyrou, phóng viên tờ Wall Street Journal. Các đối tác của Theranos bắt đầu phát hiện các sai phạm và chấm dứt hợp tác, nhưng đến tận đầu năm 2018 Theranos mới chính thức bị khai tử, cùng với đó là hàng loạt vụ kiện tụng lừa đảo từ các đối tác, bác sĩ, bệnh nhân, và các nhà đầu tư.

Bông hồng công nghệ Homes rốt cuộc đối mặt với án tù hơn 20 năm và bây giờ đây, ‘một trong những nhà lãnh đạo gây thất vọng nhất thế giới’ đã trở thành thương hiệu mới của cô trên tạp chí Forbes.

Nhìn lại những màn ‘phông bạt’ tinh vi

Cú sụp đổ của Theranos gây choáng váng bởi mức độ phông bạt dựng lên quá hoàn hảo trong một thời gian dài. Nhưng lục tìm trong thực tế, thực ra, rất nhiều nhà đầu tư tầm cỡ đều thừa nhận rằng, tình trạng startup phông bạt không phải là hiếm.

Và dù là những con cá mập lọc lõi, dù kinh nghiệm đầy mình, vẫn rất nhiều lần các quỹ đầu tư sừng sỏ ‘chết’ dưới màn ngụy trang tinh vi của các startup vốn được coi là non trẻ. Những ‘tấm’ phông bạt được dựng lên một cách ranh ma ở mọi khía cạnh, từ tài chính đến sản phẩm, từ công ty đến cá nhân, có khi là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng cũng có khi là hành vi lách luật, hay nằm chênh vênh giữa ranh giới phạm pháp và không phạm pháp, khiến các quỹ nhiều phen gian nan.

Gian lận báo cáo tài chính

Chỉ số tài chính luôn là công cụ quan trọng nhất khiến quỹ đầu tư ra quyết định góp vốn, nên tất nhiên startup nào khi gọi vốn cũng đều nỗ lực để có được các thông số đẹp nhất. Và khi không thể có được số liệu tài chính đẹp, các startup gian lận đã lập ra những báo cáo tài chính gian dối nhằm mục đích lừa nhà đầu tư.

Điển hình của gian lận báo cáo tài chính đã được điểm danh trên kia, chính là Theranos, với các số liệu tài chính những năm cuối cùng gần như sai lệch hoàn toàn, và ở mức đỉnh cao đã hút về tay mình hơn 1.4 tỉ USD từ giới đầu tư.

Danh sách làm giả báo cáo tài chính còn có startup Canopy Financial, startup này đã lừa dối những quỹ đầu tư lớn như GGV Capital và Foundation Capital để thu được mức đầu tư lên tới gần trăm triệu USD. Hay các Qũy Matrix Partners India và Nexus Venture Partnerss cũng đã trắng tay trong phi vụ đầu tư vào startup Stayzilla của Ấn Độ do nhận được báo cáo tài chính không trung thực.

Chính CEO Stayzilla và đồng sáng lập Yogendra Vasupal của startup này đã thú nhận trong một buổi phỏng vấn sau khi giải thể: “ban đầu chúng tôi kinh doanh khá ổn, rồi sau đó khó khăn ập đến, tôi chỉnh sửa một vài số liệu chờ mọi thứ hồi phục nhưng tình hình không khả quan hơn. Cứ thế tôi bị mắc kẹt và lao theo các báo cáo không chính xác để trình cho các nhà đầu tư suốt 3-4 năm ròng …’