Lượng người sử dụng điện thoại di động kết nối internet ngày càng tăng lên kéo theo nhu cầu ứng dụng cho di động cũng tăng chóng mặt. Năm 2016, tổng thời gian sử dụng các ứng dụng của người dùng trên toàn cầu là trên 1.6 nghìn tỉ giờ, tăng hơn 50% so với năm 2015. Tổng lượt tải ứng dụng qua hai hệ Android và iOS đạt 90 tỉ lượt, doanh thu hàng năm tăng ở mức trên 40%.

Những con số khổng lồ này dễ làm nhiều người choáng ngợp. Tuy nhiên, dẫu thị trường quá lớn, miếng bánh đã trở nên rất khó nhằn. Nếu bạn định xây dựng và bán ứng dụng với suy nghĩ, ý tưởng tuyệt vời này của mình chỉ cần tận dụng một phần nhỏ của thị trường thôi đã có thể biến mình thành tỉ phú, bạn quả là kẻ mơ hão. Thậm chí chỉ cần đủ cho bạn sống thoải mái cũng còn mơ hồ nữa kìa.

Bạn có biết, năm 2015, 60% người phát triển ứng dụng thu nhập dưới chuẩn nghèo, với mức lợi tức ít hơn 500$/ tháng. Số liệu thống kê cũ hơn cho thấy 80% người phát triển ứng dụng không kiếm được đủ tiền để phát triển hoạt động kinh doanh.

Thị trường của ông lớn

Vậy nhu cầu và dòng tiền đổ vào thị trường rốt cuộc đi đâu? Nó đã cuốn theo cuộc chơi của các ông lớn:

  • Theo nghiên cứu, trung bình người Mỹ sử dụng 90% thời gian cho 5 ứng dụng họ hay dùng nhất. Điều này có nghĩa là, gần như người sử dụng không ngó ngàng đến các ứng dụng họ không dùng thường xuyên.
  • Facebook và Google thống lĩnh thị trường ứng dụng di động. Hai công ty này sở hữu toàn bộ 6 ứng dụng có tỉ lệ sử dụng cao nhất, và chiếm 8 trong số 10 ứng dụng hàng đầu, theo báo cáo Ứng dụng di động ở Mỹ năm 2017 của comScore.

Đó là tại thị trường Mỹ. Thị trường toàn cầu cũng gần như vậy. Cửa hàng ứng dụng của Apple và Google đã chiếm thị phần hoàn toàn chi phối, không những thế còn ngày càng tăng lên. Các ông lớn tất nhiên vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, đầu tư mở rộng để giữ vững và tăng thêm thị phần. Chẳng hạn, Google đang đẩy mạnh ứng dụng Instant cho phép người dùng có thể sử dụng luôn vài tiện ích họ cần từ một ứng dụng khác mà không phải tải ứng dụng đó.

Vô số đối thủ

Bạn có lẽ đã xác định cạnh tranh với các ‘ông lớn’ gần như là điều không thể. Nhưng hơn thế nữa, bạn còn phải cạnh tranh với hàng triệu ứng dụng đang được cung cấp hiện nay. Với hai cửa hàng ứng dụng của Google và Apple, đã có hàng chục tỉ, và sắp lên hàng trăm tỉ lượt tải về với hàng chục triệu ứng dụng rồi.

Giữa vô số đối thủ, làm thế nào để ứng dụng của bạn nổi bật và được ưa chuộng?

“Hữu xạ tự nhiên hương”? Người dùng và thị trường là thông thái?

Khá nhiều nhà phát triển và doanh nghiệp đã nghĩ sai về việc này. Họ cho rằng chỉ cần ứng dụng đủ tốt, cung cấp cho người sử dụng vài thứ họ cần, lượt tải sẽ tăng theo tự nhiên và ứng dụng dễ dàng lọt top đầu.

Sự thật, rất tiếc, lại không đơn giản như vậy. Thực ra, nhìn con số hàng chục triệu ứng dụng, nhiều người hẳn cũng đã hiểu rõ mọi chuyện không hề đơn giản.

Tại kho ứng dụng, có 3 cách cơ bản một ứng dụng có thể được tiếp cận là:

  • Xuất hiện ở đầu bảng
  • Nội dung hợp xu hướng (chẳng hạn theo mấy chủ đề đang nóng)
  • Được tìm kiếm

Với cách 1: hãy bật máy điện thoại vào cửa hàng ứng dụng, bạn sẽ thấy, mỗi lúc chỉ 2 hoặc 3 ứng dụng ít ỏi được xuất hiện ra ngay ở đầu mỗi chuyên mục (category). Người dùng thì ít ai bỏ thời gian để lục lọi ngóc ngách sâu vào trong chuyên mục. Vậy là, cơ hội ứng dụng của bạn xuất hiện trước mắt người dùng tiềm năng cực kì ít ỏi.

Với cách 2: Hợp xu hướng, đi theo chủ đề nóng – thứ rất nhiều người đang quan tâm, đúng là có khả năng ứng dụng của bạn sẽ được lan truyền. Nhưng bạn đã nghe câu: ‘‘để ứng dụng lan truyền hiện nay còn khó hơn vô địch giải bóng rổ nhà nghề Mỹ” chưa?

Với cách thứ 3: Người sử dụng sẽ tự vào cửa hàng ứng dụng và tìm kiếm ứng dụng của bạn. Vì sao họ đồng loạt tìm đến bạn giữa hàng chục triệu ứng dụng khác? Trừ phi ứng dụng của bạn là tuyệt vời nhất trên đời, không ứng dụng nào có thể so sánh nổi. Xây dựng một ứng dụng xuất sắc như thế càng không dễ hơn vô địch giải bóng rổ nhà nghề, tất nhiên.

Chi phí quảng bá vô cùng tốn kém

Nhìn lại cả 3 cách trên, bạn hẳn sẽ thấy, điều quan trọng trước hết là ứng dụng của mình phải được biết đến. Để được biết đến, chắc chắn bạn sẽ cần nhiều ngân sách cho quảng cáo.

Mà ngân sách, hay tiền bạc, chính là rào cản lớn nhất đối với các nhà phát triển ứng dụng hiện nay.

Bạn có biết, video quảng cáo trò chơi ‘Game of War’ của hãng Machine Zone ngốn tới 1 triệu USD/ngày. Tổng chiến dịch hết gần 40 triệu USD.  

Thậm chí khi có vốn để đầu tư quảng bá rồi, khả năng thu hồi vốn cũng là một câu hỏi hóc búa. Danh sách các nhà phát triển ứng dụng và các doanh nghiệp – đã chi mạnh cho quảng cáo nhưng hiện vẫn phải vật lộn tìm kiếm lợi nhuận – càng ngày càng dài.

Với những người không có thế mạnh tài chính, có rất nhiều lời khuyên cho bạn tìm đến các phương thức để quảng bá miễn phí hay ít tốn kém, nhưng thực tế cánh cửa thành công gần như đã khép. Quảng cáo, PR, các chương trình của các ứng dụng được tài trợ hay được trả tiền luôn dễ dàng đè bẹp bạn trên mọi nẻo đường quảng bá.

Đó là thực tế thị trường ứng dụng hiện nay.