Tập đoàn công nghệ viễn thông của Trung Quốc Huawei chính thức xác nhận đang kiện Chính phủ và tỏ ra rất tự tin sẽ thắng kiện. Cơ sở nào cho Huawei sự tin tưởng có thể lật ngược thế cờ như vậy?

Huawei phản đòn

Đơn kiện đã được Huawei đệ lên Tòa án liên bang ở Texas, trong đó thách thức tính hợp hiến của điều khoản 899 đạo luật về quốc phòng, viết tắt là NDAA, mà Tổng thống Donald Trump đã ký thành luật hồi tháng 8/2018. Văn kiện này cấm các cơ quan liên bang Mỹ cũng như các nhà thầu của họ mua sắm các thiết bị và dịch vụ của Huawei.

Lập luận của Huawei được Chủ tích luân phiên Guoping nêu là: “Quốc hội Mỹ nhiều lần không đưa ra được các bằng chứng cho việc hạn chê các sản phẩm của Huawei. Quy định cấm trong NDAA không những trái luật, mà nó còn hạn chế Huawei được phép cạnh tranh công bằng, hậu quả là gây tổn hại tới người tiêu dùng Mỹ”.

Các luật sư của Huawei cho biết đạo luật NDAA vi phạm Hiến pháp Mỹ vì kết tội một cá nhân hay tập thể nào đó và trừng phạt họ mà không dựa trên thủ tục pháp lý nào. Điều này cũng vi phạm quyền tố tụng của Huawei, tước bỏ quyền của Huawei được nghe các chứng cứ và quyền biện hộ trước tòa.

Theo Reuters, dù Huawei có rất ít thị phần trên thị trường thiết bị viễn thông của Mỹ trước khi dự luật được thông qua, tập đoàn này coi điều khoản 889 là một trở ngại trong việc xử lý các vấn đề lớn hơn với Washington. “Dỡ bỏ lệnh cấm trong NDAA sẽ mang lại cho Chính phủ Mỹ sự linh hoạt cần thiết để làm việc với Huawei và giải quyết các vấn đề an ninh thực sự”, ông Guo nói.

Trước đó, tại Canada, các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu đã kiện chính quyền Ottawa vi phạm các quyền cơ bản khi tạm giam bà để xem xét yêu cầu dẫn độ bà sang Mỹ.

Lý lẽ của Bắc Kinh

Giới phân tích quốc tế cho rằng đây không chỉ là bước đi của Huawei, mà là của Trung Quốc, bởi lẽ Bắc Kinh sẽ sử dụng tất cả các biện pháp có thể để bảo vệ khả năng tăng cường sự hiện diện trên thị trường công nghệ toàn cầu, nhất là khi Washington đang vận động các đồng minh có lệnh cấm tương tự đối với Huawei vì nguy hại an ninh quốc gia.

Chuyên gia Nga trong lĩnh vực tình báo cạnh tranh, Đại tá về hưu Andrei Masalovich, bình luận rằng vụ kiện của Huawei nhằm vào Chính phủ Mỹ. Phát biểu với Sputnik, ông cho rằng khi khởi kiện, lãnh đạo Huawei đã nhấn mạnh Chính phủ Mỹ từ lâu đã gọi Huawei là mối đe dọa.

Dù đã xâm nhập các máy chủ, đánh cắp nhiều thư điện tử và mã nguồn của tập đoàn, nhưng Washington không thể đưa ra bất kỳ chứng cứ cụ thể nào để giải thích cho việc cấm sử dụng các sản phẩm của Huawei.

Với lập luận này, Bắc Kinh muốn chứng tỏ rằng lệnh cấm của Mỹ là hoàn toàn mang tính chính trị.

Chuyên gia Masalovich đánh giá “Sau khi nhận thức được rằng họ đang bị chậm trễ khi nhận ra tham vọng của Trung Quốc, Washington tập trung nỗ lực để kiềm chế Trung Quốc. Tất cả những gì đang diễn ra với Huawei cho thấy nỗ lực nhằm đẩy đối thủ cạnh tranh công nghệ ra khỏi thị trường thế giới”.

Một vấn đề chính là ai sẽ chiếm thị phần 5G. Trên thị trường này, tập đoàn nào đến trước, tập đoàn nào chiếm thị phần lớn hơn, thì sẽ áp đặt các tiêu chuẩn của mình. Cuộc đối đầu trở nên nghiêm trọng, vì thế phía Trung Quốc đang áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ tiến trình của họ trên thị trường toàn cầu. Đây không phải là một bước đi của Huawei, mà là một bước đi của Trung Quốc trên con đường thống trị thế giới trong lĩnh vực quan trọng này.

Đơn kiện của Huawei chống lại Chính phủ Mỹ không chỉ bó hẹp trong quan hệ song phương. Rõ ràng vụ kiện có thể khiến một số khách hàng và đối tác nước ngoài của Huawei, như Đức và Anh, tin rằng  Trung Quốc sẵn sàng hành động mạnh chống lại sự cản trở của chính quyền Mỹ gây tổn hại cho danh tiếng của Huawei. Hơn nữa, đây không chỉ là cuộc đấu tranh để bảo vệ danh tiếng. Bất kỳ hành động cụ thể nào từ phía Trung Quốc nên được coi là một phần của chiến lược tổng thể.

Trong cả hai trường hợp kiện tụng nói trên, về hình thức, bên nguyên đơn là tập đoàn Huawei chứ không phải là Nhà nước Trung Quốc. Thế nhưng, giới phân tích đều cho rằng thực tế Bắc Kinh đứng sau các vụ kiện. Với cuộc phản công đang diễn ra trên bình diện tư pháp của tập đoàn Huawei,Trung Quốc đã cho thấy rõ họ biết tranh thủ các quyền tự do tại các nước như Mỹ và Canada.

Minh Thu