Ngày càng nhiều startup tận dụng các không gian làm việc chung (co-working space) trong thời gian đầu thành lập công ty. Sự nở rộ của mô hình này đã tạo thành một ‘lối sống’ riêng của các công ty khởi nghiệp. Đó là nơi họ có thể vừa thoải mái làm việc, vừa có những người bạn để trao đổi các ý tưởng và thậm chí ‘sống ảo’ trên Instagram.

Tại sao phải lựa chọn không gian làm việc chung?

Với các startup mới hay các freelancer, đây là một lựa chọn vừa túi tiền trong bối cảnh tài chính eo hẹp. Bạn sẽ không phải thuê mướn một mặt bằng đắt tiền để làm việc; thay vào đó, bạn vẫn có một vị trí làm việc đẹp với mức giá hợp lý hơn.

Đây cũng là nơi cho bạn nhiều sự tự do và khám phá trong công việc. Với sự linh hoạt trong cách làm việc cũng như sự thoải mái trong không gian, bạn hoàn toàn có thể ‘rủ rê’ các cộng sự hay freelancer để trao đổi và tìm ý tưởng.

Không gian làm việc chung cũng sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu tổ chức cuộc họp hay các buổi phỏng vấn ứng viên của bạn. Đó cũng là cách bạn tạo ấn tượng với người ngoài về phong cách startup của mình. Trên thực tế, có rất nhiều buổi đấu giá ý tưởng, các hội thảo, các cuộc thi cũng được tổ chức tại các không gian này, vì nó mang lại cảm hứng sáng tạo cho người tham dự.

Hòa hợp với doanh nghiệp

Trong vài năm trở lại đây, xu hướng khởi nghiệp ngày càng phát triển. Đặc biệt hơn, nhiều ý tưởng sáng tạo đã được thai nghén trong các ‘tổ kén’ – chính là các không gian làm việc chung, nơi cộng đồng sáng tạo và khởi nghiệp thường xuyên gặp gỡ.

Có thể thấy các doanh nghiệp lớn có thể soi chiếu vào hoạt động của cộng đồng này tại các không gian chung để nhận diện các xu hướng đang hình thành, các cơ hội đầu tư, thêm dữ liệu để phân tích thị trường hoặc tìm ra ý tưởng kinh doanh mới.

Về mặt tuyển dụng, doanh nghiệp có thể hấp dẫn ứng viên tiềm năng bằng cách cho họ cơ hội làm việc tại các không gian chung đầy sáng tạo như thế này. Nhân viên – đặc biệt là giới trẻ – sẽ cảm thấy được truyền cảm hứng và năng lượng nhiều hơn khi được bao bọc bởi các startup và dân sáng tạo.

Giới khởi nghiệp cũng sẽ được lợi khi giới doanh nghiệp bắt đầu ‘chào sân’. Họ sẽ được gặp gỡ và nghe tư vấn, chia sẻ về công việc, kinh doanh,… qua đó giúp ích cho công ty khởi nghiệp của họ.

“Cứ làm đi rồi sẽ thấy”

Kinh nghiệm cho thấy, tại mỗi không gian làm việc chung sẽ hình thành một nhóm cộng đồng riêng, hình thành bởi những cá thể thường xuyên lui tới nơi đó. Điều đó đặt ra câu hỏi cho những người mới: Liệu họ có thuộc về nơi này hay không?

Trên thực tế, mặc dù các không gian làm việc chung được xây dựng theo hướng thân thiện và cởi mở, bạn cũng sẽ mất thời gian để xây dựng lòng tin và các mối quan hệ chặt chẽ. Nhưng bạn sẽ không được gì nếu cứ đứng trước cửa và đắn đo. Vậy nên lời khuyên sẽ là “cứ làm đi rồi sẽ thấy”.

Hãy dũng cảm làm quen với những người đang sinh sống trong cộng đồng đó, giới thiệu bản thân và các ý tưởng mà mình có. Sự cởi mở của bạn sẽ giúp họ cảm thấy gần gũi hơn và sẵn sàng trò chuyện với bạn. Biết đâu một ai đó trong số họ sẽ mang lại cho bạn ‘ý tưởng triệu đô’.

Và cũng đừng quên đóng góp lại cho họ về những mặt họ có thể làm tốt hơn, hoặc đơn giản là ghi nhận những gì họ đang làm cho cộng đồng.

Hiệp (Theo Techworld)