Nampo – “Hải Phòng” của Triều Tiên

Nampo – thành phố cảng đặc biệt – được coi là cái “dạ dày” nằm ở cửa ngõ Tây Nam thủ đô Bình Nhưỡng, có nhiều nét tương đồng với thành phố cảng Hải Phòng của Việt Nam. Và có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Hải Phòng được chọn là điểm đến vào chiều nay 27/2 trong lịch trình bận rộn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Việt Nam và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2 này.

Vị trí quan trọng

Nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 50km, bên cửa sông Taedong nối ra vùng biển Tây Triều Tiên, Nampo là thành phố đặc biệt trực thuộc Trung ương, cũng là  thành phố lớn thứ 4 Triều Tiên với 370.000 dân.

Ban đầu chỉ là một làng đánh cá nhỏ, nhưng với vị trí đặc biệt quan trọng của mình, từ cuối thế kỷ 19, Nampo đã trở thành thành phố thương mại – cảng biển nhộn nhịp và đặc biệt phát triển sau Thế chiến thứ 2.

Với sự đẩy mạnh nhanh chóng trong đầu tư nhà nước từ hàng chục năm trước, năng lực công nghiệp của thành phố tăng nhanh với một số cơ sở nổi bật như Nhà máy oto Pyeonghwa Motors, nhà máy Namp’o Smelter Complex, công ty Namp’o Glass Corporation, Namp’o Shipbuilding Complex, Namp’o Fishery Complex…

Cảng biển lớn nhất

Nampo là cảng biển lớn nhất của Triều Tiên với khả năng tiếp nhận các tàu biển tải trọng tới 20.000 tấn, đồng thời là trung tâm của ngành đóng tàu Triều Tiên. Thành phố cũng là điểm đến hàng đầu của khách du lịch cả trong nước và quốc tế.

Dọc theo cảng biển là hàng loạt các cơ sở công nghiệp nhẹ. Hệ thống đập Tây Hải, nằm cách Nampo 15km trên cửa sông Taedong, được coi là công trình biểu tượng, là thành tựu to lớn của quốc gia. Được xây dựng vào thập niên 1980 với  chi phí hơn 4 tỷ USD, đập dài tới 8 km và có 36 cửa cống, có công năng ngăn mặn và tạo nguồn nước ngọt dồi dào cho khu vực.

Giao thông thuận tiện

Nampo là một trong số rất ít thành phố của Triều Tiên có đường cao tốc kết nối trực tiếp với thủ đô. Tuyến cao tốc mang tên Thanh niên Anh hùng, được đưa vào khai thác từ tháng 10/2010 và  là tuyến đường bộ rộng nhất (với 10 làn) của Triều Tiên, cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của thành phố cảng này. Bên cạnh đó, thành phố cũng có hệ thống đường sắt và đường thủy thuận tiện kết nối với nội địa.

Triển vọng bứt phá

Với vị trí của mình, Nampo là cửa ngõ đặc biệt quan trọng kết nối Triều Tiên với bên ngoài, là đầu mối thương mại với Trung Quốc và các nước châu Á khác, là hầu bao thu ngoại tệ đáng kể cho nhà nước. Việc tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, như hệ thống bến cảng hiện đại và đường giao thông thuận tiện … đã cho thấy chính quyền Triều Tiên coi trọng “chiếc dạ dày” này thế nào.

Do ảnh hưởng của các lệnh cấm vận trừng phạt nhiều năm qua, Nampo đã không  thể phát huy hết khả năng, các cơ sở hạ tầng của thành phố cũng không được sử dụng hết công suất.
Trong tương lai, nếu thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 đạt tiến triển tích cực, các lệnh cấm vận được nới lỏng dần, chúng ta sẽ thấy một Nampo vô cùng sôi động với bến cảng hoạt động nhộn nhịp, tuyến cao tốc Thanh niên Anh hùng trở thành huyết mạch vận chuyển hàng hóa đến và ra với thế giới. Và đây chắc chắn sẽ là địa điểm nhắm tới của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Sau những thắng lợi ngoại giao của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần đầu tiên tại Singapore cách đây hơn 8 tháng, đến Việt Nam lần này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chắc chắn ôm tham vọng đạt được thỏa thuận nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và thiết lập vị thế mới của Triều Tiên trên trường quốc tế.

Ở chiều ngược lại, bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay trước thềm cuộc gặp, đã tuyên bố “mọi vấn đề sẽ được đặt lên bàn thương lượng”, và cũng không ngần ngại cho biết Washington chủ trương nới lỏng cấm vận nếu Bình Nhưỡng có những bước đi thỏa đáng.

Tất nhiên giữa hai bên vẫn còn khoảng cách mâu thuẫn lớn, nhiều khác biệt vẫn còn tồn tại, song hai nhà lãnh đạo được coi là “đặc biệt” nhất hành tinh này đều đang mong muốn “ghi điểm”. Vì vậy, hy vọng đạt được đột phá là không phải không có cơ sở.

Sau gần 5 năm theo đuổi đường lối phát triển “byungjin – kinh tế và quốc phòng cùng tiến”, với sự chuyển hướng chiến lược từ năm ngoái đến nay, ông Kim đang cho thấy nỗ lực thúc đẩy đối thoại để tập trung phát triển kinh tế. Trong bối cảnh như vậy, việc nghiên cứu, tìm tòi các mô hình, các trọng điểm phát triển kinh tế đất nước là điều hết sức cần thiết.

Minh Thu

Tags

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Bài tương tự

App screen

Cập nhật tin tức qua
Newsletter

Đăng ký để nhận thông báo sự kiện, các bài viết từ chuyên gia, bình luận topic ...