Covid-19 đã mở ra cơ hội rất lớn cho ngành TMĐT, tuy nhiên nó không dành cho 1 tay chơi mà cho tất cả. Shopee có thể tận dụng cơ hội nhiều nhất so với các đối thủ trên thị trường, là bởi họ có được nguồn nhân lực chất lượng – văn hóa tốt: quyết liệt trong thực thi và chấp nhận làm việc cực lực quanh năm.

Theo số liệu bản đồ thương mại điện tử Việt Nam mới được iPrice Group công bố gần nhất, lượng người dùng truy cập vào website của Shopee trong quý III/2020 vừa qua đạt 62,7 triệu lượt, tăng tới hơn 10 triệu lượt so với quý II/2020 và là quý tăng mạnh nhất từ trước tới nay.

Đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Tiki cùng Lazada, 2 sàn TMĐT đều đã có lượng truy cập tăng trưởng trở lại. Đối với Tiki, lượng truy cập tăng lên 22,6 triệu lượt sau khi liên tục sụt giảm 6 quý liên tiếp trước đó. Lazada đạt 20,2 triệu lượt truy cập, tăng 9% so với tháng trước. Còn nhếu so với Shopee, lượng truy cập của 2 trang thương mại điện tử này chỉ bằng 1/3 so với đối thủ.

Thống kê lượng truy cập của các trang TMĐT Việt Nam của iPrice Group.

Trong Gala của Endeavor vừa qua, CEO Trần Tuấn Anh đã chia sẻ rất nhiều điều lý thú, giải thích cho câu hỏi vì sao Shopee Việt Nam có thể đạt những thành tựu trên trong một năm đầy biến động như 2020.

“Nhìn vào tiến trình phát triển của ngành TMĐT thế giới, chúng ta đều có thể thấy: sau các đợt khủng hoảng xã hội – kinh tế toàn cầu, những ông lớn như Amazon hay Alibaba đều phát triển bùng nổ để nên hùng mạnh như ngày hôm nay. Thế nên, lúc nhìn thấy Covid-19 bắt đầu manh nha tại Trung Quốc và lan rộng sang các nước khác, chúng tôi biết cơ hội của mình đã tới.

Những năm bình thường trước Covid-19, ngành TMĐT Việt Nam thường chỉ bận rộn và dồn lực vào thời điểm cuối năm – nhằm phục vụ cho nhu cầu tăng cao đột biến của người dùng trong các ngành Double Day như 11/11 hay 11/11, Black Friday – Cyber Monday và Tết. Theo đó, các sàn TMĐT thường hoạt động với nhịp độ bình thường ở thời điểm giữa năm, rồi chuẩn bị kỹ càng để đón các đợt bán hàng khủng vào cuối và đầu năm.

Nhưng năm nay, do Covid-19 khiến nhu cầu bán – mua hàng online tăng vọt xuyên suốt từ đầu năm đến cuối năm, buộc toàn bộ nhân viên của Shopee phải ‘vắt chân lên cổ’ để chạy. Trong năm 2020, Shopee không có nghỉ Tết Tây và không có cả company trip, sắp tới có lẽ sẽ không có cả Tết Ta”, ông Trần Tuấn Anh sơ lược về thị trường TMĐT trong năm 2020.

Khối lượng công việc của toàn thể nhân viên của Shopee tăng không chỉ từ việc gia tăng người mua mà cả người bán trên sàn do Covid-19. Với việc Việt Nam trải qua nhiều đợt lock-down, những hàng quán nhỏ – trước đây nghĩ TMĐT là cái gì đó xa vời và chỉ quen bán hàng qua kênh truyền thống, cũng buộc phải “go online” nếu muốn tiếp tục tồn tại.

Để đón chào những người mới nói trên và giúp họ buôn bán thuận lợi trên Shopee, doanh nghiệp này đã bỏ ra khá nhiều công sức. Ngoài đưa ra các chính sách như freeship hoặc voucher miễn phí đăng ký trong vài tháng đầu; Shopee còn phải cử nhân viên đứng ra hỗ trợ họ về mặt chuyên môn như thể hiện sản phẩm sao cho hấp dẫn – dễ hiểu, quản lý đơn hàng…Làm TMĐT hay bán hàng online, không đơn giản lên mạng và đăng ký một gian hàng online là xong!

CEO Shopee Việt Nam – Trần Tuấn Anh

Về phần người mua, dù thành phần này không cần sự hỗ trợ kỹ thuật của nhân sự Shopee vì họ đã quen thuộc việc mua hàng online, song lượng người mua tăng quá cao trong thời gian ngắn đồng nghĩa với áp lực lên bộ phận kho bãi – vận chuyển của Shopee cũng tăng cao tương ứng. Đây là một thử thách không nhỏ với toàn bộ nhân sự Shopee, làm sao có thể giữ được chất lượng dịch vụ với lượng đơn hàng gấp 3 hoặc 4 ngày thường trước đây.

“Trong năm 2020, cơ hội dành cho các doanh nghiệp trong ngành TMĐT là ngang nhau, bài toán chung là phải làm sao bắt kịp được nhu cầu mua – bán online tăng nhanh trong xã hội. Sở dĩ chúng tôi có thể vọt lên là nhờ chiến lược quyết định nhanh, thực thi đồng bộ và quyết liệt”, CEO Shopee Việt Nam tiết lộ.

