Facebook vừa cho ra mắt sản phẩm màn hình thông minh có tên gọi là Portal. Đây là một kiểu trợ lý ảo với tham vọng cạnh tranh với Amazon, Apple, Google và Microsoft. Portal cho phép người dùng gọi video cùng nhiều tính năng tiện ích khác. Nhưng trong tình cảnh Facebook suốt ngày bị hack, ai sẽ dám dùng sản phẩm này?

Vấn đề bảo mật của Facebook

Cơ bản thì Portal là thiết bị để gọi video/phát nhạc, và khi kết hợp với Alexa của Amazon sẽ trở thành 1 trợ lý ảo rất tiện ích tại gia. Thiết bị sử dụng: Màn hình, Loa, Camera và mic thu âm để tương tác với người dùng.

Tiềm năng của Portal là rất lớn khi nó có thể giúp con người ghi chú, hẹn giờ, tra cứu thông tin, gửi mail, điều khiển thiết bị trong nhà hoàn toàn bằng giọng nói. Trong tương lai, những thiết bị trợ lý ảo như này được kỳ vọng sẽ đưa sinh hoạt hằng ngày thành tự động hoá.

Nhưng có vẻ Portal đã bị ngờ vực ngay khi được giới thiệu. Một làn sóng nghi ngờ và mỉa mai nổi lên trên khắp các trang mạng xã hội về khả năng bảo mật của Facebook và Portal:

  • Portal được ví như tai mắt của Mark theo dõi người dùng 24/24.
  • Lo sợ những thông tin nhạy cảm như địa chỉ, số điện thoại, tin nhắn, những hình ảnh/đoạn hội thoại thường ngày có thể bị phát tán khắp nơi (sự việc này đã có tiền lệ với Alexa của Amazon)
  • Lo sợ những thông tin Portal cung cấp cho người dùng có thể được thao túng để mang lại lợi ích cho ai đó. Nhẹ thì là để bán hàng, nặng là để điều hướng chính trị như vụ Cambridge Analytica.

Theo một cuộc khảo sát của Vox trên Twitter, 96% trong tổng số 1.253 người tham gia khảo sát nói rằng họ không tin tưởng vào sản phẩm này.

Facebook rõ ràng đã chọn sai thời điểm để ra mắt Portal. Trong năm nay Facebook đang liên tục vướng phải những rắc rối về bảo mật. Từ bê bối Cambridge hồi đầu năm, Mark Zuckerberg phải điều trần trước Quốc Hội, đến việc bị hacker xâm nhập lấy đi thông tin của 50 triệu tài khoản ngay mới đây.

Uy tín của Facebook đang quá thấp để ra mắt 1 sản phẩm như Portal: Ngay cả sản phẩm chính của họ – mạng xã hội Facebook – cũng không thể đảm bảo được vấn đề bảo mật. Thì khó có gì đảm bảo 1 sản phẩm về phần cứng – thứ mà Facebook trước giờ chưa bao giờ làm – có thể đảm bảo bảo mật. Khó có gì đảm bảo camera và thiết bị thu âm của Portal sẽ không âm thầm thu thập thông tin của người dùng, và cung cấp những thông tin sai lệch để thao túng họ.

Thật ra, Portal được Facebook lên kế hoạch ra mắt từ đầu năm nay. Đúng lúc đó scandal Cambridge bị phanh khui, nên họ đã hoãn lại chờ cho mọi chuyện nguội đi. Nhưng khủng hoảng bảo mật cứ thể tiếp tục ập đến Facebook, và khi thời gian chờ đợi đã quá lâu, khiến họ bắt buộc phải tung ra sản phẩm vào thời điểm này. Kết quả thì ai cũng đã thấy.

Để vớt vát lại chút lòng tin, Facebook công bố rằng Portal được thiết kế với triết lý tập trung vào bảo mật. Mọi thông tin và dữ liệu sẽ được xử lý cục bộ tại thiết bị, trên thiết bị không có tính năng nhận diện khuôn mặt, và thiết bị cũng sẽ không cố xác định người sử dụng là ai. Portal sẽ chỉ kết nối với máy chủ của Facebook khi nghe được câu lệnh “Hey Portal”.

