Trong giới khởi nghiệp và kinh doanh, các doanh nghiệp thường mong muốn tạo ra được những sản phẩm mang tính đột phá và có thể thay đổi cả thế giới. Những tập đoàn ‘khổng lồ’ như Apple và Google mang lại thông điệp cho các nhà khởi nghiệp rằng yếu tố quyết định sự thành công vượt trội là tạo ra một sản phẩm mang thiên hướng cải cách vĩ đại.

Việc quá chú tâm vào những ý tưởng quá lớn lao vô tình lại đánh mất những cải tiến nhỏ nhưng lại cần thiết để tạo ra sản phẩm tốt hơn. Karl Benz được cho là đã thay đổi lịch sử loài người khi phát minh ra xe hơi, song sẽ như thế nào nếu không có ai nghĩ đến việc đặt radio hay các tiện nghi khác trong chiếc xe hơi ấy?

Tương tự như vậy, vô vàn các nhà cải cách đã cải tiến hoặc thêm vào những ‘phụ kiện’ cần thiết để làm cho những sản phẩm đã có sẵn trở nên hữu ích và vượt bậc hơn.

Trở thành 1 nhà sáng lập thành công không có nghĩa là bạn phải gạt bỏ những thứ có sẵn trước đó và xây dựng một thứ hoàn toàn mới. Việc không có 1 ý tưởng đột phá đến mức có thể thay đổi thế giới không có nghĩa là bạn không được bắt đầu kinh doanh. Dưới đây là một số lời khuyên cho những người muốn thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ, hơn là 1 bước nhảy vọt sang những thứ mới mẻ.

Tập trung vào thực tế

Bên cạnh việc không nên lo lắng về chuyện xây dựng 1 sản phẩm mang tính ‘cách mạng’, bạn cũng không nên lo lắng rằng những đổi mới mà mình tạo ra không phải là bước tiến quan trọng nhất đối với sản phẩm đó.

Tiến bộ có thể được thực hiện trong những cú ‘nhảy vọt’, nhưng cũng có thể được tiến triển một cách dần dần để truyền cảm hứng và tạo điều kiện cho sự phát triển sau này.

Và ở 1 mức độ thực tế hơn, hầu hết người tiêu dùng không trông chờ vào 1 sự thay đổi phi thường của sản phẩm, vậy tại sao bạn không đưa ra những cải tiến nhỏ của riêng mình? Và có thể kinh nghiệm sẽ giúp bạn đi tới bước đột phá tiếp theo.

Phân biệt giữa cải tiến cần thiết và ‘vẽ rắn thêm chân’

Khi suy nghĩ về ý tưởng cải thiện một sản phẩm hiện có, bạn nên xem xét sự cần thiết và tiện ích của sự đổi mới đó so với tình trạng hiện tại của sản phẩm. Hầu hết người tiêu dùng đều có khả năng nhận thức được đâu là những cải tiến về chức năng và tiện ích của sản phẩm, và đâu là những sự bổ sung theo kiểu ‘bình mới rượu cũ’.

Hãy chắc chắn rằng bất cứ điều gì bạn thêm vào sản phẩm là thứ gì đó mà khách hàng mong muốn, chứ không đơn thuần chỉ là thứ bạn muốn bán ra.

Tránh bị ‘đụng hàng’

Trong vấn đề sở hữu trí tuệ, bất kì nhà sáng tạo nào muốn chế tạo một sản phẩm hoặc phụ kiện nên chắc chắn rằng họ là người duy nhất nghĩ ra và làm điều đó. Với hàng chục ngàn người có tư duy dám nghĩ dám làm khác trên khắp cả nước, có khả năng ai đó đã có ý tưởng tương tự như bạn, và đã đăng kí bằng sáng chế hoặc nhãn hiệu trước đó.

Vì thế, bạn nên tìm kiếm trên cơ sở dữ liệu để chắc chắn rằng bạn không mất thời gian và tiền bạc để phát triển một ý tưởng mà người khác đã sở hữu rồi.

Chúng ta cần có những người dám nghĩ dám làm để giải quyết những thách thức và trở ngại lớn mà thế giới đang gặp phải. Nhưng những công ty khởi nghiệp không nên chỉ là nơi sản sinh ra những sáng kiến vĩ đại, bất kì ý tưởng lớn hay nhỏ đều cần thiết trong việc xây dựng và thay đổi thế giới.

Linh Nguyễn Lê (theo Forbes)