Ứng dụng PhotoStudy của Got IT vừa dành giải thưởng top đầu thế giới về thiết kế. Phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo này là sản phẩm của một đội ngũ có sáng lập viên (Founder) là người Việt Nam.

Got It là một trong những công ty công nghệ Việt hiếm hoi có đại bản doanh đặt trong lòng thung lũng Silicon (Mỹ). Đơn vị này chuyên sử dụng AI để cung cấp các giải pháp về lĩnh vực giáo dục. Không nhiều người biết rằng, founder của dự án này là ông Trần Việt Hùng, một nhà khoa học trẻ đến từ Việt Nam.

Hồi năm ngoái, ứng dụng giải toán PhotoSolver của Got It từng đứng thứ 2 ở Việt Nam và top 10 tại Mỹ về mảng Giáo dục. Mới đây, ứng dụng PhotoStudy của công ty này lại vừa giành giải A’ Design Award ở hạng mục “Giải thưởng Thiết kế Công nghệ, Ứng dụng và Phần mềm Di động” (Mobile Technologies, Applications and Software Design Award).

A’ Mobile Design Award là giải thưởng nhằm mục đích tìm ra và tôn vinh các thiết kế di động xuất sắc nhất trên toàn thế giới. Mục đích cuối cùng của cuộc thi là tạo ra nhận thức trên toàn cầu về các mẫu thiết kế thực sự tốt và chuẩn mực.

Giải thưởng A’ Design Award and Competition được trao cho nhóm thiết kế của Got IT với trưởng nhóm Jessika Gouveia cùng các cộng sự gồm là nhà thiết kế giao diện Doãn Hữu Việt và Hoàng Kim Anh, các kỹ sư frontend Đỗ Tuấn Phong và Vũ Quốc Tình. Đáng chú ý khi đây là một trong những giải thưởng top đầu thế giới về lĩnh vực thiết kế.

PhotoStudy của Got IT là ứng dụng sử dụng công nghệ AI để hỗ trợ việc giải các bài tập một cách nhanh chóng và chính xác. Trong thế giới thiết kế trải nghiệm người dùng (UX design) đầy rẫy sự cạnh tranh, các ứng dụng giáo dục chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Tuy nhiên, điều khiến thiết kế của PhotoStudy trở nên nổi bật là sự lựa chọn bảng màu đầy thú vị, bao gồm sắc tím và xanh mòng két.

Đây là một sự lựa chọn không thường thấy trong thiết kế UI nhưng lại “làm nên chuyện”, đặc biệt khi kết hợp với các hình ảnh minh họa độc đáo cùng thiết kế UI gọn gàng và đơn giản. Đó cũng chính là những gì mà người dùng cần ở một ứng dụng giáo dục: ít yếu tố gây xao nhãng và giao diện thân thiện với người dùng.

Trọng Đạt – Vietnamnet

Bài gốc