Nhiều xu hướng công nghệ rầm rộ khi ra đời và sau đó thoái trào lặng lẽ, nhưng cũng rất nhiều xu hướng đã để lại những dấu ấn quan trọng có thể làm thay đổi thế giới của chúng ta. Trong năm 2018 và các năm tiếp theo, những xu hướng công nghệ nào sẽ tạo dấu ấn hàng đầu? Hãy cùng điểm qua 9 xu hướng nổi bật nhất dưới đây.

1. Lượng dữ liệu ngày càng tăng

 

 

Từ trò chuyện với bạn bè trong ứng dụng nhắn tin, hay mua cà phê, quẹt thẻ, đến nghe nhạc trực tuyến, ngày nay hầu như mọi thứ chúng ta đang sử dụng đều để lại vết dữ liệu. Và lượng dữ liệu ngày càng tăng lên này đã dẫn đến một sự bùng nổ dữ liệu chưa từng có.

Trung bình chỉ trong một phút, Facebook nhận 900.000 lượt đăng nhập, hơn 450.000 tin Tweets được đăng tải, 156 triệu email và 15 triệu văn bản được gửi đi. Với những con số như vậy, không có gì ngạc nhiên khi cứ hai năm một lần chúng ta lại tăng gấp đôi lượng dữ liệu được tạo ra trên thế giới.

2. Mạng lưới kết nối internet (Internet of Things – IoT) và các thiết bị hàng ngày trở nên ngày càng “thông minh”

 

 

IoT – bao gồm các sản phẩm kết nối, thông minh như điện thoại và đồng hồ thông minh – là một yếu tố quan trọng góp phần tăng dữ liệu theo cấp số nhân. Đó là bởi các thiết bị thông minh này liên tục thu thập dữ liệu, kết nối với các thiết bị khác và chia sẻ dữ liệu đó – tất cả đều không có sự can thiệp của con người (chẳng hạn như dữ liệu đồng bộ hóa Fitbit với điện thoại của bạn).

Hiện nay khá nhiều thứ có thể biến thành vật dụng thông minh. Xe hơi của chúng ta ngày càng được kết nối nhiều hơn, và đến năm 2020, một phần tư của số lượng 1 tỷ xe sẽ được kết nối với Internet. Trong nhà, chúng ta có nhiều sản phẩm thông minh rõ ràng như TV hay những vật dụng thông minh ít rõ ràng hơn, chẳng hạn như thảm yoga có thể theo dõi tư thế tập của bạn. Và, tất nhiên, cả trợ lý cá nhân điều khiển bằng giọng nói như Alexa, Siri mà nhiều người đang sử dụng, cũng là một ví dụ khác của IoT.

Dù đã có nhiều thiết bị như vậy, nhưng IoT chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu. Người ta dự đoán đến năm 2020, sẽ có 75 tỷ thiết bị được kết nối trên thế giới.

3. Sự gia tăng đáng kinh ngạc của trí tuệ nhân tạo (AI)

Máy tính giờ đây có thể làm nhiều thứ tương tự con người, và sự nhảy vọt của trí tuệ nhân tạo (AI) này chính là nhờ vào gia tăng dữ liệu và công suất tính toán. Sự bùng nổ dữ liệu quá lớn đã khiến AI gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây. Dữ liệu càng nhiều, hệ thống AI học càng nhanh, và càng chính xác hơn.

Bước tiến lớn trong AI có nghĩa là máy tính giờ đây có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ của con người hơn. Thực tế, AI giúp máy tính nhìn thấy (ví dụ như phần mềm nhận dạng khuôn mặt), đọc (ví dụ như phân tích các thông điệp truyền thông xã hội), lắng nghe (ví dụ như Alexa ở bên để trả lời mọi mệnh lệnh của bạn), nói (ví dụ như Alexa có thể nói với bạn) và đánh giá cảm xúc của chúng ta (ví dụ như phần mềm đo tình cảm).

4. Mức tăng trưởng theo cấp số nhân của công suất tính toán giúp tạo ra những tiến bộ kỹ thuật to lớn

 

 

Sẽ không có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc về dữ liệu, cũng như không có hàng tỷ thiết bị IoT có thể sử dụng, nếu không có sự phát triển vượt bậc trong công suất tính toán mà chúng ta đã đạt được. Từ năm 1975 đến năm 2015, cứ 2 năm một lần, công suất tính toán lại tăng gấp đôi, mặc dù gần đây đã có dấu hiệu giảm tốc với mức tăng gấp rưỡi trong 2 năm.

Tuy nhiên, chúng ta đang đạt đến giới hạn với những gì công suất tính toán truyền thống có thể xử lý. May mắn là, sắp tới đây, chúng ta có điện toán lượng tử. Có lẽ đó sẽ là sự chuyển đổi to lớn nhất của tính toán điện toán từ trước tới nay. Các máy tính ứng dụng tính toán lượng tử sẽ trở nên nhanh gấp hàng triệu lần so với hiện nay.

Các hãng công nghệ hàng đầu đang chạy đua để đưa ra thị trường những máy tính lượng tử đầu tiên có khả năng giải quyết các vấn đề mà các máy tính ngày nay không thể xử lý. Thậm chí, những máy tính này có khả năng giải quyết nhiều vấn đề mà chúng ta không thể tưởng tượng được ra.

 

Hà (Theo Forbes)