Tuy nhiên điều này khá khó tin vì những tính năng trên Portal chắc chắn đòi hỏi việc nhận diện khuôn mặt và phân tích dữ liệu người dùng:

Đầu tiên là chế độ Smart Camera và Smart Sound. Khi gọi video, màn hình sẽ tự động xác định khuôn mặt người gọi để điều chỉnh góc nhìn sát theo người đó. Người gọi đi ra xa, camera cũng sẽ zoom ra xa. Người gọi đi qua trái, camera cũng sẽ zoom qua trái. Khi thiết bị nhận diện được có nhiều người gọi, camera cũng sẽ lấy 1 góc rộng hơn để bao quát toàn cảnh.

Ngoài ra, thiết bị cũng có những chế độ vui như trên Facebook video call, như hiệu ứng AR, các bộ lọc và sticker. Chế độ Smart Sound thì cho thiết bị khả năng lọc giọng nói ra khỏi tiếng ồn, giúp âm thanh trong trẻo hơn. Tất cả những tính năng này ai cũng biết là phải được tích hợp AI giúp nhận diện khuôn mặt và nhận diện giọng nói.

Tiếp theo là Alexa của Amazon vốn đã làm nhiều khách hàng sợ chết khiếp, khi nó đã tự ghi âm đoạn nói chuyện của 1 cặp vợ chồng và gửi cho 1 liên hệ ngẫu nhiên trong danh bạ.

Amazon cũng sở hữu bằng sáng chế có tên “Xác định từ khoá từ dữ liệu hội thoại”, cho phép Alexa phân tích các từ khoá trong các đoạn hội thoại thường ngày phục vụ cho quảng cáo. Ví dụ, bạn nói chuyện với vợ về việc mua 1 chiếc tủ mới, Alexa có thể hiểu được từ khoá “chiếc tủ” và ngay sau đó, khi bạn lướt web quảng cáo về tủ sẽ hiện lên.

Tuy Amazon nói rằng họ sẽ không áp dụng công nghệ phân tích từ khoá trên, cũng như sự việc hy hữu của 2 vợ chồng chỉ là sự cố. Nhưng khách hàng cũng không thể nào yên tâm được.

Muốn phát triển chắc chắn phải có niềm tin, nhưng quan trọng là tin ai

Nếu như ai từng xem các bộ phim về tương lai, thì trợ lý ảo gần như là thứ không thể thiếu trong mỗi căn nhà. Các thiết bị này là cầu nối giúp con người bước vào thời kỳ tự động hoá hoàn toàn. Và để đạt được viễn cảnh đó, họ đang buộc phải chấp nhận tin tưởng vào công nghệ, để AI thu thập và phân tích dữ liệu giúp trợ lý ảo thông minh hơn, với “hy vọng” rằng những công nghệ ấy sẽ không bán đứng họ trong tương lai.

Apple, Amazon, Microsoft, Google và Facebook là 5 ông lớn đang dẫn đầu trong việc phát triển trợ lý ảo. Google, Amazon đã dính chàm làm tổn hại đến niềm tin của người dùng. Apple vốn làm rất tốt trong việc này cũng vừa mới dính scadal chip độc Trung Quốc. Còn Microsoft vốn chưa dính vào scandal nào về lợi dụng dữ liệu người dùng, nhưng khả năng bảo mật của Microsoft cũng không được đánh giá cao mấy. Nhưng tệ hơn cả là Facebook, có vẻ như họ đang lặn ngụp dưới tận đáy.

Niềm tin sẽ là chiến trường mới của các gã khổng lồ. Facebook hiện đang đứng rất thấp, họ thật sự cần làm 1 điều gì đó để cải thiện hình ảnh cũng như toàn bộ tương lai của họ. Nếu không làn sóng nghi ngờ về Portal mới chỉ là khởi đầu cho sự lụi tàn của Facebook.

Surphi10