Những câu chuyện viển vông, những điều ngộ nhận là một phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực đời sống, và kinh doanh cũng không phải ngoại lệ. Những “câu chuyện cổ tích” xuất hiện và “thống trị” khi kiến thức bị thiếu hụt, cho đến khi những người mơ mộng về chúng bị lạc lối, sai lầm. Thường thì những câu chuyện này có thể không gây hại gì, tuy nhiên chúng ta vẫn cần giáo dục và bồi dưỡng để phòng tránh những điều ngộ nhận này có thể ảnh hưởng xấu đến con người.

Một trong những suy nghĩ sai lầm trầm trọng nhất và lâu bền nhất trong giới startup chính là tồn tại những công ty hoặc những lĩnh vực có thể hoạt động mà không cần đến sở hữu trí tuệ (intellectual property – IP), hoặc ít nhất xem chúng không có vai trò gì trong việc đưa ra quyết định.

Mặc dù không có cơ sở nào cho ngộ nhận này, tuy nhiên không khó để hiểu được vì sao nó lại xuất hiện. Sở hữu trí tuệ được ứng dụng trực tiếp vào những sự vật, sự việc có thực, thế nhưng bản thân nó là một điều trừu tượng. Trong lĩnh vực mà người ta chỉ quan tâm đến bản thân và những tài sản hiện hữu, thì một điều trừu tượng bị lãng quên cũng không có gì khó hiểu.

Sở hữu trí tuệ tồn tại trong mọi ngành kinh doanh, và được xem như xương sống của tất cả hoạt động. Những công ty thành công nhất trên thế giới đều nhận thức được tầm quan trọng của bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền và bí mật thương mại.

Họ biết rằng một danh mục sở hữu trí tuệ mạnh chính là nền tảng để họ tiếp tục xây dựng và đổi mới. Đó là lý do vì sao họ không tiếc tài nguyên để bảo vệ thứ tài sản vô hình này. Chẳng phải ngẫu nhiên khi những công ty thường xuyên đăng ký sở hữu trí tuệ nhất là những công ty đi đầu trong đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, dù cho có những bằng chứng này, thì một bộ phận vẫn đang “từ chối” tiếp nhận tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong việc kinh doanh. Đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ thường chưa đủ hiểu biết và luôn nghĩ rằng quy mô kinh doanh của họ chưa đủ “tầm” để nghĩ đến sở hữu trí tuệ.

Chẳng hạn những công ty làm vườn địa phương. Miễn sao vẫn còn những sân vườn, những bụi cỏ cần được tỉa tót, thì công việc của họ vẫn còn đất dụng võ. Đây rõ ràng là một dịch vụ thiết yếu. Mặc dù vậy, có lẽ những người làm vườn “tham vọng” nhất cũng chẳng nghĩ rằng họ đang nắm trong tay một vài sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên trên thực tế, thương hiệu của họ, logo của họ, tên tuổi của họ, những mối quan hệ làm ăn của họ, đều là sở hữu trí tuệ và đều cần được bảo vệ.

Tương tự vậy, các công ty cũng thường không nghĩ về việc sở hữu trí tuệ trong những sản phẩm họ dùng trong tiếp thị, dù cho nó xuất hiện trên website, quảng cáo kỹ thuật số hay các tài liệu in. Họ thường nghĩ rằng ai mà chẳng có website. Vậy một đoạn chữ, hoặc một hình ảnh, thì có giá trị bao nhiêu.

Tuy nhiên, chúng có vị thế ngang bằng với những gì bạn bán, với những gì công ty đang giới thiệu, và với những gì khách hàng đang mong chờ. Chẳng hạn khi người ta xem một đoạn quảng cáo và liên tưởng ngay lập tức đến công ty của bạn, thì đó là một kết quả còn quý hơn vàng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần bảo vệ thương hiệu của mình để tránh các đối tượng khác lợi dụng thương hiệu của mình.

Việc ngộ nhận rằng sở hữu trí tuệ không tồn tại, hoặc chỉ tồn tại ở những công ty lớn mạnh, sẽ vẫn còn kéo dài dai dẳng, nếu giáo dục về sở hữu trí tuệ chỉ mãi là một phần tự chọn không bắt buộc khi bắt đầu thành lập các công ty.

Với những người cố tình không chịu hiểu, thì chỉ có những bài học đắng cay từ các lỗi lầm mới có thể thức tỉnh họ. Giáo dục và chuẩn bị về sở hữu trí tuệ là một hành trình dài mà các nhà khởi nghiệp tương lai cần phải biết và nắm được.

Hải Vy (Theo Forbes)