Lựa chọn thời điểm là một trong những yếu tố then chốt để xây dựng và phát triển một startup, đặc biệt là các startup về công nghệ. Trong khi nhiều người nghĩ về việc làm sao để đuổi kịp xu hướng, thì nỗi lo về việc đi trước thời đại cũng đáng ngại không kém.

Chờ đợi nền công nghiệp “đuổi kịp” với những gì bạn có là một việc tẻ nhạt, đặc biệt trong những ngành, lĩnh vực ít thay đổi. Và khi thay đổi, những công ty nhỏ sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với những công ty lớn nhằm kiểm soát thị trường và xu hướng.

Nếu bạn đang muốn tìm một startup vừa đi trước thời đại quá nhiều, vừa không thể thích ứng với những đổi thay của thị trường (thay vì những thay đổi mà họ tự dự đoán), thì Videology chính là một ví dụ điển hình.

Được thành lập năm 2007 bởi Scott Ferber, Videology đã có những bước đầu tiếp cận thị trường quảng cáo video trực tuyến. Công cụ của Videology được thiết kế cho phép bên quảng cáo có thể đặt các quảng cáo trên những nền tảng điện tử để nhắm đến phân khúc khách hàng phù hợp và đo lường độ hiệu quả của quảng cáo.

Thành công đến với Videology từ rất sớm, khi công ty này hợp tác thành công với công ty mua quảng cáo số lượng lớn GroupM, đồng thời nhận được rất nhiều vốn từ GroupM và các công ty khác.

Videology đã đặt cược vào mô hình mạng quảng cáo kỹ thuật số của mình, cung cấp cho các nhà quảng cáo một phương thức để đăng các video quảng cáo trên rất nhiều website. Thương vụ hợp tác với Group M cũng có tác dụng hỗ trợ dự án này. Tuy nhiên cuối cùng, dự án lại gây thất vọng nhiều hơn là triển vọng.

Khi nền công nghiệp thay đổi, mô hình mà Videology cung cấp trở nên lỗi thời hơn, trong khi các nhà tiếp thị đang tìm kiếm những sản phẩm hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, mối quan hệ chặt chẽ với GroupM còn khiến Videology gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các nhà tiếp thị khác.

Những rắc rối của Videology cũng phần nào liên quan đến Google và Facebook. Năm 2015, Google quyết định ngừng cấp phép cho những công ty bên ngoài mua các quảng cáo trên YouTube. Thay vào đó, Google yêu cầu các nhà tiếp thị phải mua thông qua công cụ riêng của Google. Facebook và Google, với lợi thế phạm vi thị trường rộng lớn và sức truyền tải mạnh mẽ, đã gây ảnh hưởng và khó khăn rất nhiều cho Videology cũng như các nhà quảng cáo khác.

Sự tập trung quyền lực của Facebook và Google, cùng việc siết chặt tài chính của thị trường quảng cáo công nghệ đã gây nên rất nhiều áp lực lên Videology. Công ty này đã cắt giảm 6% lực lượng lao động – một động thái được xem là để tái cấu trúc. Tuy nhiên các động thái này, cũng tương tự với các công ty nhỏ khác, đều không đem lại hiệu quả. Cái bóng của Facebook và Google trên thị trường là quá lớn.

Kết quả là vào tháng 5/2018, Videology đã nộp đơn xin phá sản. Theo các báo cáo, công ty này nợ khoảng 100 triệu đô-la, bao gồm 35 triệu đô-la nợ của GroupM, cùng với 86 triệu đô-la tài sản. Sau đó, Videology được Amobee, một công ty con của công ty viễn thông Signtel (Singapore), mua lại bằng hình thức đấu giá với giá hơn 100 triệu đô. Đây là một điều may mắn với một công ty đang gặp khó khăn về tài chính như Videology.

Mặc dù sự thất bại của Videology một phần đến từ bản thân công ty đã không thể thay đổi mô hình kinh doanh và chỉ ưu tiên một mối quan hệ đối tác lớn, thế nhưng câu chuyện của Videology là minh chứng cho việc bất kỳ doanh nghiệp nào đều cũng phải chịu sự tác động của điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài.

Một công ty có thể đã không mắc lỗi lầm nào, đã làm rất tốt – cuối cùng vẫn phải chịu thất bại trước cái bóng quá lớn của những gã khổng lồ như Facebook hay Google. Và câu chuyện của Videology cũng là lời nhắc nhở rằng đôi khi trong kinh doanh, bạn cũng phải cần một chút may mắn.

Hải Vy (Theo Forbes)