Với những startup, việc nắm bắt được các xu hướng mới nhất luôn là điều then chốt dẫn đến thành công. Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc nắm bắt chặt chẽ thị trường chính là chìa khóa để đảm bảo cho số vốn đầu tư của mình. Muốn điều hành một startup thành công, thì người chủ, nếu không tự định hình được xu hướng, thì ít nhất phải bắt kịp chúng.

Chẳng hạn, khi Dollar Shave Club – một công ty dao cạo râu – ra mắt công chúng năm 2011, mô hình subscription (đăng ký sử dụng theo thời gian hoặc thuê bao) và những quảng cáo không ăn nhập gì của công ty này lại gây được ấn tượng lớn trong thị trường. Một ông lớn khác trong ngành, Gillette, đã không hề ngó lơ xu hướng này.

Gillette lập tức có những phản hồi rất nhanh chóng với Gillette Shave Club (sau này đổi thành Gillette on Demand). Với dịch vụ cho phép người dùng được thay lại lưỡi dao sau một thời gian sử dụng (với số lượng dao cạo quy định), chiến thuật này đã giúp Gillette trở nên rất khác biệt so với những đối thủ khác.

Mô hình subscription tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, nhưng đó không phải là một mô hình phù hợp với tất cả công ty. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta phủ nhận rằng có rất nhiều xu hướng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thị trường. Ba xu hướng được đề cập dưới đây có lẽ sẽ là những xu hướng định hình được nền kinh tế khởi nghiệp trong năm 2019.

 

1. Không gian làm việc chung sẽ phát triển

 

Chuyện một văn phòng là nơi làm việc của nhiều công ty hiện đang rất thịnh hành ngày nay. Vào tháng 8/2018, WeWork đã thông báo rằng họ sẽ mở rộng gấp đôi trụ sở ở Seattle – minh chứng cho việc những startup cùng nhau chia sẻ nơi làm việc đã, đang, và sẽ phát triển rất nhanh.

Vậy vì sao xu hướng này gây được nhiều hứng thú như vậy? Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Knowledge Management Research & Practice, sự gần gũi về không gian sẽ khuyến khích việc hợp tác và kích thích việc trao đổi kiến thức.

Nhiều người nghĩ rằng xu hướng này chỉ phù hợp với những công ty đang trong thời kỳ ‘trứng nước’, bởi nó giúp công ty tiết kiệm được nhiều chi phí mà họ không thể đáp ứng được, thì những ví dụ gần đây sẽ giúp chúng ta biết được rằng điều này còn được những công ty khác áp dụng rất triệt để.

Chẳng hạn, văn phòng của hãng Boeing ở Cortex Innovation Community, St.Louis đã nhận được lời ‘mời chào’ chia sẻ không gian làm việc của 15 thương hiệu tên tuổi khác như T-REX, DK Annex hay TechArtista. Việc chia sẻ này sẽ giúp các công ty “tận dụng” được những nguồn tài nguyên của bên kia, cũng như khiến họ trở thành nhà đầu tư, khách hàng, thậm chí là đối tác của mình trong tương lai.

2. Tăng trưởng quá sớm cản bước khả năng chuyển hướng chiến lược

Trong nghiên cứu 2011 Startup Genome với hơn 3200 startup công nghệ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra có đến 70% các startup thất bại đều có được sự tăng trưởng từ rất sớm.

Mặc dù chúng ta biết được rằng phát triển là tốt, thế nhưng phát triển quá sớm có thể khiến startup bị vượt quá tầm với của những nguồn tài nguyên hiện có trước khi đạt được những tiêu chuẩn cần thiết, chẳng hạn như xác định phân khúc thị trường, thuê được đội ngũ nhân sự chủ chốt để hỗ trợ sự phát triển ấy.

Chính vì vậy, bạn cần duy trì được nguồn vốn và sự tỉnh táo của mình, cũng như phải chịu khó “nhấc mông lên” để xác định những mô hình và chiến lược kinh doanh cần thiết. Casey Schorr, người sáng lập Printfection, cho rằng biết được thời điểm thích hợp để chuyển hướng chính là một “sự tiến hóa tự nhiên”.

Theo đó, trước khi Printfection chuyển hướng chiến lược, Schorr và đội ngũ của mình đã nhận ra được hai sự thật: thứ nhất, họ không đủ đam mê với mô hình kinh doanh sau này của công ty; thứ hai, khách hàng của họ sử dụng nền tảng với cách thức khác hoàn toàn so với những gì nó được thiết kế trước đó. Hai nhận định này giúp công ty xác định được thời điểm thích hợp để chuyển hướng chiến lược.

Chuyển hướng chiến lược, dù đa số hay thiểu số, đều có thể là những bước đệm cho sự phát triển vững chắc, bởi nó cho phép một startup lớn mạnh hơn, trưởng thành hơn. Duy trì được “cái đầu lạnh” trước sự phát triển của công ty sẽ giúp bạn tránh được quả đắng “tham thì thâm”.

3. Những tập đoàn lớn bắt đầu để bắt đến các startup nhỏ

Với những ngành công nghiệp như tài chính, nông nghiệp và sản xuất, tập đoàn lớn đồng nghĩa với thách thức lớn. Do đó, các doanh nghiệp này đang dần dần “để ý” đến những startup nhỏ hơn như một giải pháp khắc phục.

Những tập đoàn lớn dĩ nhiên sẽ có cái lợi của mình, đặc biệt là về ngân sách. Tuy nhiên, những tập đoàn lớn này lại thiếu sự nhanh nhạy để tạo ra các cải tiến. Ngược lại, những công ty startup nhỏ sẽ dễ dàng ươm mầm những ý tưởng mới lạ hơn và không hề vấp phải trở ngại từ một loạt cổ đông hay quan chức.

Với những doanh nhân khởi nghiệp non trẻ, việc đầu tư công sức để thấy được ý tưởng của mình ảnh hưởng như thế nào đến cả nền công nghiệp là điều luôn được coi trọng. Khi ấy, những tập đoàn lớn sẽ trở thành nguồn vốn và đối tác hứa hẹn với những startup này.

Với tư cách một người sáng lập startup, bạn cần liên tục cập nhật những công nghệ mới, những sự phát triển mới trong điều hành và tài chính để mang đến cơ hội thành công cao nhất. Khi ấy, nắm bắt được xu hướng sẽ giúp bạn đến gần hơn với tương lai, trang bị cho mình những điều kiện tốt nhất để phát triển sau này.

Hải Vy (Theo Fobres)