Có một câu nói đùa rằng: “Cứ 10 doanh nghiệp startup thì có đến 11 doanh nghiệp sẽ thất bại.”

Từ sau thất bại của chính mình, tôi bị ám ảnh bởi những sai lầm trong cách thức vận hành doanh nghiệp. Tôi đã nghiên cứu rất nhiều bài học thất bại của các công ty khởi nghiệp. Tôi tổng hợp và biên soạn những bài học xương máu đó vào một tài liệu của riêng mình. Dưới đây là 7 bài học nổi bật nhất tôi đã rút ra được.

1. Sản phẩm không phù hợp thị trường

Phần lớn thất bại của các công ty khởi nghiệp đều bắt nguồn từ một lý do cơ bản: Thiếu thị trường tiêu thụ.

Thị trường chính là yếu tố quan trọng nhất đối với thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Lý do chính dẫn đến thất bại của các doanh nghiệp B2B hay B2C đều là do thiếu thị trường. Ngay cả với đội ngũ nhân viên tốt nhất, cùng sản phẩm tốt nhất, vẫn có thể thất bại nếu thị trường không tồn tại.

Nếu bạn định bỏ thời gian và công sức ra để sản xuất một sản phẩm, hãy chắc rằng có một thị trường phù hợp cho thứ bạn đang gây dựng.

2. Sẵn sàng để thất bại trong ba năm đầu

Một công ty startup không sụp đổ sau 1 đêm. Thông thường sẽ có một sự suy giảm dần dần và rất dễ thấy trong một hoặc một vài thời điểm. Những sự suy giảm này thường bị bỏ qua và không sửa chữa kịp thời cho đến khi đã quá muộn để cứu vãn tình thế.

Nghiên cứu của tôi cho thấy trung bình phải mất khoảng bốn năm để một công ty start up B2B thất bại, và ba năm cho một công ty B2C phá sản.

Bạn có cảm nhận như thế nào về quãng thời gian này?

3. Đối mặt với hiện thực tàn nhẫn

Phần lớn những công ty khởi nghiệp thất bại đều miệt mài làm việc để chứng minh cho quy trình kỹ thuật của mình, nhưng lại bỏ qua mô hình kinh doanh và những bước xác nhận ý tưởng.

Hãy bước chân ra khỏi cửa công ty bạn!

Trong hầu hết các trường hợp, ý tưởng của bạn thường đi ngược với nhu cầu của thị trường. Đó là lý do tại sao ngay từ đầu, bạn phải tự nhìn nhận một các nghiêm khắc nhất về ý tưởng của chính mình. Hãy xem xét ý tưởng của bạn từ càng nhiều góc độ càng tốt.

Đừng ảo tưởng về giá trị sản phẩm của mình mà hãy chắc chắn rằng bạn đang sản xuất một thứ mọi người không chỉ muốn nó mà còn cần đến nó.

Một nhà sáng lập đã chia sẻ kinh nghiệm sau khi thất bại thế này: “Hãy sớm xác minh mô hình kinh doanh của bạn trước khi sản xuất một sản phẩm. Trong toàn bộ quá trình của mình, bạn phải luôn có một câu hỏi rõ ràng: Tại sao tôi lại làm việc này? Tôi sản xuất cái này cho ai?

Trong khi tìm hiểu những khách hàng tiềm năng, hãy hỏi họ: “Liệu bạn có bỏ tiền ra cho một giải pháp như thế này không? Nếu có thì bao nhiêu?”

Bạn sẽ không chứng minh được điều gì hết cho đến khi có mười khách hàng đầu tiên chi tiền ra cho bạn.

4. Khi những khách hàng tiềm năng nói dối

Trong quá trình phát triển, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ những khách hàng tiềm năng. Các số liệu thăm dò cho thấy rất nhiều người quan tâm tới ý tưởng và sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi đã thật ngu ngốc khi cho rằng vậy là đủ, và tin rằng những phản hồi kia là thật.

Mọi người nói “ý hay đấy” nhưng thực ra có thể họ không nghĩ vậy.

Thực tế cho thấy mặc dù một khách hàng tiềm năng gặp phải vấn đề này hay vấn đề kia, và cần có một giải pháp cho vấn đề đó, nhưng hiếm khi họ chịu tiến thêm một bước để giải quyết vấn đề của mình. Nếu vấn đề xảy ra chưa đủ mạnh để tạo ra những nỗi đau có thể cảm nhận rõ ràng, thì mọi người sẽ sống chung với nó thay vì dứt ruột nhả tiền ra để giải quyết.

Hãy hỏi khách hàng tiềm năng của bạn họ đã làm gì để giảm thiểu những vấn đề đó. Nếu họ không làm gì cả, có nghĩa là họ chưa cần giải pháp.

