LadyJek (Indonesia) là dịch vụ xe ôm chỉ dành cho phụ nữ. Khách hàng có thể đặt một chuyến đi thông qua ứng dụng LadyJek, và tài xế đón họ sẽ luôn là phụ nữ.

Chỉ hai tuần sau khi chính thức hoạt động, LadyJek nhận đơn đăng ký của 1.500 phụ nữ, còn ứng dụng của họ có tới 15.000 lượt tải. Vài tuần sau, số nhân sự của công ty tăng từ 1 lên hơn 40 người. Phần lớn nhân sự của LadyJek xử lý đơn đăng ký làm tài xế của ứng viên ở 3 văn phòng tại thủ đô Jakarta và hai thành phố lân cận là Bekasi, Tangerang.

“1.500 người đăng ký làm đối tác là con số ấn tượng, bởi trước đây Go-Jek cần tới vài tháng để có 2.500 tài xế. LadyJek trao cho phụ nữ cơ hội kiếm mức thu nhập tương đương. Tôi không thể ngờ số lượng phụ nữ muốn làm xe ôm công nghệ lại lớn đến vậy”, Brian Mulyadi – sáng lập LadyJek chia sẻ.

Chia sẻ về ý tưởng này, Brian Mulyadi cho biết mọi người nghĩ ý tưởng của anh kỳ cục đến nỗi nhiều người nghĩ đó chỉ là câu nói đùa. Nhưng thực tế, anh chàng lại tỏ ra rất nghiêm túc với ý tưởng này.

Năm 2015, Brian Mulyadi, khi đó 22 tuổi, lấy bằng cử nhân của Đại học Boston (Mỹ). Thay vì kiếm công việc lương cao tại đất khách, chàng trai Indonesia về quê hương để lập công ty xe ôm dành cho phụ nữ.

Ngoài việc cả khách hàng lẫn tài xế đều là phụ nữ, ứng dụng LadyJek chẳng có gì khác với Go-Jek và GrabBike – hai hãng xe ôm công nghệ đang phổ biến tại Indonesia. Ngồi trên xe máy của một người lạ để di chuyển là hình thức vận tải người khá phổ biến ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Nhưng khởi nghiệp trong một lĩnh vực mà hai ông lớn đang chi phối thị trường thực sự là một cuộc phưu lưu mạo hiểm đối với một chàng trai mới 22 tuổi.

Với logo màu hồng, áo khoác có sọc hồng và mũ bảo hiểm màu hồng, LadyJek đặt mục tiêu lấp vào khoảng trống mà Go-Jek và GrabBike bỏ lại trên thị trường: Dịch vụ xe ôm dành cho phụ nữ.

“Tôi cảm thấy phụ nữ không thấy một yếu tố trong dịch vụ của GrabBike và Go-Jek. Đó là sự an toàn và cảm giác thoải mái”, Brian chia sẻ.

Cảm giác ấy xuất hiện ở cả tài xế và hành khách. Nhiều phụ nữ muốn chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập, nhưng họ lại ngần ngại khi nghĩ tới việc hợp tác với GrabBike hay Go-Jek. Trong xã hội Indonesia, công chúng coi xe ôm là công việc của nam giới. Đôi khi người ta thấy nữ tài xế xe ôm, song họ chỉ chiếm tỷ lệ cực nhỏ trong tổng số người hành nghề.

Phụ nữ có thể muốn thuê một xe ôm để di chuyển vì chúng nhanh và tiện, nhưng nhiều người đắn đo vì họ cảm thấy không an toàn và không thoải mái khi ngồi sau lưng một người đàn ông lạ trên xe máy.

Do đó, LadyJek không cạnh tranh trực tiếp với Go-Jek và GrabBike, mà chỉ mở rộng thị trường để phục vụ nhu cầu của một nhóm tài xế và khách hàng tiềm năng. Nếu LadyJek không xuất hiện, nhóm tài xế và khách hàng nữ ấy sẽ không gia nhập thị trường.

Sau dịch vụ vận chuyển cá nhân, Go-Jek tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như giao hàng, mua sắm hộ khách, đưa nhân viên châm cứu hay mát xa tới nhà riêng.

“Thay vì mở rộng sang mảng giao món ăn hay chuyển phát nhanh, chúng tôi sẽ tập trung vào thế mạnh riêng. Chúng tôi biết chính xác nhu cầu của phụ nữ và biến hiểu biết đó thành dịch vụ”, Brian chia sẻ.

Ngọc Ly – Tuổi trẻ thủ đô

Bài gốc