Anh kể cụ thể: trong giai đoạn lock-down lần 1, ngay sau khi Ban lãnh đạo Shopee nhanh chóng quyết định cho nhân viên làm việc ở nhà, ngay lập tức các bộ phận tự mình phân chia xem ai làm việc ở nhà ngày nào để vừa bảo đảm an toàn theo quy định của Nhà nước – công ty, vừa bảo đảm công việc vẫn chạy tốt. Rồi chỉ hôm sau, mọi người trong toàn công ty đã thực hiện đúng những phân công mà mình đã nhận từ hôm trước.

Nguyên do khiến toàn bộ nhân viên của Shopee làm việc kỷ luật và quyết đoán như thế, là nhờ văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa của Shopee: khi có bất cứ một quyết định hoặc chính sách quan trọng nào, nhân viên phải quyết đoán thực thi nhanh, không cầu nệ tiểu tiết và không thắc mắc, bàn cãi hoặc trao đổi qua lại quá nhiều. Để có được văn hóa này, Shopee đã phải xây dựng trong thời gian dài và bây giờ ‘hái quả ngọt’.

Cũng chính nhờ văn hóa nói trên, không chỉ nhân viên tin vào lãnh đạo mà các lãnh đạo cũng rất tin vào nhân viên. Khi giao cho từng bộ phận hoặc nhân sự bất cứ nhiệm vụ nào, Ban lãnh đạo biết rằng, nhân viên của mình sẽ làm được nên hiếm khi đúc thúc liên tục hoặc nhắc nhở bên lưng. Ví dụ: ở đầu năm 2020, lúc mọi người còn rất sợ hãi với virus Corona, khi có lệnh lock-down lần đầu, tất cả mọi người đều cảm thấy bất an lo sợ cho sức khỏe cả bản thân và gia đình, nhưng khi công ty yêu cầu vệ sinh – khử trùng kho bãi, chỉ sau 1 đến 2 giờ, mọi người đã thực thi được.

“Lựa chọn đúng thời điểm và thương hiệu để hợp tác toàn diện cũng rất quan trọng. Chúng ta có thể ngồi cà phê chém gió ra hàng đống ý tưởng, song cần chọn lựa 1 đến 2 ý tưởng trong số đó để làm và phải làm thật nhanh. Về bản chất, Taobao đi lên từ đợt dịch SARS. Lịch sử đã chứng minh: với TMĐT, khủng hoảng luôn là cơ hội, nên khi thấy traffic bắt đầu tăng, chúng ta không thể không làm gì. Ngay từ khi Covid-19 bắt đầu manh nha ở Trung Quốc, chúng tôi đã toàn lực chuẩn bị để chứng minh cho các đối tác đến với chúng tôi sau này rằng: họ có thể đồng hành lâu dài cùng chúng tôi kể cả sau Covid-19.

Mọi người chiến đấu trên một ‘chiến trường’ giống nhau, ai có sự chuẩn bị sớm và thực thi nhanh chóng thì sẽ chiếm được phần lớn hơn”, anh Trần Tuấn Anh kết luận.

Shopee cũng đang đồng thời tiến hành tái cơ cấu nhân sự.

Cũng theo tiết lộ từ vị CEO này, dù bận rộn cho công việc kinh doanh – vận hành là thế; song Shopee vẫn quyết định tiến hành tái cấu trúc nhân sự trong năm 2021. Bởi, theo quan điểm của anh Trần Tuấn Anh, hiện thị trường TMĐT đang tăng trưởng gấp 3 đến 4 lần những năm trước Covid-19, nếu không cơ cấu lại nhân sự để đón đầu cơ hội, Shopee sẽ lãng phí mất 1 năm.

“Làm kinh doanh phải biết doanh nghiệp mình sẽ về đến đâu trong tương lai. Biết vài năm nữa mình sẽ có vị thế như thế nào trên thị trường. Tất nhiên chúng ta phải luôn ưu tiên việc dẫn dắt doanh nghiệp trụ lại được hoặc thành công ở hiện tại, song vẫn phải có kế hoạch cho tương lai. Tôi luôn biết Shopee Việt Nam sẽ đi về đâu và đích đến trong 3 đến 5 năm nữa; rồi căn cứ vào thời cuộc để chọn lựa đường đi và phương tiện phù hợp – hiệu quả.

Tôi cũng biết rõ mình sẽ phải làm gì với công ty và với nguồn nhân lực đang có. Trong Covid-19, bộ máy nhân sự của Shopee chỉ căng ra chứ không mở rộng. Trong năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng độ khó cho nhân viên của mình và muốn công việc vẫn phải chạy khi làm thế, Shopee buộc phải tái cấu trúc và phải làm ngay từ bây giờ. Tôi không có thói quen nhìn quá nhiều vào tương lai mà chỉ tập trung vào hiện tại.

Tôi không thích rơi vào thế bị động hay ‘nước đến chân với nhảy’. Các nhà đầu tư luôn không thích những founder không biết doanh nghiệp của mình sẽ đi đâu về đâu trong vài năm tới”, CEO Shopee Việt Nam bàn luận.

Trong năm 2021, Shopee sẽ tập trung chuyển đổi nội bộ, công ty sẽ tích cực ‘luyện quân’. Hiện họ đang có khá nhiều ‘chiến tướng’ và đang cân nhắc xem năm nay sẽ sử dụng những vị tướng đó như thế nào.

Shopee vẫn đang cần thêm người, song họ không muốn tuyển nhanh nhưng không đúng người. Bởi tuyển không đúng mệt hơn không tuyển, nên dù thiếu họ vẫn không gấp. Bây giờ Shopee đã lớn và không nhất thiết phải có ai đó bằng mọi giá, bởi nếu chào đón một người không phù hợp có khi phá luôn văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã khó, giữ còn khó hơn!

Theo Cafebiz