Dịch vụ theo yêu cầu đang là một xu hướng rất ‘hot’ trên thị trường startup hiện nay. Nó phát triển đến nỗi mọi người có thể làm mọi việc trong một ngày mà không phải bước ra khỏi nhà, chỉ cần các nhà cung cấp dịch vụ. Bước tiến này đem lại rất nhiều tiện lợi cho con người, và các startup không ngừng tìm ra phân khúc mới dành cho mình trong thị trường này.

Shyp, một startup có trụ sở tại San Francisco, chính là một điển hình cho những startup nói trên. Công ty này cung cấp dịch vụ theo yêu cầu trong vấn đề giao nhận hàng hóa. Khách hàng chỉ cần chụp một tấm ảnh về món hàng cần giao và đăng lên ứng dụng, đội ngũ của Shyp sẽ đến tận nhà, đóng gói hàng và đem đến công ty chuyển phát.

Người dùng tỏ ra khá hào hứng bởi họ không cần lo đến chuyện tìm những chiếc hộp kích cỡ vừa phải và đóng gói hàng hóa, cũng không cần phải đi đến các điểm chuyển phát hoặc bưu điện để gửi hàng. Giá cả dịch vụ của Shyp cũng khá cạnh tranh, chỉ 5 đô-la cho một lần sử dụng.

Mô hình hoạt động của công ty đã thu hút được 62 triệu đô tiền vốn, đủ giúp công ty có thể mở rộng dịch vụ của mình đến New York, Los Angeles và Chicago. Không chỉ vậy, công ty còn có dự định hợp tác với eBay và cho ra đời tính năng “chuyển hàng không địa chỉ”. Không giống những startup thất bại khác, Shyp thực sự đã hoàn thành được tất cả những gì họ muốn trong dịch vụ của mình, đó là thu nhận hàng hóa và chuyển đi đến đúng địa chỉ.

Dù mọi chuyện đều có vẻ đi đúng hướng, thế nhưng những vấn đề bất ổn vẫn tồn tại bên dưới mô hình hoạt động của Shyp. Mặc dù giá cả cho mỗi lần sử dụng dịch vụ là giống nhau, nhưng kích cỡ của kiện hàng mỗi lần giao là rất đa dạng. Để xử lý vấn đề này, công ty bắt đầu áp dụng cách tính cước phí theo kích cỡ của kiện hàng. Dù cho đây là bước đi có vẻ đúng đắn của công ty, thế nhưng nó vẫn gây mất điểm trong mắt khách hàng.

Thêm vào đó, đối tượng hướng đến ban đầu của Shyp là những khách hàng cá nhân. Sai lầm ở đây chính là đối tượng này chỉ thỉnh thoảng mới cần sử dụng đến dịch vụ giao hàng. Họ không phải là đối tượng khách hàng bền vững mà các công ty cần hướng đến.

Để giải quyết vấn đề này, Shyp cố gắng tổ chức lại công ty, điều chỉnh mô hình và đối tượng khách hàng. Họ cắt giảm nhân viên và thu gọn quy mô hoạt động về lại San Francisco. Họ cũng cố gắng thương thảo với những khách hàng là công ty nhỏ, thay vì là các cá nhân như trước đó.

Mặc dù bước chuyển này bước đầu đem lại lợi nhuận, nhưng những sai lầm trước đây của Shyp là quá lớn. Nguồn lợi nhuận sau này không thể bù đắp được các tổn thất khi trước. Do đó, Shyp đã tuyên bố đóng cửa công ty vào đầu năm 2018.

Trong một bài đăng trên LinkedIn, Kevin Gibbon, CEO của Shyp, đã thừa nhận định hướng sai và việc không nghe lời khuyên từ các cố vấn chính là những sai lầm dẫn đến thất bại của Shyp. Shyp đã vừa phải giữ giá cả ở mức cạnh tranh với các công ty khác, vừa phải chịu những chi phí liên quan đến đóng gói hàng hóa, kho bãi và nhân công.

Sự thất bại của Shyp là minh chứng cho những khó khăn khi thành lập một công ty, cùng với sự có ích của những chiến lược dài hơi và đúng đắn, ngay cả khi công ty hoạt động trong một lĩnh vực mà sự thành công gần như được đảm bảo.

Cố gắng phát triển công ty quá nhiều và quá nhanh, cùng với việc thiếu đi sự ổn định cũng như tính toán đến giá cả chính là một đòn chí mạng với các startup.

Thêm vào đó, quá nóng vội với các ý tưởng và các giải pháp công nghệ cũng khiến startup không có được cái nhìn rõ ràng về thị trường, về những điều có thể kỳ vọng. Và cuối cùng, bỏ ngoài tai lời khuyên của cố vấn có thể sẽ là một sai lầm tai hại của các startup.

Hải Vy (Theo Forbes)