VNG ký biên bản ghi nhớ về việc niêm yết cổ phiếu ở Mỹ, Foody nhận khoản vốn 64 triệu USD từ SEA là hai trong số những sự kiện gây chấn động giới khởi nghiệp Việt Nam trong năm ngoái.

Giới khởi nghiệp Việt Nam đang lớn nhanh trong thời gian gần đây. Nhờ sức mua ngày càng tăng, dân số chuộng công nghệ và cơ sở hạ tầng Internet tốt, Việt Nam đang lọt vào tầm ngắm của nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm muốn rót vốn vào khu vực Đông Nam Á. Trong khi giới chuyên môn nhận định Indonesia – quê hương của 3 “kỳ lân” là Go-Jek, Tokppedia và Traveloka – là thị trường quá nóng thì tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn ở trạng thái âm ỉ, chứ chưa bùng nổ. Vì thế, các nhà đầu tư chỉ có thể đánh giá tiềm năng thị trường Việt Nam thông qua những sự kiện lớn trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Việc Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs rót vốn cho ví điện tử MoMo là sự kiện lớn trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2006. Còn trong năm 2017, Deal Street Asia nhận định các sự kiện sau đây là dấu mốc lớn.

VNG ký biên bản ghi nhớ để phát hành cổ phiếu ở sàn Nasdaq

Hồi tháng 5/2017, VNG trở thành đề tài nóng hổi của giới truyền thông khi họ công bố biên bản ghi nhớ với Nasdaq để niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai thế giới. Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG, nói rằng quá trình niêm yết có thể kéo dài tới hai năm từ ngày ký biên bản ghi nhớ. Mặc dù vậy, biên bản cho thấy VNG có khả năng trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam phát hành cổ phiếu ở nước ngoài. Hãng hàng không giá rẻ Vietjet cũng có kế hoạch tương tự.

SEA chi 64 triệu USD để mua cổ phần Foody

64 triệu USD là số tiền mà SEA, một công ty khởi nghiệp ở Singapore, chi để mua 82% cổ phần của Foody. Trước đó SEA đã rót vốn cho Foody từ vòng gọi vốn B vào năm 2015. SEA công bố thương vụ trong một thông báo vào tháng 7 năm ngoái. Ứng dụng Foody cho phép người sử dụng tìm và khám phá những nhà hàng, cơ sở kinh doanh ẩm thực trên cả nước. Nó cũng có dịch vụ tương tự cho mảng du lịch và làm đẹp. Những mảng kinh doanh theo chiều dọc bao gồm giao hàng, đặt bàn.

Alibaba bước vào thị trường thanh toán điện tử Việt Nam

Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba, tạo nên cơn sốt trong giới khởi nghiệp Việt Nam khi ông tới Việt Nam hồi tháng 11 năm ngoái để tham dự diễn đàn thường niên về thanh toán điện tử. Không chỉ thực hiện những bài diễn thuyết đầy cảm hứng, ông còn ký thỏa thuận chiến lược với công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS).

Hiện tại NAPAS là đơn vị trung gian thanh toán duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam. Cổ đông chính của NAPAS gồm Ngân hàng nhà nước và 15 Ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam.

Theo thỏa thuận, Alipay – công ty thanh toán điện tử thuộc Alibaba – sẽ có thể cung cấp dịch vụ cho du khách Trung Quốc thông qua các ngân hàng thành viên và mạng lưới dịch vụ thanh toán trung gian của NAPAS.

Sau khi mua Lazada với giá 1 tỷ USD vào năm ngoái, đế chế của Jack Ma sở hữu trang web thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam vè số lượt truy cập theo tháng. Bằng cách tiến vào thị trường thanh toán điện tử của Việt Nam, Alibaba sẽ có cơ hội nhận miếng bánh lớn hơn trong ngành thương mại điện tử có giá trị tới 10 tỷ USD vào năm 2020.

JD.com đầu tư 44 triệu USD cho Tiki

Mức tăng trưởng hai con số của lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam là cơ hội vàng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc. JD.com, tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc, quyết định đầu tư 44 triệu USD (1.000 tỷ đồng) cho Tiki, một nền tảng thương mại điện tử do VNG hậu thuẫn, theo Nhịp Cầu Đầu Tư. VNG rót 17 triệu USD để lấy 38% cổ phần của Tiki trong năm 2016.

Hồi đầu năm 2017, một nguồn tin thân cận với Tiki tiết lộ với Deal Street Asia rằng Tiki muốn gọi vốn lần thứ tư với mục tiêu giành được 50-60 triệu USD và thương vụ có thể hoàn thành trong năm. Sau đó Deal Street Asia biết JD.com dẫn đầu vòng gọi vốn này.

Kim Cương – Kinh tế & Tiêu dùng