Khi nhìn thấy một sáng chế nào đó ra đời, một số người thường nghĩ rằng mình cũng có thể làm được như thế. Thực tế, tạo ra một sản phẩm mới không hề đơn giản như vậy. Việc biến được ý tưởng thành hiện thực chính là điều để phân biệt các nhà sáng chế với số đông còn lại – những người chỉ biết xếp hàng và mua những sản phẩm ấy.

Nhưng điều này lại không thể áp dụng trong trường hợp thất bại của startup Juicero. Đây là một công ty chuyên cung cấp dụng cụ ép nước trái cây cho khách hàng. Juicero đã gọi được tổng cộng 120 triệu đô tiền vốn trong suốt thời gian hoạt động trước khi thất bại.

Trên lý thuyết, cả công ty và sản phẩm họ cung cấp dường như khá lý tưởng trong một thị trường người dùng luôn tìm kiếm các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh và được chế biến dễ dàng. Tuy nhiên thực tế lại không chiều lòng người khi Juicero phải  ngừng bán sản phẩm này vào năm 2017.

Juicero có khởi đầu rất khả quan. Đây là một phiên bản nâng cấp của chuỗi cung ứng thanh nước ép lạnh đã từng rất thành công của Doug Evans – người thành lập Juicero. Ý tưởng của công ty đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều phía, đặc biệt phải kể đến các quỹ tài trợ từ những nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng nhất Thung lũng Silicon.

Tuy nhiên, sự hấp dẫn và hứng thú của mọi người đã dẫn đến những đánh giá quá tầm. Các nhà đầu tư thậm chí so sánh tương lai tươi sáng của Juicero với Tesla, và bản thân Evans cũng so sánh anh ấy với Steve Jobs. Đáng tiếc, sự hứng thú không bao giờ là tiền đề chắc chắn dẫn đến kết quả và doanh thu thành công, “tương lai hứa hẹn của Juicero” không bao giờ trở thành hiện thực.

Thất bại của Juicero đến từ nhiều nguyên nhân, vấn đề lớn nhất chính là giá cả. Sản phẩm của Juicero có giá đến 400 đô – một cái giá khá cao mà chỉ những người thực sự yêu thích nước ép, hoặc thực sự thích các dụng cụ đắt tiền, mới có thể bỏ ra. Và thậm chí đây chỉ là giá đã giảm so với giá gốc 700 đô!

Không chỉ vậy, hàng tháng khách hàng còn phải bỏ thêm một khoản để mua các gói trái cây rau củ đã được cắt để sử dụng cho sản phẩm máy ép. Rõ ràng, khoản tiền đầu tư hàng tháng này chính là một điểm trừ rất nặng của Juicero so với những dụng cụ chỉ cần mua một lần khác.

Vấn đề lớn nhất mà Juicero gặp phải chính là sản phẩm này không hề hiệu quả hơn so với việc ép bằng tay. Người dùng “ném đá” Juicero khi phát hiện ra họ có thể dễ dàng dùng tay vắt những loại trái cây đóng gói của Juicero mà không cần máy ép. Và dĩ nhiên hiệu quả cũng chẳng khác biệt là bao.

Mặc dù công ty đã tuyên bố rằng sử dụng máy ép sẽ tiện và sạch sẽ hơn, thế nhưng phát hiện này vẫn khiến nhiều người băn khoăn về cái giá 400 đô của máy ép, vì nó chẳng có gì hiệu quả hơn việc ép bằng tay.

Câu chuyện của Juicero có lẽ là điển hình của việc một phát minh chỉ tập trung vào sự yêu thích của người dùng mà không tính đến những hiệu quả nó mang lại. Đây cũng là điển hình cho sự thiếu kết nối giữa các quỹ đầu tư của Thung lũng Silicon và thị trường tiêu dùng thực sự.

Để việc kinh doanh trở trên hiệu quả và đem lại lợi nhuận, sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Và cũng chẳng cần tốn quá nhiều công sức để biết được rằng người tiêu dùng sẽ không mấy mặn mà với một sản phẩm có giá còn cao hơn chi phí xe cộ.

Thế nhưng Juicero đã không thể nhìn ra được điều này. Và mọi chuyện kết thúc khi sản phẩm của họ chẳng đem lại được lợi ích nào vượt trội so với hàng đống sản phẩm ngoài kia.

Câu chuyện về sự thất bại của Juicero chính là một hồi chuông cảnh báo cho cả Thung lũng Silicon và cả những công ty cố ý xây dựng sản phẩm chỉ để hút vốn đầu tư. Trên thực tế, việc tạo ra một sản phẩm thu hút người dùng không hề giống với việc tạo ra sản phẩm thu hút nhà đầu tư. Người dùng không có nhiều kinh phí để bỏ vào một sản phẩm đắt đỏ, và họ cũng chẳng mặn mà với những sản phẩm công nghệ chẳng có cải tiến gì đáng kể.

Hải Vy (Theo Forbes)