Những khách hàng tiềm năng có thể nói là họ rất thích sản phẩm của bạn. Nhưng thực ra những cuộc khảo sát qua email, lượt đăng ký dùng thử bản beta, hay bảng khảo sát không giúp được gì nhiều. Theo dõi trang sản phẩm của bạn và bỏ tiền ra mua là hai việc khác nhau.

5. Marketing kém sẽ giết bạn

Ngay cả khi bạn đã chắc chắn được ý tưởng của mình và sản phẩm đã sẵn sàng, việc tăng số lượng khách hàng cũng không dễ dàng. Hiện thực rất tàn nhẫn, lý do lớn thứ 2 khiến các công ty B2C phá sản là do marketing kém. Yếu tổ này ảnh hưởng tới 29% các công ty trong nghiên cứu của chúng tôi (với các công ty B2B là 7%).

Sản phẩm của bạn hoàn hảo đến đâu không quan trọng. Ngay cả một sản phẩm siêu việt cũng không tự marketing được cho chính nó.

Nếu bạn muốn tồn tại, bạn phải bỏ ra rất nhiều thời gian nghiên cứu các kênh phân phối. Bạn cần phải xác định những ai sẽ là đối tượng mục tiêu, phải thuê những người có kinh nghiệm với chuyên môn nhất định về marketing cho các công ty startup. Điều quan trọng nhất là đưa sản phẩm của bạn tới tay khách hàng.

Thời gian phát triển MVP (sản phẩm khả thi tối thiểu) phải tương đương với thời gian phân phối sản phẩm.

6. Hết tiền đồng nghĩa trò chơi đã kết thúc

Bạn cần phải có được khách hàng đầu tiên, có tiền để công ty bắt đầu hoạt động, bạn cần phải có tiền thì mới có lợi nhuận, có tiền để dùng trong những giai đoạn khó khăn trong quá trình khởi nghiệp.

Bạn cần phải có một kế hoạch tài chính, có những ngân sách và hạn chót rõ ràng. Đừng bỏ ra quá nhiều tiền cho việc xây dựng sản phẩm ban đầu. Ít nhất là cho đến khi bạn chắc chắn rằng mình đang xây dựng loại sản phẩm mọi người cần. Trong những trường hợp khác, bạn sẽ lãng phí tiền vào một sản phẩm không ai muốn mua.

Hãy cực kỳ tiết kiệm trong thời gian đầu, không cần danh thiếp, cơ sở hạ tầng, quyền lợi của nhân viên, và tất cả những thứ vớ vẩn khác về việc đăng ký giấy phép. Bạn có thể giảm được 80% chi phí nhờ làm việc tại nhà và thuê những người làm việc từ xa. Đừng tuyển nhân viên vội cho đến khi bạn đã có sản phẩm.

Bạn không nên vung tiền vào những thứ chỉ khiến bạn sao nhãng khỏi mục tiêu chính của mình, khi bạn còn chưa có doanh thu. Hãy dành tiền cho những lúc bạn thực sự cần.

20% các công ty start up B2B và 15% các công ty start up B2C đều bị cháy túi.

7. Đừng mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định cuối cùng

Khởi nghiệp là biến ý tưởng thành hiện thực, và theo đuổi giấc mơ. Làm gì có doanh nhân nào lại muốn dập tắt ước mơ của mình.

Mọi nhà sáng lập các công ty đều biết phải mất bao nhiêu thời gian, nỗ lực, và tiền bạc để ra mắt và phát triển một công ty. Nhưng thật không may, như đã đề cập ở phía, phải mất trung bình ba năm để một công ty phá sản. Là một doanh nhân, bạn đang đi trên một con đường đầy cạm bẫy có thể chết bất cứ lúc nào trên hành trình của mình.

Và hãy luôn luôn cân nhắc thời gian để tránh khỏi những cạm bẫy đó trước khi rơi vào khủng hoảng tài chính và khủng hoảng của chính mình. Càng ra quyết định nhanh, bạn sẽ tránh được càng nhiều những tổn thương trong tương lai.

Một CEO chia sẻ: “Con người rất cảm tính. Vì công ty chính là đứa con của chúng ta nên chúng ta không nỡ đóng cửa nó chóng vánh để hạn chế thiệt hại. Chúng ta tự lừa dối mình rằng mọi thứ rồi sẽ ổn thôi trong khi thực ra chúng ta không thể khiến mọi thứ trở lại hoạt động như bình thường”.

Gây dựng nên một công ty start up là một việc khó chứ không phải trò đùa, cần phải dồn tâm trí vào nó. Đó có thể là điều tuyệt vời nhất hoặc tệ hại nhất trong cuộc đời bạn. Phá sản là việc không dễ dàng gì, nhưng tôi vẫn sẽ tiêu đồng đô la cuối cùng và những giờ làm việc cuối cùng của mình để có cơ hội thêm một lần nữa.

Bài viết của nhà đồng sáng lập Marketers.io, Anastasia Mudrova

Niên Hồ (Theo Thinkgrowth)